Chia sẻ cùng những ước mơ - Kỳ 1: Chắp cánh nhân cách

30/11/2008 21:50 GMT+7

Nhiều em nhỏ cơ nhỡ, bất hạnh tại các mái ấm, nhà mở biết giúp đỡ người lớn, quan tâm đến người thân, chia sẻ với bạn bè đồng cảnh ngộ... Đó chính là nhờ công lao từ những người sáng lập, người quản lý và các thầy cô đã truyền dạy cho các em.

Chúng tôi đến Trung tâm Chắp cánh (Q.Bình Tân, TP.HCM) giữa giờ chơi. Vài chục em nhỏ hồn nhiên đùa giỡn, nhưng chỉ cần thoáng thấy thầy cô hay khách đi qua, các em đã khoanh tay: “Con chào thầy, con chào cô, chú!”.

Nhìn những ánh mắt trong trẻo ấy, hiếm ai đoán được rằng hầu hết các em này đều mồ côi cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ. Rất khó đoán tuổi của những em bé ở đây. Vì có không ít em, điều kiện sống lúc nhỏ quá khó khăn nên dù 11, 12 tuổi nhưng người vẫn bé xíu như lên 8. Nhiều em khác bị bỏ rơi, trung tâm nhận về nuôi rồi mới làm khai sinh nên người ta chỉ áng chừng, chứ không biết tuổi chính xác.

Mỗi cô bé, cậu bé trong trung tâm này là một câu chuyện khác nhau. Như cậu bé Phan Thành Lộc (11 tuổi, đang học lớp 5): Ba bỏ rơi mẹ con em từ lúc em 9 tháng tuổi. Mẹ rời quê lên thành phố rồi gá nghĩa với một người đàn ông bị mù. Hằng ngày, mẹ và bố dượng rong ruổi đi bán vé số. Lộc được ông ngoại xin cho vào trường học. Từ một cậu bé rụt rè, nhút nhát, đi học trễ hơn so với bạn bè, em nhanh chóng trở thành một trong những học sinh xuất sắc nhất lớp. Nghe chúng tôi hỏi về ước mơ, Lộc ngẩn ra, nghĩ một lát rồi nhoẻn miệng cười: “Ước mơ của con là  bày cho mẹ con học chữ. Mẹ con không biết chữ. Con sẽ học giỏi để mai mốt bày lại cho mẹ con học!”.

Trung tâm Chắp cánh thành lập từ cuối năm 1992, bắt nguồn từ tấm lòng của cô Aline Rebeaud - người Thụy Sĩ. Năm 1998, trung tâm chính thức được Nhà nước công nhận là một tổ chức từ thiện. Thời điểm hiện nay, trung tâm đang có hơn 200 trẻ em nghèo và người khuyết tật đến học văn hóa và học nghề miễn phí.

Tại Trung tâm Chắp Cánh, dù bị khuyết tật, bị bỏ rơi, mồ côi hay hoàn cảnh quá khó khăn, các em đều được thầy cô dìu dắt, quan tâm từng chút một. Cô Phạm Thị Hà, người đã gắn bó nhiều năm với những lớp học tại đây, chia sẻ: “Dạy ở lớp học này khác rất xa với những lớp học bên ngoài. Có em, trong những bài tập làm văn viết nhiều câu mà mình không sao cầm được nước mắt khi đọc”. Dạy các em, phải tâm niệm không chỉ cho cái chữ mà phải dạy bằng cả tấm lòng”.

Ngoài việc phổ cập văn hóa bậc Tiểu học, chương trình tại trung tâm còn giúp các em nhỏ làm quen với những môn như hội họa, âm nhạc, ngoại ngữ, võ Vovinam. Quan trọng hơn, các em được hướng dẫn cách giúp đỡ bạn bè cùng có hoàn cảnh khó khăn, biết phụ ba mẹ việc nhà, lễ phép với thầy cô.

Với “người mẹ” sáng lập trung tâm, cô Aline Rebeaud (người Thụy Sĩ) thì điều thú vị là các em chẳng bao giờ gọi cô bằng cái tên nước ngoài này. Có một “nickname” khác được dùng, đó là: “Mẹ Tim” (tim chính là trái tim, là những chia sẻ yêu thương với mọi người ở quanh mình). Có những em sau khi học hết lớp 5 và được tạo điều kiện học tiếp lên các bậc học cao hơn ở bên ngoài vẫn thường đều đặn trở về đây, cùng phụ với “Mẹ Tim”. “Chúng tôi đã có được vài em học lên ĐH, CĐ; THCS, THPT thì nhiều hơn. Điều đó với bên ngoài nghe chừng là điều dễ dàng, nhưng với những em hoàn cảnh như thế này thì là cả một nỗ lực lớn lao...”, thầy Tùng (giáo viên của trường) chia sẻ.

Không chỉ dạy chữ, rõ ràng mô hình hướng dẫn, rèn luyện nhân cách cho các em như Trung tâm Chắp cánh đã làm là điều cực kỳ cần thiết. Bởi chỉ cần nghe những ước mơ trong trẻo của các em, ví dụ như ước mơ của cô bé Trương Thị Ngọc Vũ (10 tuổi, học lớp 3): “Con ước mai mốt con biết may, con may đồ đẹp cho các bạn nghèo trong lớp”, cũng đủ thấy lòng nhân ái, sự sẻ chia đã được chăm chút từng ngày trong những trái tim bé bỏng ấy như thế nào...

Mai Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.