TP.HCM: tiếp tục giám sát tình hình bệnh sởi

19/02/2009 10:34 GMT+7

* Cần Thơ: bệnh thủy đậu gia tăng * Đà Nẵng: sởi xuất hiện, văcxin khan hiếm TP.HCM, CẦN THƠ, ĐÀ NẴNG - Ngày 18-2, bác sĩ Nguyễn Văn Châu - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cùng một số đơn vị nghiệp vụ thuộc sở đã đến nhà bệnh nhân sởi H.T.V.A. (27 tuổi, Q.4) để tiếp tục kiểm tra, nắm bắt tình hình và xử lý vệ sinh môi trường tại nhà bệnh nhân. Bệnh nhân này có nguồn lây bệnh từ vùng dịch phía Bắc (bệnh nhân xuất hiện sốt và phát bệnh sau khi trở về từ Quảng Ninh và Hà Nội ba ngày).

Khảo sát cho thấy gia đình bệnh nhân có chín người, trong đó có hai cháu bé đã được chích ngừa sởi, năm người khác từng bị sởi trước đó vài chục năm, chỉ còn người cha hơn 70 tuổi chưa từng bị bệnh, hiện sức khỏe vẫn bình thường. Sở Y tế TP đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng TP và Trung tâm y tế dự phòng Q.3, Q.4 và Q.1 (nơi có văn phòng bệnh nhân H.T.V.A. làm việc) tiếp tục xử lý môi trường và giám sát dịch tễ chặt chẽ.

Bác sĩ Phan Văn Nghiệm - trưởng phòng nghiệp vụ y Sở Y tế - cho hay đến nay tại TP mới có hai người lớn mắc sởi và chưa lây lan thêm trường hợp nào. Bệnh nhân H.T.V.A. vẫn đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.

* Theo số liệu của Bệnh viện Da liễu Cần Thơ, bệnh thủy đậu đang bắt đầu gia tăng ở cả người lớn và trẻ em, trong đó có không ít trường hợp nặng phải nhập viện điều trị nội trú. Chỉ tính từ đầu tháng hai đến nay tại khoa khám của Bệnh viện Da liễu đã tiếp nhận 88 trường hợp người lớn và 26 trẻ em bị bệnh thủy đậu đến khám, trong đó có tới 38 trường hợp phải nhập viện điều trị (tháng 1-2009 có 61 bệnh nhân khám, 22 bệnh nhân điều trị nội trú).

Tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, số trẻ bị thủy đậu đến khám cũng gia tăng so với tháng trước đó. Tính từ đầu tháng 1-2009 đến nay có trên 80 bệnh nhi đến khám được xác định mắc bệnh thủy đậu, có hai trường hợp biến chứng nặng phải điều trị nội trú.

Bác sĩ Từ Tuyết Tâm, Bệnh viện Da liễu Cần Thơ, cho biết vẫn còn nhiều người quan niệm sai lầm theo dân gian là kiêng nước, kiêng gió đối với bệnh nhân thủy đậu nên thường xuyên ủ kín không tắm rửa cho bệnh nhân khi phát những nốt rạ đầu tiên. Từ đó gây nhiễm trùng, biến chứng rất nguy hiểm.

* Tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng cho hay ngày 18-2 có chín ca nhập viện do bị sốt phát ban (sởi). BS Nguyễn Tam Lãm - trưởng khoa dịch tễ, Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng - cho biết: “Tất cả chín mẫu bệnh phẩm này đã được gửi đến Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương để kiểm tra, đang chờ kết quả”.

Ông Lãm nói mỗi ngày có rất nhiều người dân đến tiêm văcxin phòng sởi nhưng trung tâm đã hết văcxin “tam liên” (chống quai bị, rubella, sởi). Hiện trung tâm chỉ còn văcxin cho trẻ từ 9-11 tháng tuổi. BS Lãm khuyến cáo: đối phó với dịch bệnh trên, người dân phải chủ động đi tiêm phòng ở mọi thời điểm, đồng thời đang giám sát, đề phòng khi có dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Theo L.TH.H. - T.Lũy - L.Thanh / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.