Đồng bằng sông Cửu Long đua nhau trồng lúa thơm

27/11/2008 10:21 GMT+7

Trong khi hàng trăm ngàn tấn lúa IR 50404 (giống cao sản nhưng chất lượng thấp) vẫn còn tồn đọng ở ĐBSCL thì câu chuyện lúa thơm từ Campuchia tràn sang biên giới các tỉnh ĐBSCL trở thành đề tài “nóng” suốt tháng 11-2008.

Nông dân ĐBSCL “núng thế” lại đua nhau tìm giống lúa thơm chuẩn bị trồng cho vụ đông xuân 2008-2009. Tuy nhiên, đua nhau trồng lúa thơm rồi bán cho ai? Hay khi đó, lúa thơm cũng sẽ rơi vào hoàn cảnh như lúa IR 50404 bây giờ!?

Nước lũ ở ĐBSCL đang rút dần, nông dân nhiều nơi tranh thủ xuống giống lúa đông xuân 2008-2009. “Mấy ngày qua, cả nhà chạy tìm giống lúa thơm nhưng chẳng nơi nào bán. Gia đình tôi đành mua lúa thịt của người hàng xóm để làm giống – đây là giống lúa thơm Jasmine. Giá đến 6.000 đồng/kg” - chị Hai Huệ ở Thoại Sơn, An Giang, cho biết.

Theo chị, nghe người ta nói lúa thơm nên mua đại về trồng chứ không biết chất lượng ra sao! Đây là một trường hợp điển hình cho tình trạng “xính” lúa thơm của người dân ĐBSCL.

Tình trạng hiện nay làm người ta nhớ lại thời điểm tháng 3, tháng 4-2008: Nông dân ĐBSCL chẳng quan tâm đến lúa chất lượng cao, đua nhau tìm giống lúa cao sản IR 50404 để sản xuất – vì họ nghĩ lúa nào cũng xuất khẩu được. Giờ họ “tẩy chay” lúa IR 50404 để “săn” lúa thơm!?

Tuy nhiên, có một thực tế: Trong nhiều năm qua, sản lượng xuất khẩu lúa thơm của Việt Nam chỉ khoảng 60.000-90.000 tấn/năm vì lúa thơm Việt Nam rất khó cạnh tranh với Thái Lan.

“Thị trường lúa thơm gần như do Thái Lan độc quyền, vì họ đã tạo được thương hiệu, chất lượng gạo rất ngon. Đó là do nông dân Thái Lan sử dụng các giống lúa thơm làm lúa mùa; năng suất chỉ đạt 2-3 tấn/ha (Việt Nam 3-5 tấn/ha). Nghĩa là trồng lúa thơm cần dài ngày, mới có chất lượng ngon và không cần năng suất cao” – TS. Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, phân tích.

Trong khi đó, chưa ai khảo sát và biết chắc thị trường lúa thơm trong năm 2009 cần bao nhiêu, ai mua và bán ở thị trường nào? Một số nhà khoa học cũng tỏ ra lo lắng, khi nhiều nông dân truyền miệng “giống lúa thơm” – chủ yếu là nguồn trôi nổi, chất lượng chưa biết ra sao! Trong khi đó, trồng lúa thơm lại đòi hỏi “tay nghề” trồng lúa khá chắc như: Tốn nhiều công sức chăm sóc, phòng trị bệnh rầy nâu, lúa von…

Theo TS Lê Văn Bảnh, nếu sản xuất lúa thơm, nông dân cần quy hoạch theo vùng chuyên canh và phối hợp sản xuất theo liên kết “bốn nhà” – trong đó, phải có doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu mới “chắc ăn”!?

Thực tế đầu năm ngoái, giới khoa học khuyến cáo các địa phương cần hướng dẫn nông dân sản xuất khoảng 15%-20% diện tích lúa IR 50404 để phục vụ nhu cầu chế biến bún, bánh tráng ở thị trường nội địa nhưng “đùng” một cái, nông dân sản xuất vượt qua ngưỡng 30%!?

“Vụ đông xuân tới đây, các tỉnh ĐBSCL cần cân đối và hướng dẫn nông dân xuống giống theo cơ cấu: 15-20% diện tích sản xuất lúa thường (có IR 50404), 15% lúa thơm – lúa dẻo và 60% lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu”. Nói là vậy, liệu nông dân và chính quyền địa phương có “ngoéo tay” làm theo khuyến cáo! Nông dân cần tỉnh táo chọn lựa giống lúa sản xuất hợp lý chớ ùn ùn chạy theo phong trào trồng lúa thơm” – TS Lê Văn Bảnh nhắc nhở.

Cao Phong (SGGP)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.