Sau lũy tre làng và điều muốn nói

21/02/2009 20:53 GMT+7

Trong lúc cải lương đang hồi khó khăn, thì vở Sau lũy tre làng ra mắt tại Trung tâm văn hóa quận 11 (sân khấu 179) vào hai đêm 6 - 7.2.2009 đã như một “sự kiện” làm giật mình những người yêu sân khấu.

Nói giật mình quả thật không cường điệu tí nào. Bởi trong lúc nhiều nghệ sĩ chưa đi hát đã đòi cát-sê mấy triệu đồng, thì ở đây anh em đã trả lại phong bì cho “ông bầu” Châu Tú. Có người còn chảy nước mắt, nói: “Thôi, anh đầu tư mấy chục triệu vào đó, chưa lấy vốn lại, tụi tôi nỡ lòng nào...”. Đến lượt “ông bầu” nghẹn lời. Chưa kể tác giả Lam Tuyền lẫn đạo diễn Đăng Minh và trưởng nhóm Trần Văn Hưng cũng miễn phí luôn công sức.

Còn giật mình bởi trong lúc nghệ sĩ cứ gom gom với nhau hát những tác phẩm cũ, và “chơi” cả vụ hát nhép, thì ở đây anh em chọn kịch bản mới toanh, rồi nhất định giữ đúng ngày giờ tập tuồng, và tập cho đến thuộc lòng kịch bản mới thôi. Kỷ luật nghiêm túc không thua một đoàn hát chính thức.

Và giật mình bởi khán giả đã vỗ tay hết chập này đến chập khác. Rồi có những người thảy hoa và quạt lên sân khấu, kèm trong đó là tiền thưởng cho nghệ sĩ, y như không khí ca hát tài tử Nam Bộ ngày xưa. Một khán giả còn chặn đường ra về hỏi ai là đạo diễn, rồi tặng cả nhóm 500.000 đồng, tối đó anh em kéo nhau đi ăn bồi dưỡng thay cho cát-sê.

Chuyện cảm động ấy, phong cách chơi tài tử ấy chỉ có được khi người ta rung động thật sự với sân khấu, lãng mạn và đắm say khi thưởng thức. Mấy nơi đã được “tưởng thưởng” như thế? Nó nằm ngoài số tiền vé, nó là một thứ “men” nồng nàn để những nghệ sĩ kia còn đủ niềm tin mà đi tiếp.

Thật ra, họ đã có niềm tin mãnh liệt nên mới dám “liều” như thế. Một “ông bầu” sân khấu mới “ra lò” chưa đầy hai năm, “thầu” một địa điểm xa nơi trung tâm, lại chọn cải lương để “công phá”. Những nghệ sĩ đoạt giải Trần Hữu Trang và Ngôi sao Vọng cổ truyền hình chấp nhận lên thành phố ở nhà thuê, bỏ bớt sô tạp kỹ, để về đây hát nguyên tuồng nghiêm túc. Những Hoàng Nhứt, Ngọc Trắng, Giang Bích Phượng, Cao Thúy Vy, Nguyễn Văn Đợi... ca hay, diễn giỏi, sẽ là người thay thế cho thế hệ đàn anh đàn chị.

Họ cùng đồng tâm hiệp lực trong cuộc chơi này, và hy vọng sẽ thành lập được một sân khấu ổn định tương tự sân khấu Phú Nhuận của “bà bầu” Hồng Vân. “Muốn vậy, không cách gì khác hơn là phải nghiêm túc với khán giả và với chính mình”, Hoàng Nhứt nói, “Chúng tôi là người trẻ, không cạnh tranh nổi với các “ngôi sao”, nhưng cũng không có quyền bỏ cuộc hay làm qua loa rồi đổ thừa cho người này người nọ.

Mình phải ráng biến mình thành “sao” bằng cách vượt qua khó khăn. Tôi tin khán giả sẽ không bỏ chúng tôi”. Anh Châu Tú nói: “Chính vì vậy mà tôi chọn diễn viên trẻ chứ không chọn ngôi sao. Nếu có sao, dĩ nhiên tôi sẽ doanh thu nhanh chóng, nhưng vẫn là làm ăn thời vụ, không thể thành một đơn vị ổn định. Chúng tôi cùng nghèo, nhưng giàu tấm lòng, chắc sẽ thành công”.

Sắp tới, nhóm này sẽ diễn hằng tuần vào đêm thứ bảy hoặc chủ nhật, giá vé 50.000đ cho khán giả dễ mua, so với kịch đã lên 90.000đ thì cải lương vẫn còn khiêm tốn. Dĩ nhiên phải tập thêm kịch bản mới để diễn gối đầu cho phong phú. Tin vui là tỉnh Hậu Giang đã mời Sau lũy tre làng xuống diễn vài đêm. Nghe nói Cà Mau cũng dự tính mời.

Dù sao thì nhiều tỉnh miền Tây đều có “đóng góp” diễn viên cho nhóm, coi như cây nhà lá vườn, chắc khán giả sẽ ủng hộ. Nhiều người muốn xem thử “dân tỉnh” mình lên Sài Gòn “luyện võ công” có tiến bộ gì hay không. Còn khán giả Sài Gòn lại ái mộ đào kép trẻ với chất đồng bằng chân phương, đáng yêu. Cải lương trong họ còn rất đẹp, chưa pha trộn, lai căng, giọng ca ngọt ngào hương phù sa châu thổ, ai sành điệu sẽ không thèm câu nệ có phải là “sao” hay không.

Vậy còn những người có trách nhiệm với họ? Nhà nước và những mạnh thường quân sẽ vào cuộc thế nào để đừng lãng phí những tài năng và tâm huyết hôm nay?

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.