Bão lũ, không khí lạnh... ngày càng dị thường

06/03/2009 23:38 GMT+7

Bà Đào Thị Thúy (ảnh), Trưởng phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm Nghiên cứu khí tượng khí hậu, Viện Khoa học khí tượng thủy văn và Môi trường) đã trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên về sự xuất hiện ngày càng nhiều các hiện tượng thời tiết khí hậu cực đoan, dị thường.

* Thưa bà, tại sao gần đây các tỉnh phía Nam lại chịu ảnh hưởng ngày càng nhiều của các đợt không khí lạnh?

- Những năm gần đây, số đợt không khí lạnh tràn về nước ta giảm đi nhưng cường độ và diễn biến thất thường hơn so với quy luật thường thấy. Các đợt không khí lạnh này chủ yếu do cao áp ở Siberia (Nga) đem lại, nhiệt độ vùng Siberia tăng lên thì cường độ không khí lạnh sẽ phải yếu đi nhưng mùa đông ở VN trong 2 năm qua lại lạnh hơn, có những đợt rét đậm, rét hại kéo dài hơn. Đường đi của không khí lạnh cũng đang thay đổi, trái với quy luật.

Thông thường, vào đầu mùa đông, không khí lạnh đi qua lục địa Trung Quốc rồi tràn xuống nước ta nên khô, đến cuối mùa nó đi lệch ra phía đông rồi di chuyển vào VN qua hướng từ biển vào nên dù lạnh nhưng ẩm hơn và gây mưa phùn ở Bắc Bộ. Thế nhưng, hiện nay, ngày càng nhiều các đợt không khí lạnh tương đối mạnh đi lệch về phía đông trước khi đến VN, không bị cản bởi đèo Hải Vân nên ảnh hưởng đến các tỉnh phía Nam nhiều hơn. Gần đây nhất là các đợt không khí lạnh xảy ra trong tháng 1.2009, mặc dù cường độ không mạnh nhưng người dân Nam Bộ cũng cảm nhận được cái lạnh của mùa đông miền Bắc.

* Hình như các hiện tượng thời tiết cực đoan khác như bão, mưa lớn cũng đang ngày càng khốc liệt, dị thường hơn?

- Đúng vậy. Mùa mưa bão ở VN thường bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 12, nhưng những năm gần đây lại kết thúc muộn hơn (tháng 1, tháng 2 năm sau), xuất hiện nhiều cơn bão có cường độ mạnh hơn, quỹ đạo dịch chuyển dần về các vĩ độ phía Nam và nhiều cơn bão có quỹ đạo di chuyển dị thường hơn. Chẳng hạn, cơn bão số 7 năm 2007 (từ 20 - 27.11.2007) đi từ ngoài khơi vào đất liền gần tỉnh Phú Yên nước ta lại quay ngược ra biển rồi đổ bộ vào miền trung Philippines; trong khi đây là cơn bão xuất hiện vào cuối mùa bão và đường đi của nó như thường lệ sẽ đổ bộ vào khu vực Nam Trung Bộ nước ta. Hoặc bão số 6 năm 2008 (từ 22 - 25.9.2008) hoạt động vào giữa mùa bão, lẽ thông thường nó sẽ đổ bộ vào khu vực thuộc Bắc và Trung Trung Bộ nhưng thực tế lại đi lên và đổ bộ vào khu vực biên giới phía Bắc.

Kết quả thống kê trong những năm qua cho thấy, số trận mưa lớn xảy ra ngày một nhiều hơn nhưng thời gian có mưa thường ngắn lại. Số trận mưa cực lớn càng nhiều khiến lũ lụt gia tăng, điển hình nhất là những đợt lũ chồng lên lũ tại miền Trung trong năm 2007. Đáng lưu ý, hạn hán vẫn xảy ra ngay cả những tháng mùa mưa, vùng chịu hạn rộng hơn và mức độ cũng nặng hơn.

* Thưa bà, những hiện tượng khí hậu cực đoan phá vỡ quy luật kể trên có phải là do biến đổi khí hậu gây ra?

- Hiện chưa có những nghiên cứu đầy đủ nào để khẳng định biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra tất cả các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra ở nước ta trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, các nhà khoa học khí tượng thủy văn đã cảnh báo rằng, ngoài việc mực nước biển dâng cao, sự gia tăng của các hiện tượng khí hậu cực đoan và thiên tai cả về tần số và cường độ do biến đổi khí hậu là mối đe dọa thường xuyên, trước mắt và lâu dài đối với tất cả các lĩnh vực, các vùng và các cộng đồng. Bão, lũ lụt, hạn hán, mưa lớn, nắng nóng, giông lốc là thiên tai xảy ra hằng năm ở nhiều vùng trong cả nước, gây thiệt hại cho sản xuất và đời sống.

* Xin cảm ơn bà!

Quang Duẩn
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.