Tết Việt của tôi ở xứ tuyết...

24/01/2009 10:42 GMT+7

Tôi nhớ mãi mùa đông năm Bính Dần 1986, lần đầu tới nước Nga Xôviết du học tại trường ĐH Sân khấu Điện ảnh m nhạc Quốc gia Leningrad. (Từ 1991, Leningrad trở lại tên cũ: St Peterburg).

Lần đầu ăn Tết xa nhà, có lẽ suốt đời tôi chẳng thể quên. Đó là một cái Tết thiếu nhiều chất liệu tươi sống quê nhà, và cả thiếu quê hương, nhưng chúng tôi đã cố công giữ gìn hồn vía Việt trong nấu nướng bếp Việt...

Tháng Mười,1986, rời Hà Nội, tôi bay đến Mátxcơva, rồi đi tàu hoả xuống St Peterburg. Mẹ tôi, gốc làng Đình Bảng, xứ Kinh Bắc, nơi biết ăn, biết làm bánh su sê (phu thê), bánh gio, giò lụa, chả quế, rượu nếp cất lấy từ nếp cái hoa vàng… ngon nức tiếng, dặn tôi: Con mang theo ít măng miến, bánh đa nem, mộc nhĩ nấm hương, liệu mà nấu nướng. Bà thở dài: “Làm gì có giò lụa chả quế, bánh chưng ăn cho ra tết Việt ở mãi Liên Xô hở con?”.

Lần đầu ở xứ tuyết, sống trên đảo Vasili bốn bề gió lộng, với mấy đại lộ tên giản dị: Lớn, Vừa, Nhỏ, tôi ở ký túc xá sinh viên trên con phố ngắn Apatrinhina, quay lưng lại một con tàu cũ đứng hoài trên cảng biển chẳng chịu đi, đóng băng với mặt nước mùa đông băng giá. Ngôi nhà ký túc 5 tầng đông vui sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh từ: Trung Quốc, Triều Tiên, Mông cổ, Hungary, Bulgaria, Romania, Đức, Tiệp, Arab, Hy Lạp, Pháp, Nhật, Anh, Mỹ…

Người Việt chỉ có 6 chúng tôi: Tôi, một cô sinh viên cùng học ngành lý luận, lịch sử sân khấu và 4 chàng “ngự lâm” đang học đạo diễn. Bàn nhau ăn Tết, chúng tôi góp nguyên liệu mang từ Việt Nam, dự định mời thầy cô, bạn bè người Nga nếm thử hương vị Tết Việt tại ký túc xá.

 

Olga, cô giáo dạy tiếng Nga năm thứ nhất của tôi, còn trẻ, khoảng ba mươi xuân, một chiều đông u ám, sau giờ học, mắt lấp lánh hai viên ngọc xanh, thì thào: “Nghe nói Tết Việt nhiều món lạ, kể tôi nghe nào”. Tôi chưa rành tiếng Nga, ngắn gọn: “Mời cô đến mừng tết Việt với chúng tôi”. Cô Olga vui vẻ nhận lời: “Tôi hồi hộp chờ tết Việt từ bây giờ đấy…”.

Tôi cũng hồi hộp đợi Tết Việt trong nhớ nhung Hà Nội và tuổi thơ. Xa quá tuổi thơ lẽo đẽo theo bà nội về quê ăn Tết, mãi quê nội Hoài Đức, Thượng Mỗ, Hà Đông, nơi con sông Đáy xuôi chảy êm đềm giữa đôi bờ dào dạt lúa ngô và những thân mía non ngọt dần trong gió mùa đông bắc mùa đông thổi lồng lộng châu thổ sông Hồng.

Lại nhớ bà nội, Tết Nguyên Đán nào cũng đem chị em tôi về quê, ăn hết 3 ngày Tết, mới về Hà Nội. Ăn cỗ quê toàn món ngon: Thịt gà luộc rắc lá chanh, canh măng, miến, mộc nhĩ nấm hương, bánh chưng, giò, chả, xôi gấc… No xôi chán chè, chị em tôi được mừng tuổi, chạy nhông làng trên xóm dưới theo váy bà, bà vừa bỏm bẻm nhai trầu, vừa hoan hỉ mừng tuổi trẻ con trong làng. Chị em tôi tha hồ chơi tam cúc, xem đám hội làng,… vui như Tết!

Không biết ở nhà bà ngoại có cho con gái tôi về ăn Tết với bà nội ở Thái Nguyên hay về Đình Bảng quê ngoại? Cô em người Việt thấy tôi thần mặt nhớ con, nhanh nhảu rủ tôi đi chợ cách đó hai bến tàu điện, sắm nguyên liệu cho bếp Việt, làm quen với chợ nông trường…

Đi chợ ở nước Nga mùa đông đầu, tôi ngớ người, biết rau xanh, hoa tươi ở chợ nông trường đắt đỏ khủng khiếp và bắp cải, cà rốt, khoai tây của nước Nga tiết trời lạnh lẽo, cất giữ lâu trong kho chứa, ăn cứng đơ và khô khốc. Nhưng vẫn phải mua rau tươi, dù đắt và không tiền dịp Tết, âu cũng là thói quen của người Việt khi sắm Tết ở quê nhà.

… Đêm giao thừa tính theo giờ Việt chênh giờ Nga cả 4 tiếng đồng hồ. Chúng tôi, mỗi người một tay xúm vào làm cỗ Việt, xoay xở vất vả với chất liệu rau củ của Nga và đồ khô Việt suốt buổi chiều. Trong gian bếp giờ đây, bỗng thơm nức mùi bếp Việt. Sau vài giờ nấu nướng, mấy mâm cỗ Việt được bày ra thịnh soạn cùng rượu Lúa Mới Việt Nam, và chai Đình Bảng quê ngoại tôi trong vắt, hương nếp thơm lừng, được bày lên bàn, cùng mấy chai Cognac Nga vàng ươm nhãn “Ararat”, rồi Vodka Nga nhãn “Thủ đô”.

