“Nở rộ” thủy điện ở Quảng Nam

30/01/2009 23:02 GMT+7

Theo quy hoạch được duyệt, tỉnh Quảng Nam có tới 57 nhà máy thủy điện nằm khắp các huyện miền núi.

Cuối năm 2008, người dân trong tỉnh hết sức nức lòng vì dòng điện được sản xuất tại núi rừng Trường Sơn đã hòa lưới điện quốc gia sau 5 năm xây dựng. Đó là tổ máy số 1 của Nhà máy thủy điện A Vương. Đầu năm 2009, tổ máy số 2 tiếp tục chuyển điện từ Quảng Nam lên lưới cho người dân cả nước cùng sử dụng.

Công suất của hai tổ máy là 210 MW, điện lượng trung bình mỗi năm 815 triệu KWh giờ. Theo tính toán của các nhà chuyên môn, mỗi năm tiền thu từ việc bán điện của Nhà máy thủy điện A Vương đã hơn 500 tỉ đồng. Đây là công trình được thi công gấp rút, vượt tiến độ hơn 5 tháng, so với tiến độ đề ra.

Theo ông Nguyễn Văn Lê, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thủy điện A Vương, trong quá trình xây dựng, đơn vị điều hành và các tổ hợp nhà thầu đã có nhiều quyết sách đột phá trên các lĩnh vực như thi công, kỹ thuật, tài chính cũng như chuẩn bị nguồn nguyên vật liệu đáp ứng cho các nhà thầu.

Thủy điện A Vương chỉ là một trong số các nhà máy thủy điện bậc thang nằm trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn có tổng công suất lên đến 1.100 MW. Trong đó, có các công trình thủy điện như Sông Boung 2 (100 MW); Sông Boung 4 (220 MW); Sông Giằng (60 MW); Đak Mi 1 (255 MW); Đak Mi 4 (210 MW); Sông Côn 2 (60  MW); Sông Tranh 2 (135 MW)... Chuyện A Vương hòa lưới điện không mới, nhưng tính đến thời điểm này, nó là nơi cung cấp điện lớn nhất tỉnh Quảng Nam.

Trước đây, Quảng Nam cũng đã xây dựng tới 13 công trình thủy điện, nhưng đều ở quy mô nhỏ, như Phú Ninh 2.000 KW, An Điềm 5.400 KW. Ngoài việc cung cấp điện, các hồ chứa và cảnh quan môi trường xung quanh nhà máy thủy điện cũng đã được các huyện miền núi “tận dụng” biến thành các điểm tham quan, du lịch sinh thái hấp dẫn.

Khi đến thăm các công trình thủy điện ở Quảng Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhắc nhở ngành điện, các đơn vị thi công phải tập trung toàn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công. Theo Thủ tướng, những nhà máy này sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho người dân trong vùng và cho đất nước. Đặc biệt, giảm lũ cho vùng hạ lưu về mùa mưa, cấp nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt vùng vào mùa hè, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc miền núi.

Hữu Trà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.