Tình trạng rối loạn tâm lý ở trẻ: SOS

02/12/2008 09:22 GMT+7

Trẻ nóng giận vô cớ, không vâng lời, học hành sa sút, giảm cân... là những biểu hiện đầu tiên của tình trạng rối loạn tâm lý. Thậm chí, nhiều trẻ lại chọn cách tiêu cực là đi bụi, ma tuý, dùng thuốc để tự tử...

Theo thống kê của khoa Tâm lý - Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2, mỗi ngày khoa phải lên lịch khám từ 65-70 em có vấn đề về tâm lý và con số này đang gia tăng...

Không thể xem thường

Bị mẹ đánh và doạ đuổi khỏi nhà do mê chơi game, một game thủ học lớp 8 - ngụ tại Cần Giuộc, Long An đã uống thuốc trừ sâu. Khi người nhà phát hiện, cậu học sinh này trong tình trạng nguy kịch. Các bác sĩ đã nhanh chóng dùng thuốc giải độc, rửa dạ dày, kết hợp với việc cho uống than hoạt tính để hấp thụ độc chất còn sót lại trong đường tiêu hoá.

Khi tìm hiểu về nguyên nhân, các bác sĩ và gia đình mới giật mình vì những suy nghĩ quá ư "con nít": Sợ cha mẹ đuổi ra khỏi nhà.

Cháu Đ - 11 tuổi, trú tại Phú Quốc, Kiên Giang - cũng có hành vi tương tự. Cháu nhập viện trong tình trạng vật vã, chụp X-quang cho thấy cháu bị tổn thương phổi, nghi ngờ do bị ngạt. Hỏi ra mới biết, Đ đã dùng khăn quàng đỏ thắt cổ tự tử khi vừa đi học về. Nguyên nhân là do Đ mê chơi game, xem phim hoạt hình, không chú tâm đến học hành nên bị cha mẹ mắng.

Một trường hợp rối loạn khác mà nhiều bậc cha mẹ không ngờ tới là áp lực học hành, đã khiến nhiều HS bị sang chấn, rối loạn tâm lý, một cô bé lớp 8 đi đến quyết định tự tử với liều thuốc ngủ lên đến... 30 viên.

Em để lại bức thư tuyệt mệnh: "Ba mẹ ơi, thầy cô ơi, không phải con không muốn học hay con không hiểu bài, mà vì con có quá nhiều bài vở... Khi ba đánh con bằng cây thước kẻ vì kết quả điểm thi thấp, con quyết định chấm dứt ngay lập tức tình trạng trên, để không còn đối mặt hàng ngày với những áp lực và nỗi cô đơn".

Bài thuốc hữu hiệu: Sự quan tâm từ gia đình!

Tại hội thảo rối loạn tâm lý trẻ - vừa diễn ra tại BV Nhi Đồng 2 cho thấy, trên 90% trẻ vị thành niên tự tử vì cảm thấy không được gia đình thấu hiểu, có cảm giác cô đơn, không biết giãi bày cảm xúc với ai. Phần lớn các ca ngộ độc là sử dụng các loại thuốc cảm paracetamol, thuốc trừ sâu... được uống với số lượng lớn.

Theo thống kê của BV Nhi Đồng 2, trẻ có biểu hiện rối loạn tâm lý đang gia tăng không chỉ về số lượng bệnh nhân mà cả các loại bệnh mới. Năm 2001, số lượng trẻ đến điều trị tâm lý tại khoa Tâm lý là 2.871 ca, thì năm 2006 đã lên đến 6.612 ca. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2008, số lượng bệnh nhân nhi tại khoa đã lên đến 8.600 ca. Phần lớn các rối loạn thường gặp ở trẻ như: Rối loạn về ngôn ngữ, ăn uống, giấc ngủ, hành vi, cảm xúc, khó khăn trong học tập - đặc biệt trong việc tiếp nhận ngôn ngữ và khả năng tính toán...

Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh - Trưởng đơn vị tâm lý BV Nhi Đồng 1 - đưa ra giải pháp tối ưu để hạn chế tình trạng rối loạn tâm lý của trẻ chính là vai trò của gia đình. Bố mẹ tạo điều kiện cho trẻ gần gũi để giãi bày tâm tư, tình cảm.

Trẻ không có cơ hội giãi bày hoặc không biết tâm sự với ai sẽ dễ dẫn đến trầm cảm, gây rối loạn tâm lý và có những hành vi tiêu cực. Phụ huynh cần thấy được dấu hiệu thay đổi trong hành vi của con em mình như: Xuất hiện hành vi chống đối, bạo lực bất thường;... để có cách điều chỉnh kịp thời.

Theo Võ Tuấn/Lao Động
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.