Phải thống nhất một hệ thống giáo dục nghề nghiệp

07/12/2008 23:53 GMT+7

Tại hội thảo quốc tế Việt Nam học diễn ra tại Hà Nội, GS.TSKH Nguyễn Minh Đường - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đã công bố công trình nghiên cứu về giáo dục nghề nghiệp, một vấn đề đang được dư luận quan tâm.

PV Báo Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với giáo sư Nguyễn Minh Đường (ảnh) xung quanh nghiên cứu này.  

* Theo giáo sư, đâu là những nguyên nhân của những bất cập trong giáo dục nghề nghiệp hiện nay ở VN?

- Trước hết phải thấy rằng cơ cấu của hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam hiện nay rất bất hợp lý. Theo Luật Giáo dục hiện hành, giáo dục nghề nghiệp bao gồm TCCN và đào tạo nghề với 3 trình độ: sơ cấp, trung cấp, cao đẳng. Như vậy hệ thống giáo dục nghề nghiệp của ta có 2 loại trường trung cấp và 2 loại trường cao đẳng với mục tiêu đào tạo gần như nhau. Về quản lý hệ thống, lại có tới 2 cơ quan cùng quản lý nhà nước là Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB và XH. Bên cạnh đó các bộ ngành và các địa phương đều quản lý trực tiếp một số trường trực thuộc. Sự quản lý phân tán với nhiều đầu mối chia cắt nên kém hiệu lực và dẫn đến thực trạng là trong thời gian qua không thực hiện được một số chủ trương về đổi mới giáo dục như: chuẩn hóa hệ thống giáo dục, phân luồng học sinh sau THCS, đào tạo liên thông giữa các trình độ, kiểm định chất lượng... Bên cạnh đó phương pháp quản lý vẫn đang thực hiện theo kiểu hành chính, mệnh lệnh, quan liêu chưa phù hợp với phương pháp quản lý hiện đại nên không quản lý được chất lượng và hiệu quả đào tạo.

* Giáo sư có giải pháp gì để khắc phục tình trạng đó không?

- Một số giải pháp cần thực hiện đó là sáp nhập TCCN và đào tạo nghề thành hệ thống giáo dục nghề nghiệp để tạo thuận lợi cho việc hoạch định những chính sách quốc gia thống nhất, tránh những chồng chéo, trùng lắp, mâu thuẫn làm cản trở cho việc thực hiện các chủ trương đổi mới về giáo dục. Thành lập lại trường trung học nghề, tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THCS để vừa dạy văn hóa vừa đào tạo nghề nhằm thực hiện phân luồng sau THCS và góp phần phổ cập trung học bằng nhiều con đường. Đặc biệt cần phải thống nhất một đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục. Theo tôi đây là một vấn đề vĩ mô và muốn thay đổi phải có sự chỉ đạo của Chính phủ. Nếu cứ để hai bộ ngồi bàn bạc với nhau như giải pháp mà nhiều người đã đưa ra thì 5-7 năm nữa vẫn không giải quyết được vấn đề gì.

Vũ Thơ
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.