Báo động giấy phép lái xe ô tô giả

16/01/2009 23:52 GMT+7

Từ năm 2004, đến nay, mỗi năm Phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An phát hiện hàng trăm giấy phép lái xe (GPLX) giả. Tuy nhiên, tình trạng này xảy ra không riêng ở Nghệ An.

Xách chiếc túi nilon nặng cả kg đựng toàn GPLX giả đã bị cắt góc cho chúng tôi xem, thượng tá Nguyễn Duy Đông, Phó phòng CSGT Công an Nghệ An lắc đầu: "Năm nào chúng tôi cũng bắt hàng trăm trường hợp, năm sau tăng hơn năm trước, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn, có khi bằng mắt thường không thể phát hiện được".

Năm 2004, khi thực hiện việc đăng ký phương tiện cơ giới phải có GPLX, CSGT Công an tỉnh Nghệ An phát hiện ra trường hợp GPLX giả đầu tiên. Trước, việc phát hiện ra GPLX giả chỉ thông qua hậu kiểm; nhưng nay, qua tuần tra, kiểm soát trên đường cũng đã dễ dàng nhận biết GPLX giả. Thống kê của Phòng CSGT Nghệ An cho biết, trong năm 2004 đã phát hiện khoảng 40 trường hợp, các năm sau đó, mỗi năm trên 100 trường hợp, riêng  năm 2008 đã là 129 trường hợp. Chỉ riêng trong đợt cao điểm trấn áp tội phạm, từ ngày 16.12 đến nay đã phát hiện gần 30 trường hợp GPLX giả, bình quân mỗi ngày một trường hợp.

Việc làm giả GPLX cũng muôn hình vạn trạng. Phổ biến nhất là bị tẩy xóa, chẳng hạn GPLX hạng A1 (xe máy) bị tẩy và thêm nội dung vào thành hạng B1, B2, C, D. Một kiểu giả khác khá phổ biến nữa là dán ảnh hoặc thay ảnh mới vào các  GPLX đã hết hạn, sau đó, cạo sửa thay đổi hạng và thời hạn. Nói là tẩy xóa nhưng trình độ làm giả được các đối tượng thực hiện rất tinh vi, nhiều trường hợp phải huy động cả lực lượng kỹ thuật hình sự mới phát hiện được. Thậm chí, có nhiều trường hợp dùng GPLX giả, khi cơ quan chức năng yêu cầu, đối tượng còn mang cả hồ sơ cũng là... giả để chứng minh!          

Không chỉ dừng lại ở đó, hiện tại Phòng CSGT Nghệ An hiện vẫn còn lưu hàng chục GPLX ngoại giả, chủ yếu là của Lào.  Loại này gọi nôm na là GPLX ASEAN trình bày theo dạng quyển sổ, lớn hơn hộ chiếu. Theo thượng tá Đông: "Hầu hết các đối tượng có loại GPLX này, khi gặp lực lượng CSGT đều rất hùng hồn: "GPLX này có hiệu lực trong tất cả các nước ASEAN". Tuy nhiên, khi bị lật tẩy thì... gãi đầu, gãi tai. "Hầu hết các đối tượng khi bị phát hiện sử dụng GPLX giả đều khai nhận đã mua với giá từ 5-7 triệu đồng/giấy, và  tất cả cho rằng đã mua tại bến xe, quán nước tại TP.HCM hay Đà Nẵng, Hải Phòng... chứ không có địa chỉ, tên tuổi đầu mối cung cấp nào cụ thể", ông Đông nói. Cuối cùng tất cả các đối tượng sử dụng GPLX giả chỉ bị xử lý hành chính với mức phạt 2,5  triệu đồng. Với mức phạt này, theo thượng tá Đông là không đủ sức răn đe.

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Cục CSGT đường bộ - đường sắt - Bộ Công an còn tiết lộ, đến nay hầu hết các địa phương đều phát hiện ra GPLX giả. Trong đó một số tỉnh, thành như TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Gia Lai... đã phát hiện với số lượng tương đối lớn nhưng việc xử lý vẫn mới dừng lại ở mức phạt hành chính như nêu trên.

Thái Uyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.