Nhà xây dựng không phép được hợp thức hóa

13/01/2009 23:46 GMT+7

Sau khi Luật Xây dựng có hiệu lực từ ngày 1.7.2004, tại TP.HCM xảy ra hàng loạt vụ vi phạm xây dựng và kết quả là có 11.000 căn nhà xây dựng không phép, sai phép. Một lần nữa, TP.HCM lại cho phép hợp thức hóa đối với những căn nhà này. Nghe đọc bài

Do quy hoạch

Ông Nguyễn Văn Tất - ngụ ở khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) tâm sự: “Dù biết tại khu vực này có quy hoạch ga đường sắt Bình Triệu nhưng do quá bức xúc về chỗ ở, tôi phải “phá rào” xây một căn nhà cho con trai ra ở riêng. Đến nay, đã gần 3 năm nhà vẫn chưa được cấp giấy chủ quyền. Đến nước nào hay nước đó. Khi nào bị xử lý hãy hay”.

Nhiều người dân ở các khu phố 2, 6, 7, 8 (P.Hiệp Bình Chánh) khi nghe thông tin về việc UBND TP.HCM chỉ đạo chấp thuận việc cấp giấy chủ quyền cho các hộ dân có nhà xây dựng không phép sau ngày 1.7.2004 sau khi xử lý vi phạm xây dựng, đã rất hồ hởi nhưng vẫn băn khoăn. Bởi lẽ trong số 1.018 căn nhà xây dựng không phép ở P.Hiệp Bình Chánh thì có khoảng 60% là phù hợp quy hoạch, 40% còn lại phần lớn đều nằm trong phạm vi dự án khu đầu mối giao thông - dân cư Bình Triệu có diện tích hơn 200 ha (trong đó có dự án ga đường sắt Bình Triệu rộng 60 ha). Bà Lê Thị Toàn - ngụ ở khu phố 8 nói: “Nếu áp dụng theo tiêu chí phù hợp quy hoạch thì nhà của tôi không phù hợp vì vướng vào dự án ga đường sắt. Nhưng vì dự án này được quy hoạch quá lâu mà không thực hiện nên chúng tôi đành phải vi phạm xây dựng. Biết là sai nhưng phải làm vì quá bức xúc về chỗ ở”.

Bà Võ Thị Hằng - Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh cho rằng: “Việc UBND TP.HCM chấp thuận hợp thức hóa một số căn nhà xây dựng không phép từ sau 1.7.2004, xét về khía cạnh nào đó là một chủ trương có hậu. Người dân chẳng qua là quá bức xúc về chỗ ở nên mới vi phạm. Nhiều vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch như lập quy hoạch, triển khai các dự án theo quy hoạch quá chậm, người dân không chờ đợi nổi nên mới vi phạm xây dựng. Đây cũng là việc rất khó cho công tác quản lý địa bàn”.

 

 Ga đường sắt Bình Triệu thực hiện quá chậm nên người dân đã vi phạm xây dựng - Ảnh: D.Đ.Minh

Tại quận Tân Phú, ông Phan Tấn Lực - Phó chủ tịch UBND quận cho biết: “Phần lớn các trường hợp xây dựng không phép nằm ở khu vực phường Tây Thạnh và phường Sơn Kỳ, nơi có dự án khu công nghiệp Tân Bình mở rộng. Về phần người dân, việc vi phạm là đã quá rõ. Nhưng tôi thấy việc phủ kín quy hoạch 1/2.000 vẫn còn chậm. Chẳng hạn, một số căn nhà thuộc 2 phường nói trên, lúc căn cứ theo quy hoạch 1/5.000 thì phù hợp, người dân mới xây dựng nhà, nhưng sau đó điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 và phê duyệt 1/500 thì lại không phù hợp. Điều này cũng khiến cho người dân gặp rất nhiều khó khăn khi đề nghị cấp giấy chủ quyền nhà đất”.

Thay đổi thiết kế: Được cấp giấy hay không?

