Chán ăn, coi chừng gan nhiễm mỡ!

07/02/2009 22:37 GMT+7

Cảm giác chán ăn, ăn không ngon, hoặc khó tiêu hãy cảnh giác với bệnh gan nhiễm mỡ.

Một số tác nhân

Gan nhiễm mỡ là hiện tượng lượng mỡ trong tế bào gan tích tụ vượt quá lượng mỡ giới hạn phân bố bình thường. Trong trường hợp bình thường, gan chỉ chứa một lượng mỡ khoảng 3% - 5% khối lượng gan. Khi lượng mỡ trong gan vượt quá 5% khối lượng gan (khối lượng ướt) hoặc khi thực chất gan trên 50% bị mỡ hóa (xét trên bình diện mô học) thì gọi là gan nhiễm mỡ.

Những năm gần đây tỷ lệ bệnh gan nhiễm mỡ có xu hướng tăng cao rõ rệt. Trước đây gan nhiễm mỡ chỉ gặp nhiều ở người cao tuổi và người trung niên, nay gặp ở cả thanh niên trẻ. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ. Ở cùng một người bệnh, việc bị gan nhiễm mỡ có thể là do một hoặc nhiều nguyên nhân dưới đây:

Thực phẩm cần hạn chế

1. Uống rượu quá nhiều: Người uống rượu trong thời gian dài, hoặc nghiện rượu sẽ dễ bị gan nhiễm mỡ. Là vì, rượu có thể gây viêm dạ dày, viêm ruột, hoặc viêm lá lách mạn tính, gây ảnh hưởng chức năng tiêu hóa, hấp thu. Rượu làm tăng lượng cholin (cholin thúc đẩy hình thành gan nhiễm mỡ). Rượu còn khiến lượng mỡ từ mô mỡ dự trữ đến gan tăng lên.

2. Quá thừa dinh dưỡng: Đời sống khá giả, nhiều người ăn uống quá nhiều, dùng nhiều thức ăn có lượng chất béo cao khiến dinh dưỡng quá dư, từ đó gây rối loạn chuyển hóa đường, chất béo và protein trong cơ thể, dẫn đến tăng cao mỡ (triglycerid, cholesterol) trong máu, hình thành bệnh gan nhiễm mỡ.

3. Dinh dưỡng không tốt: Người bị thiếu dinh dưỡng trong thời gian dài do ăn uống, do có bệnh ở đường ruột khiến việc hấp thu không tốt, thiếu protein trong thức ăn hoặc hàm lượng acid amin không cân bằng sẽ dẫn đến tình trạng cơ thể xu hướng tập trung chuyển hóa quá nhiều mỡ đi vào trong gan, từ đó tích trữ triglycerid trong gan gây ra gan nhiễm mỡ.

 

Thực phẩm cần hạn chế

4. Nội tiết và chuyển hóa không bình thường: Trở ngại chức năng tuyến giáp (như chứng tăng năng tuyến giáp) mang thai, bệnh tiểu đường, chứng béo phì, chứng tăng urê huyết, chứng galactose huyết... cũng dễ dẫn đến gan nhiễm mỡ.

5. Ngộ độc hóa chất, thuốc men

Những người có nhiều nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ có thể do ngộ độc hoá chất như: ngộ độc carbon tetrachlorid, phosphor, chloroform, hoặc dùng quá nhiều các thuốc thuộc loại barbital, dicoumarol, ledermycin, sử dụng lâu dài lượng lớn hormon steroid, hormon tăng trưởng (GH), hoặc dùng adenosin triphosphat aspirin...

Những biểu hiện

Căn cứ vào lượng mỡ tích tụ ở gan ít hay nhiều người ta phân ra 3 mức độ: nhẹ, trung bình và nặng. Trường hợp lượng mỡ trong gan chiếm khoảng 5% - 10% trọng lượng gan, gọi là gan nhiễm mỡ ở mức nhẹ; từ 10% - 25% gọi là gan nhiễm mỡ ở mức trung bình; từ 25% trở lên, gọi là gan nhiễm mỡ nặng.

 

Thực phẩm cần dùng nhiều để tránh gan nhiễm mỡ - Ảnh: K.Vy

Ở người bệnh nhẹ có thể không có bất kỳ triệu chứng lâm sàng nào; ở mức trung bình hoặc nặng, đặc biệt là người có thời gian mắc bệnh càng dài thì triệu chứng càng rõ. Biểu hiện lâm sàng của gan nhiễm mỡ gồm: người bệnh không muốn ăn, buồn nôn, nôn mửa, sụt cân nhẹ, cảm thấy mệt mỏi, trướng bụng sau khi ăn và vùng bụng phía trên, hoặc vùng bụng phía trên bên phải có cảm giác đau, sau khi ăn và khi vận động cảm giác đau càng rõ ràng.

 

Thực phẩm cần dùng nhiều để tránh gan nhiễm mỡ - Ảnh: K.Vy

Nếu gan sưng phù rõ ràng, người bệnh có thể có cảm giác trướng bụng hoặc có triệu chứng xuất huyết như chảy máu mũi, phân đen...

Để phòng ngừa, cần loại bỏ các yếu tố, tác nhân dẫn đến bệnh nói trên. 

 Quốc Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.