Phim lịch sử Việt Nam: Bao giờ có phim hay?

06/02/2009 10:23 GMT+7

Sức hấp dẫn của nhiều bộ phim lịch sử Trung Quốc với khán giả nước ta rất mạnh mẽ. Thực tế này đặt ra những câu hỏi với các nhà làm phim Việt Nam về phim lịch sử Việt Nam.

Vì sao phim lịch sử TQ hay?

Làm phim lịch sử có hai dạng: Lịch sử theo chính sử và lịch sử theo dã sử (theo những lưu truyền của dân gian). Đã có hàng chục bộ phim về Võ Tắc Thiên - một nhân vật lịch sử Trung Quốc (TQ) và mỗi phim khai thác một khía cạnh riêng của nhân vật. Phim "Võ Tắc Thiên" đang chiếu trên VTV3 hấp dẫn khán giả vì nhiều nguyên nhân.

Những yếu tố về bản thân sức hấp dẫn  của nhân vật và kỹ thuật làm phim còn có thể bắt gặp ở hàng loạt phim lịch sử TQ chiếu trên truyền hình trước đó về các vị vua Càn Long, Khang Hy, Chu Nguyên Chương, Hán Vũ Đế... hay một trong tứ đại mỹ nhân của TQ: Vương Chiêu Quân. Trong đó, sự hoành tráng của lực lượng diễn viên, về đạo cụ, đặc biệt là trang phục mà nhìn trang phục là biết ngay đời nhà Minh, nhà Hán, hay nhà Thanh... là rất rõ! Đó mới là phim truyền hình TQ, còn những phim điện ảnh bom tấn TQ như "Đại chiến Xích Bích" thì xem xong nhiều khán giả thừa nhận: Điện ảnh Việt trong hàng mấy chục năm nữa cũng chưa thể làm nổi!

Phim lịch sử Việt: Hiếm và chưa hay!

Phim truyền hình lịch sử VN đầu tiên bị chê bai tan nát là "Hoàng Lê nhất thống chí". Phim điện ảnh lịch sử VN đầu tiên là "Đêm hội Long Trì" cũng bộc lộ nhiều điểm yếu.

Những năm gần đây trong khi phía bắc có phần im ắng thì phía nam, một số phim lịch sử của Hãng phim Truyền hình TPHCM (TFS)  xuất hiện như "Ngọn nến hoàng cung", "Dưới cờ đại nghĩa", "Trùng quang tâm sử"... trong đó khá nhất là "Ngọn nến hoàng cung" (45 tập của đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng; đã đoạt giải tại LHP truyền hình toàn quốc). Nhưng ngay cả "Ngọn nến hoàng cung" cũng mới được công chúng tạm chấp nhận, chứ chưa phải thật sự thích thú. Các phim trên làm về thời kỳ gần với thời hiện đại (triều Nguyễn, Vua Bảo Đại...) nên tư liệu lịch sử còn nhiều và trang phục lại không quá cầu kỳ. Dù vậy, trang phục và đạo cụ vẫn luôn là điểm yếu của phim lịch sử VN, cũng như khả năng dàn dựng các đại cảnh.

Về điện ảnh, dự án làm phim kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- HN khá hoành tráng là "Thái tổ Lý Công Uẩn" với vài trăm tỉ đồng, cuối cùng cũng bị dừng vô thời hạn!

Việc thiếu vắng các phim lịch sử VN hay không khó để lý giải. Tư liệu về lịch sử các triều đại (Lý, Trần, Lê) là rất ít. Phim trường  giờ vẫn chưa có, nên khả năng quay trong mọi hoàn cảnh, điều kiện thời tiết là bất khả thi. Công nghệ kỹ xảo phim Việt còn yếu kém. Lực lượng diễn viên thiếu và yếu. Đạo diễn, có nhiều người ham thích đề tài lịch sử, nhưng biết lao vào đề tài hóc hiểm này chẳng khác lao đầu vào đá, xác suất thành công rất thấp, nên không mặn mà.
 
Hai yếu tố khác không kém phần quan trọng là kinh phí phim lịch sử đòi hỏi rất cao và quan điểm nghệ thuật của đạo diễn làm phim với các cố vấn về lịch sử là không đồng thuận. Những cuộc tranh luận dai dẳng về kịch bản phim "Thái tổ Lý Công Uẩn" là minh chứng rõ nhất gần đây.

Vì thế, phim lịch sử VN vẫn là món nợ với các nhà làm phim VN. Đó là chưa kể ngay phim lịch sử VN về thời hiện đại, về hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc, về các nhân vật lãnh tụ cũng chưa thành công. Nhưng đó lại là một câu chuyện dài khác...

Theo Việt Văn/ Lao Động
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.