"Sau lũy tre làng": Một cách làm cải lương nghiêm túc!

08/02/2009 11:03 GMT+7

Tối 6-2, tại sân khấu 179 (Bình Thới, Q.11, TP.HCM), vở cải lương Sau lũy tre làng (tác giả: Lam Tuyền, đạo diễn: Đăng Minh, chỉ đạo nghệ thuật: Lê Duy Hạnh, Trần Văn Hưng) đã được công diễn, chính thức mở màn hoạt động của một sân khấu cải lương mới.

Vở diễn là một dòng chảy nhẹ nhàng từ những câu chuyện phía sau lũy tre làng, bên dòng sông, bến nước, con đò. Sự vất vả, cái nghèo khổ đã khiến một số cô gái quê lầm đường lạc lối, chạy theo đồng tiền một cách mù quáng để rồi lâm vào cảnh lỡ làng, thậm chí phải bán thân...

Trong thời buổi phần "nhìn" lấn át phần "nghe" như hiện nay, Sau lũy tre làng như chuyến đò ngược... Cảnh trí không hào nhoáng, rực rỡ, trang phục mộc mạc với chiếc áo bà ba, những manh áo không lành lặn của người nhà quê... Nhưng rõ ràng phần "nghe" đã được lựa chọn kỹ, đó là những tên tuổi chưa bước lên hàng "sao" nhưng giọng ca đã được "bảo chứng" với những giải thưởng Chuông vàng vọng cổ, giải Trần Hữu Trang như: Hoàng Nhất, Giang Bích Phượng, Cao Thúy Vy... Mỗi người mỗi vẻ nhưng tựu trung vẫn là cách hát cải lương chân phương, truyền cảm dễ làm ưng bụng những khán giả sành điệu!

Sau lũy tre làng còn có sự góp mặt của các nghệ sĩ: Trương Hoàng Long, Lệ Trinh, Thanh Ngọc..., sẽ tiếp tục được diễn định kỳ vào thứ bảy hằng tuần tại sân khấu 179. Giá vé đồng hạng 50.000đ/vé.

Sau vở diễn này, êkip đang lên kế hoạch thực hiện tiếp nhiều vở diễn mới mang màu sắc xã hội. Đạo diễn Đăng Minh cho biết từ đây đến 30-4 sân khấu phải thực hiện ít nhất bốn vở mới để làm phong phú thêm kịch mục.

Sau lũy tre làng đem lại thiện cảm cho người xem bởi cảm giác vở được dàn dựng nghiêm túc và khá sạch sẽ mặc dù đề tài không hẳn mới. Các màn hài được cài đặt vào vở diễn một cách hợp lý, vừa vặn không gây cảm giác kệch cỡm, quá lố.

Công đầu thuộc về kịch bản khá tốt của tác giả Lam Tuyền - người từng nổi đình nổi đám với vở diễn hài Ra giêng anh cưới em trước đây, kế đó phải kể đến sự tung hứng khá ăn ý của ba nghệ sĩ Vương Cảnh - Cao Thúy Vy - Ngọc Trắng trong vai những người bạn thân thiết ở làng quê nghèo.

Vương Cảnh đã lâu không xuất hiện trọn vở trên sân khấu thành phố, lần này anh đã có cơ hội tạo ấn tượng với vai anh chàng Thừa cà lăm rất dễ thương. Cao Thúy Vy sau một vài vai diễn nhỏ với sự nâng đỡ của Sân khấu vàng đã chứng tỏ sự tiến bộ rõ rệt ở vai Thắm.

Thắm chính là điểm nhấn để người ta bền lòng tin rằng vẫn còn đó những cô gái trẻ vùng nông thôn biết kiếm tiền, làm giàu chân chính từ những ngành nghề truyền thống, từ những cây tre dân dã của quê hương. Dù đi sau Vương Cảnh đến mấy thế hệ nhưng Vy đã "ăn - rơ" cùng anh để tạo thành một cặp đôi rất duyên dáng, dí dỏm trên sân khấu. Sự tung hứng nhịp nhàng của đôi bạn diễn này đã tạo nhiều ấn tượng với khán giả, thậm chí có phần tỏa sáng hơn cả cặp đào - kép chính...

Tiếc là nếu như mảng hài khá suôn sẻ, phần nào làm thỏa mãn người xem thì vài điểm nhấn, tạo dấu ấn, cao trào cho vở diễn vẫn chưa được làm đậm. m nhạc chưa thể hỗ trợ tốt những cao trào. Dù có chất giọng tốt nhưng với lối thể hiện khá căng thẳng, nhân vật Diệu của Giang Bích Phượng vẫn chưa thật sự nắm bắt được cơ hội ở nhiều trường đoạn đắc địa để người nghệ sĩ thể hiện bản lĩnh của mình.

Lý giải về chuyện chỉ mời những gương mặt mới, ông Nguyễn Châu Tú - giám đốc Công ty Hoàng Anh Tú (đơn vị thực hiện Sân khấu 179), thẳng thắn thừa nhận: "Catsê của các ngôi sao cao quá tôi không kham nổi, nhưng điều quan trọng là tôi không chịu nổi lối làm việc bê trễ, tùy hứng của họ. Thà tôi mời các nghệ sĩ trẻ nhưng có tố chất, chịu khó tập luyện, hết lòng vì vở diễn. Trước mắt có thể khó khăn nhưng về lâu về dài tôi tin với những kịch bản hoàn toàn mới, có sự chăm chút kết hợp với thái độ làm việc nghiêm túc và kỷ luật của diễn viên, chúng tôi sẽ chinh phục được khán giả".

Theo Linh Đoan/Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.