Màu sắc nước tiểu nói lên điều gì?

20/01/2009 10:45 GMT+7

Nước tiểu bình thường trong và có màu từ vàng nhạt tới màu hổ phách sậm do chứa sắc tố gọi là urochrome. Tuy nhiên màu sắc nước tiểu có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như: vitamin B làm nước tiểu có màu vàng dưới ánh đèn neon, nước cà rốt làm nó nhuốm màu cam. Porphyria là một bệnh ảnh hưởng lên da và hệ thần kinh, làm nước tiểu có màu rượu vang đỏ.

Nước tiểu thay đổi màu thường do ảnh hưởng của một số thức ăn nhất định, do phẩm màu, thuốc. Thỉnh thoảng màu sắc nước tiểu nói lên những bệnh nhiễm trùng hay bệnh lý trầm trọng. Màu sắc nước tiểu của bạn bình thường liên quan tới lượng nước uống vào. Khi bạn uống nhiều nước làm nước tiểu trong hơn do nước pha loãng màu vàng của nước tiểu. Khi bạn uống ít nước sẽ làm nước tiểu cô đặc, mất nước nặng có thể làm nước tiểu có màu hổ phách. Thỉnh thoảng nước tiểu có thể thay đổi màu sắc khác xa bình thường như đỏ, xanh, vàng, nâu đen, trắng đục.

Phẩm nhuộm dùng trong bột ngũ cốc có đường có thể xuất hiện ngay trong nước tiểu của trẻ sau khi uống. Trong một số trường hợp màu sắc nước tiểu là biểu hiện của một số bệnh lý.

Hầu hết các thay đổi nước tiểu là vô hại và thoáng qua, không gây đau và xảy ra không có triệu chứng gì. Nhưng nếu thay đổi màu sắc do nhiễm trùng đường tiểu bạn thường có: tiểu lắt nhắt, tiểu gắt, tiểu buốt, sốt lạnh run, vã mồ hôi, đau quặn từng cơn, hay nước tiểu có mùi hôi...

Bạn hãy đi khám bác sĩ khi thấy tiểu ra máu đỏ kéo dài trên 24 giờ hay nước tiểu của bạn bị thay đổi màu mà hoàn toàn không liên quan đến thức ăn hay thuốc, chất bổ sung khác hay phẩm màu. Cũng nên đi khám bác sĩ nếu bạn có hai hay nhiều hơn hai giai đoạn tiểu máu, bất kể hai lần đó cách xa như thế nào. Và cần đi khám ngay khi có thể nếu bạn đi tiểu ra màu nâu đen, đặc biệt nếu kèm đi cầu phân trắng và vàng da vàng mắt. Đây có thể là dấu hiệu nặng của bệnh gan.

Thường không cần ngăn ngừa sự thay đổi màu sắc nước tiểu gây ra do ăn nhiều vitamin, thực phẩm, thuốc. Việc ngăn ngừa bệnh gây ra thay đổi màu sắc nước tiểu thường rất khó, do đó bạn chỉ có thể thực hiện một số bước để giảm nguy cơ như sau.

- Đối với nhiễm trùng đường tiểu: nên uống nhiều nước, đi tiểu ngay khi cảm thấy mắc tiểu và ngay sau giao hợp có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng bàng quang.

- Đối với sỏi thận: để giúp giảm khả năng bị sỏi thận bạn nên uống nhiều nước và hạn chế ăn muối, đạm, các thực phẩm như rau bina, đại hoàng.

- Đối với ung thư bàng quang: ngưng hút thuốc, tránh tiếp xúc với hóa chất và uống nhiều nước có thể giảm nguy cơ ung thư bàng quang.

- Đối với ung thư thận: ngưng hút thuốc lá, giữ thể trọng trong giới hạn cho phép, ăn nhiều rau quả, trái cây, tập thể dục thường xuyên, tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại.

Theo BS Lưu Kính Khương / Tuổi Trẻ
(BV Nhân Dân 115, TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.