Người làng phong về phố thị

23/12/2008 00:32 GMT+7

Năm 1968, các bệnh nhân phong ở Quảng Nam, Đà Nẵng được chuyển đến khu vực dưới chân đèo Hải Vân để sinh sống và chữa bệnh. Bây giờ họ chuẩn bị về lại phố thị, hòa nhập cộng đồng.

Nơi tập trung các bệnh nhân phong nay thuộc thôn Hòa Vân, P.Hòa Hiệp Bắc (Q.Liên Chiểu). Làng có 102 hộ, 310 nhân khẩu, trong đó 44 hộ bị bệnh phong. Theo chủ trương của UBND TP Đà Nẵng, đối với các trường hợp bị bệnh, sẽ tập trung vào Trung tâm điều dưỡng nằm tại P.Hòa Khánh Nam; đối với các trường hợp không bị bệnh, thành phố sẽ bố trí vào khu tái định cư. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty vật liệu xây dựng - xây lắp và kinh doanh nhà Đà Nẵng, cho biết thành phố đã giao cho công ty xây dựng 114 căn nhà liền kề ở Khu dân cư Hòa Hiệp, mỗi căn diện tích 4,5m x 15m, có sân phơi rộng rãi… để bố trí cho các hộ di dời từ làng phong Hòa Vân về. Ngoài ra, tại đây cũng sẽ xây dựng 2 căn nhà cộng đồng để bà con có nơi tập trung giao lưu, sinh hoạt. Trong khi đó, Trung tâm điều dưỡng bệnh nhân phong cũng sẽ xây dựng thành từng phòng riêng biệt để bố trí cho các gia đình có người bị bệnh. Ông Nguyễn Tuấn Anh khẳng định: "Đầu năm 2009 sẽ xây dựng khu tái định cư để bố trí cho các hộ di dời".

 
Người bị bệnh phong sẽ được đưa về trung tâm điều dưỡng - Ảnh: H.T
Theo ông Trần Hữu Đức, Trưởng thôn Hòa Vân, từ ngày nhận thông tin làng phong Hòa Vân sẽ di dời về phố thị, nhường đất để xây dựng dự án du lịch nghỉ dưỡng, bà con ai cũng mừng. Ông Đức kể: "Nhiều người bị bệnh ra đây từ năm 1968, nay đã tròn 40 năm. Mang bệnh, ra Hòa Vân là họ xác định đi không trở về. Bởi phần vì sợ người thân hắt hủi, phần tự ti mặc cảm bệnh tật nên người bệnh chẳng bao giờ có ý định trở lại cố hương. Lâu lâu mới có một người thân lặn lội ra thăm, nhưng ít lắm”. Còn ông Phạm Bồng thì cứ thao thức suốt với bao nhiêu ý nghĩ về việc di dời, sinh sống ở vùng đất mới. Bởi theo ông, về ở nơi đô thị thì các cháu nhỏ có điều kiện được học hành, chữa bệnh cũng dễ dàng hơn. Không như bây giờ, các em học lớp 6 phải vượt biển, vượt núi đi trọ học. Chính vì trắc trở giao thông, nên có rất nhiều em bỏ học.

Nhưng không phải không có những ưu tư khi về lại phố thị, nhất là với những người lớn tuổi. “Ở đây đời sống quả có khó khăn, nhưng bù lại được cái đất vườn rộng rãi, muốn trồng cây, nuôi con gà, con vịt còn được. Chứ về thành phố sống chật chội, nhà cửa phân lô… biết làm gì ra tiền. Nhiều người trong làng sợ mỗi thứ này”, ông Trần Hữu Đức tâm sự.

Hữu Trà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.