Các món gà, lợn, bò mua ở chợ Nga đều được xào nấu theo bếp Việt, vốn coi trọng hài hoà, trong chất liệu khi chế biến: Bột, nước, khoáng, đạm, béo. Khi nấu nướng từng món, càng chú ý kết hợp các vị: Cay, đắng, ngọt, bùi… và khi bày biện mâm cơm, bàn tay Việt đã sinh động kết hợp ngũ sắc: đỏ đen xanh trắng vàng, thoả mãn thị giác, sau khi thoả mãn khứu giác.

 

Vào bếp, các bạn nước ngoài thú vị xem cách chúng tôi chế biến, xào xáo, tẩm ướp gia vị… và ngỏ ý muốn biết bí mật bếp Việt. Tôi đùa: “Quen làm, không quen nói đâu, mẹ dạy nấu bếp Việt từ hồi nhỏ mà!”. Cô Olga, cô Liuba, cô Natasa cùng xuýt xoa khen cách bày biện mâm cỗ Việt, thịt gà chặt miếng vuông đều đặn, xếp trên đĩa rất đẹp, rắc lá chanh xanh.

Các món xào rau bắp cải trắng xen lá cần tây tỏi tây xanh. Canh măng khô lưỡi lợn từ Việt Nam, nước xương hầm nhừ rắc hành mùi xanh ngắt. Món nộm Việt làm từ bắp cải cà rốt xắt nhỏ sợi, trông ngon mắt, mát lành. Hấp dẫn nhất vẫn là món nem Việt. Những chiếc nem vỏ vàng ươm, trong ruột pha trộn “bí mật phương Đông”, bình luận của ông thầy chuyên nghiên cứu sân khấu phương Đông, thích ẩm thực Việt.

Thầy Anatoli dạy lý luận sân khấu Nga nói với tôi: “Món nem là nghệ thuật ẩm thực xuất sắc nhất Việt Nam”. Ông hóm hỉnh: “Phải lấy vợ Việt, để luôn được ăn nem rán Hà Nội”. Ai dè, đùa vậy mà vận vào người. Sau này, thầy cưới một nữ sinh người Việt, và câu đùa ấy khiến tôi nhớ mãi. Bắt chước chúng tôi, thầy cầm đũa, cẩn trọng gắp nem vào bát.

Lần đầu thấy người Nga mê món Việt, chăm chú gắp bằng đũa, tôi ngộ ra cách ẩm thực chân quê tinh tế của nông dân Việt, nhất là khi những món ăn dân dã ấy được “Thăng Long hoá” ở kẻ Chợ, và kẻ Chợ Thăng Long-Hà Nội lại vốn có những phố “Hàng”: Hàng Bạc, Hàng Ngang, Hàng Đường, Hàng Vôi, Hàng Cá, Hàng Buồm… mà lâu dần trong thời gian, không gian lịch sử, phố hàng nào cũng có những tiệm ăn và món ăn cổ truyền …

Bữa ăn giao thừa tết Việt kéo dài hết đêm xứ lạnh. Ngoài cửa sổ hoa tuyết bay không ngớt, phủ dày trĩu nặng những cành thông. Tuyết rơi bời bời, biền biệt trong màu trắng vĩnh hằng. Rượu Đình Bảng khiến các bạn Nga mềm môi. Hương trầm lan toả không gian ấm cúng, gợi nhớ đêm giao thừa Hà Nội.
 
Rượu ngon quả đã gặp bạn hiền. Bạn Nga, bạn Việt quây quần quanh mâm cơm Việt, dạy nhau ăn bằng đũa, cười ngặt nghẽo khi ai đó lóng ngóng, cười cổ vũ ai đó đã quen đũa Việt khéo gắp chiếc nem ăn với nước chấm Việt ngon lành.

Chúng tôi ăn uống tưng bừng, hứng khởi, nâng chén rượu nếp quê nhà, hít một hơi thật sâu, nhấp một ngụm, nghe men rượu ngấm từ từ vào huyết quản. Và hoà giọng hát dân ca Nga, dân ca Việt. “Liễu xanh ơi”, dân ca Nga thở than: “Tình yêu của tôi ở nơi nào, chỉ cho tôi biết?”. Dân ca Việt giao duyên tình tứ: “Yêu nhau cởi áo cho nhau, về nhà dối mẹ qua cầu gió bay”…

Cái đêm giao thừa Tết Bính Dần ấy, thật khó quên. Từ đó, thành thông lệ, cứ kết thúc mùa Tết Nga, kéo dài từ đêm Noel đến hết Tết Dương lịch, cô Olga, đã thành bạn thân của tôi, cũng hỏi: “Đã đến Tết Việt chưa, tôi lại thèm ăn nem Việt uống rượu Việt quá chừng đây”.

Tôi bảo sẽ có đồ ăn Việt thật ngon cho Olga, cho đến khi tôi về Việt Nam mới thôi. Hay Olga lấy chồng Việt, theo về Hà Nội hoa quả mùa nào thức ấy, ngày nào muốn ăn nem Việt tuỳ thích. Olga cười, má ửng màu táo chín. Hình như cô mơ về Việt Nam chơi một chuyến, ăn Tết ngon lành ở quê hương Việt cùng tôi…

Theo Nguyễn Thị Minh Thái / Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.