Nhộn nhịp chợ nổi Cái Răng

21/01/2009 00:31 GMT+7

Mấy hôm nay, chợ nổi nhộn nhịp gần cả ngàn chiếc ghe, xuồng lớn bé tụ về đoạn sông gần cầu Cái Răng họp chợ.

Chợ Tết họp suốt ngày

“Đi chợ nổi chơi đi mấy anh chị ơi! Chợ nổi dịp Tết này đông vui lắm!...”. Những lời mời gọi này đã đưa chúng tôi đến với chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) vào những ngày giáp Tết. Tiếng máy của ghe, tàu hòa cùng không khí náo nhiệt của phiên chợ với kẻ mua, người bán và những đoàn khách du lịch... Anh Tú, người lái đò và cũng là “hướng dẫn viên” của chúng tôi cho biết: “Ngày thường, chợ chỉ họp từ khoảng 3 giờ sáng đến 9 giờ thì tan. Càng cận Tết, thời gian họp chợ càng kéo dài thêm; đến 27 - 28 Tết thì chợ họp gần như suốt ngày”.

Anh Tú sống ở bến sông này đã gần chục năm bằng nghề bán hàng dạo cho khách du lịch và đưa khách đi tham quan chợ nổi. Đảo ghe một vòng quanh chợ, anh chỉ cho chúng tôi xem đủ loại hàng Tết: dưa hấu, khóm, bưởi, cam, quýt, hoa kiểng, hành, tỏi, củ kiệu, rau cải các loại; dĩ nhiên không thể thiếu những quán ăn uống. “Chợ nổi thứ gì cũng có. Bây giờ, mấy dịch vụ cài đặt nhạc chuông, GPRS cho điện thoại cũng có luôn”, anh Tú nói.

“Năm nay, tình hình khó khăn nên làm ăn cũng hổng được khá lắm. Đi chuyến này xong, ráng đi thêm ba, bốn chuyến nữa rồi về quê ăn Tết” - ông Bùi Bé Tư, một lái dưa ở huyện Châu Thành (An Giang) tâm sự. Giá dưa (dưa dài, để ăn - PV) năm nay, tới giờ này mà vẫn còn thấp, chỉ khoảng 2.300 - 2.500 đồng/kg. Ông Tư than: "Chúng tôi buôn bán khó, nhưng còn thương mấy ông nông dân hơn vì giá nông sản thấp quá".

Ông Huỳnh Văn Dự ở Châu Thành (Hậu Giang) thì khoe ghe hành tím hơn 10 tấn của ông mới có hai ngày đã bán hết sạch. Tết, người ta ăn hành nhiều, bán được giá, chuyến này ông lời được kha khá. "Tôi buôn đủ thứ hết, thấy cái gì có lời là làm". Nói xong, ông nhổ neo tạm biệt chúng tôi, lên đường cho một chuyến hàng tiếp theo.

 
Cách trao hàng đặc trưng ở chợ nổi -Ảnh: Chí Nhân

Buôn có bạn, bán có phường. Những người buôn bán trên sông cũng vậy. Hỏi ra mới biết, ai cũng có anh em, bà con cùng đi buôn chung. Anh Vũ Lâm ở Hậu Giang kể: “Bà con của tui làm nghề này có hơn chục người. Nếu đậu ghe lại là nguyên một đoạn sông. Mà nhờ vậy mình mới biết được giá cả ở các chợ ra sao. Rồi mình thấy chợ nào có giá thì đến bán”.

Ở chợ nổi, người mua cứ neo ghe mình bên cạnh ghe bán hàng, xem và trả giá. Chuyện mua bán diễn ra khá nhanh chóng. Mua bán xong, nhiều chủ hàng còn vui vẻ biếu thêm hàng cho khách. Có lẽ vì chợ Tết nên mọi người cũng tranh thủ mua mau, bán mau; tranh thủ đi được nhiều chuyến, bán được nhiều hàng.

Lên truyền hình nước ngoài

Trời lạnh, chúng tôi tấp vào một xuồng bán bún riêu. Tiếp chúng tôi, bà cụ Nguyễn Thị Ngọc Vân, 65 tuổi, hỏi ngay: “Mấy chú là nhà báo hả?”. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, bà giải thích: “Ở đây ngoài dân buôn bán, khách du lịch thì mấy chú nhà báo, đài truyền hình cũng thường tới đây mà”. Vừa cho bún vào tô, bà tự hào kể: “Mấy năm trước có một đoàn nhà báo Hàn Quốc qua đây quay phim, chụp hình chợ nổi, rồi còn phỏng vấn tôi nữa.

Họ đem về bển phát. Có mấy người Việt mình sống ở Hàn Quốc, họ xem chương trình đó, thấy tôi. Khi về nước, họ tới tìm đây ăn bún và kể lại”. Bà nói thêm: “Tết, chợ nổi đông hơn, vui hơn. Càng cận Tết lại càng đông vui. Ngày thường tui bán được chưa tới chục ký bún. Còn mấy bữa này, ngày nào cũng từ 13 - 15 ký, có ngày còn hơn nữa”.

Bà Vân hiện ngụ ở phường Hưng Thạnh (Cái Răng), bán bún ở đây đã hơn 30 năm. Nghề này đã giúp cụ nuôi 3 người con đến tuổi trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định. Giờ họ không muốn cụ buôn bán vất vả nữa mà ở nhà vui vẻ với cháu con. Cụ tâm sự: “Mình còn làm được nên ráng, thêm đồng nào đỡ đồng đó. Tôi bán ở đây đã gần nửa đời người rồi, giờ nói nghỉ ở nhà thì buồn lắm”.

Chí Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.