Ông Nguyễn Hoàng Anh - Phó chủ tịch UBND quận Phú Nhuận bức xúc: “Hiện nay, tại quận Phú Nhuận vẫn đang tồn đọng gần 100 hồ sơ của người dân chưa biết tháo gỡ ra sao. Vì trong quá trình xây dựng, có một số chi tiết nội thất người dân điều chỉnh như đổi vị trí cầu thang, nới thêm ban công 10-20 cm, cơi thêm gác lửng... Theo tôi, những hồ sơ dạng này nên cho người dân được cấp lại giấy phép mới cho phù hợp, cho tiếp tục xây dựng và cho phép hợp thức hóa, bởi việc vi phạm không ảnh hưởng đến quy hoạch, mật độ xây dựng, tầng cao hoặc khoảng lùi... là những tiêu chí ghi rõ trong quy chuẩn xây dựng. Còn đối với những trường hợp như xây dựng lấn chiếm đất công, không phù hợp quy hoạch, vi phạm mật độ xây dựng thì cần phải xử lý nghiêm trước khi xem xét cấp giấy chủ quyền”.

Trên cơ sở tờ trình của Sở Xây dựng, UBND TP.HCM đã giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và UBND quận, huyện thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất đối với các trường hợp xây dựng sai phép, xây dựng không phép sau ngày 1.7.2004 (ngày Luật Xây dựng có hiệu lực thi hành) trong điều kiện các trường hợp này đã được xử lý vi phạm xây dựng và chủ đầu tư công trình đã chấp hành quyết định xử lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật”.

Những căn nhà xây dựng không phép ở tổ 40, KP6, đường 48, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức có thể được hợp thức hóa theo chủ trương mới - Ảnh: D.Đ.Minh

Lãnh đạo Sở Xây dựng cũng cho biết: “Đề xuất của quận Phú Nhuận về cho phép người dân thay đổi thiết kế đã được Sở Xây dựng đưa vào dự thảo thay thế Quyết định 04/2006 (về thủ tục và trình tự cấp phép xây dựng) sắp tới. Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng đã nhiều lần họp với 24 quận huyện để thống nhất giải quyết các vấn đề liên quan đến điều kiện cấp giấy chủ quyền cho những căn nhà xây dựng sai phép, không phép từ sau 1.7.2004 nhưng đã chấp hành quyết định xử phạt vi phạm xây dựng”.

Lãnh đạo quận Gò Vấp cũng đang rốt ráo yêu cầu các chủ đầu tư 60 dự án phân lô hộ lẻ khắc phục các sai phạm trước đây khi thực hiện dự án như phải đảm bảo phù hợp quy hoạch, hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật để có hướng cấp giấy chủ quyền cho hàng ngàn hộ dân cư ngụ tại các dự án nói trên. Hầu hết các dự án phân lô hộ lẻ này đều được triển khai trước năm 2002 (thời điểm Chỉ thị 08 của UBND TP.HCM ban hành) nhưng vẫn chưa được xem xét cấp giấy chủ quyền nhà đất. Một vị lãnh đạo UBND quận 12 cho rằng: “Cần phải tinh giản tối đa các điều kiện khi cấp giấy phép xây dựng cho người dân, bởi hiện nay thủ tục vẫn còn rườm rà, phức tạp. Có như vậy, mới hạn chế được vi phạm trong lĩnh vực xây dựng”.

Vị lãnh đạo này cũng nói: “Khi xử lý các vụ vi phạm xây dựng, dù sai sót nhỏ như thay đổi thiết kế trong quá trình xây dựng mà không ảnh hưởng đến các tiêu chí cơ bản của quy chuẩn xây dựng Việt Nam, chúng tôi cũng rất cân nhắc vì dù sao đây cũng là sai phạm. Nếu bỏ qua thì chúng tôi sẽ là người chịu trách nhiệm, nhưng nếu không cấp giấy chủ quyền thì cũng rất khó khăn cho người dân. Vì vậy, TP cần phải có hướng dẫn thật cụ thể để các quận huyện áp dụng thống nhất và rõ ràng”.

Trần Thanh Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.