Cuộc sống sau khi rời Nhà Trắng

21/11/2008 13:59 GMT+7

Khi Tổng thống Mỹ thứ 43 G.W.Bush rời Nhà Trắng vào tháng 1-2009 tới, ông sẽ phải quyết định mình sẽ làm gì tromg quãng đời còn lại. Vậy vai trò của các cựu tổng thống đã thay đổi thế nào trong những năm tháng “hưu trí”?

Sau này sẽ làm gì?

Đây là câu hỏi thường xuyên ám ảnh các cựu tổng thống. Bất cứ ai đã từng là một trong những người quyền lực nhất thế giới đều cảm thấy nặng nề khi chấm dứt quãng đời “là tổng thống”. Ban đầu, các tổng thống chủ yếu chỉ cần trở về nhà và nghỉ ngơi. George Washington thì thích trồng cây ở núi Vernon bang New Jersey và chưng cất rượu whisky. John Adams quay về làm trang trại và hay liên lạc với tổng thống kế nhiệm Thomas Jefferson. Franklin Pierce thì đắm chìm trong whisky…   
 
Tuy nhiên, cũng như cuộc sống không ngừng đi lên, các cựu tổng thống nhận thấy họ cũng phải tiếp tục sống trong thời gian dài nữa sau khi rời nhiệm sở. Sự bùng nổ các phương tiện truyền thông và các lời bình phẩm của giới chính khách cũng góp phần thúc đẩy các cựu tổng thống phải làm gì đó để lịch sử nhớ tới họ một cách ưu ái. Nghỉ hưu, Jefferson đã xây dựng Đại học Virginia. John Quincy Adams tiếp tục con đường chính trị và trải qua 18 năm ở Quốc hội. William Howard Taft được chỉ định làm chánh thẩm tòa án tối cao Hoa Kỳ.

Với vị thế nổi bật của Mỹ trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, các cựu tổng thống Mỹ càng có thêm nhiều cơ hội, khả năng đánh bóng lại tên tuổi mà mình đã từng có khi còn đương chức. Mark Updegrove, tác giả cuốn “Second Acts: Presidential Lives and Legacies After the White House” (tạm dịch “Những việc làm thứ hai: Đời sống các tổng thống và tài sản sau khi rời Nhà Trắng”) nhận xét “các cựu tổng thống giờ đây theo đuổi các chương trình riêng, những chương trình, dự định mà họ hầu như đã quên lãng trong thời gian ở Nhà Trắng”.

Người tạo ra hình mẫu mới chính là Richard Nixon. Sau khi từ chức vì vụ Watergate, ông đã quyết định phục hồi danh dự. Đó là lý do ông bắt tay vào viết nhiều cuốn sách dày về lịch sử và ngoại giao, đi đến nhiều nơi trên thế giới để gặp gỡ các lãnh đạo cao cấp nước ngoài, thành lập thư viện tổng thống ở California và thường xuyên cố vấn cho những người kế nhiệïm trong phòng Bầu dục.

Nhìn chung, các cựu tổng thống đều cố gắng duy trì các di sản lịch sử thông qua các hoạt động nhân đạo. Từ trung tâm Carter ở Atlanta, cựu tổng thống Jimmy Carter đấu tranh cho nhân quyền, theo dõi các cuộc bầu cử trên thế giới và thử kiến tạo hòa bình cho các điểm nóng như Trung Đông. Cựu Tổng thống Bill Clinton thì lập quỹ phòng chống HIV/AIDS, chống nghèo đói, thay đổi khí hậu. Gần đây, cựu tổng thống George H.W.Bush cũng đã làm việc với ông Clinton để quyên góp 120 triệu USD giúp đỡ các nạn nhân của cơn bão Katrina.

Nhưng không phải ai cũng có tiền. Khi Harry Truman rời Nhà Trắng, ông đã phải vay nợ ngân hàng để trang trải cuộc sống riêng. Ông không có bất cứ thu nhập chính thức nào từ chính phủ hay bất kỳ khoản nào khác ngoài khoản lương nghỉ hưu của quân đội (khoảng 112,56 USD/tháng). Ông từ chối các khoản lợi nhuận mỗi khi làm cố vấn. “Tôi không bao giờ thương mại hóa những gì tôi tiếp thu đuợc nhờ làm tổng thống. Tôi tôn trọng quãng thời gian tuyệt vời đó”.

Ai đã thay đổi phương pháp này?

Gerald Ford là vị cựu tổng thống đầu tiên chứng tỏ dòng chữ “từng là tổng thống Mỹ” trong bản lý lịch cực kỳ sinh lời. Sau khi rời Nhà Trắng năm 1977, ông nhanh chóng kiếm được tiền nhờ diễn thuyết và xuất hiện ở những cuộc họp. Trong những năm 1980, ông kiếm được 1,7 triệu USD/năm. Điều này đã biến “cựu tổng thống” thành một “ngành” kinh doanh lớn. Ronald Reagan cũng kiếm trung bình 2 triệu USD/năm nhờ diễn thuyết. Có 21 cuốn sách thuộc về ngòi bút của J.Carter, mà cuốn cuối cùng Palestine: Hòa bình chứ không phải chính sách phân biệt chủng tộc vừa được xuất bản mùa thu năm ngoái.

Ngoài hồi ký, sách chính trị, tôn giáo, đạo đức học, J.Carter là cựu tổng thống Mỹ duy nhất viết sách nghệ thuật - tiểu thuyết lịch sử. Thu nhập từ sách được dùng để tài trợ cho trung tâm từ thiện mang tên ông và Habitat for Humanity (chỗ ở nhân đạo). George H.W.Bush – Bush bố - thì thu về ngót nghét 4 triệu USD nhờ có mặt tại các cuộc họp. Bush “bố” cũng đại diện cho kênh truyền hình Nhật Bản Global Crossing phát biểu tại Tokyo, kinh doanh cổ phiếu, vận động hành lang…

Cựu Tổng thống Bill Clinton thì đã chứng tỏ mình là người có khả năng kiếm tiền xuất sắc nhất trong số các cựu tổng thống. Khi rời Nhà Trắng, ông còn nợ 12 triệu USD tiền kiện tụng, điều tra. Giờ đây, nhờ hàng ngàn bài diễn văn cùng công việc cố vấn và bán sách, ông và bà Hillary đã kiếm được hơn 100 triệu USD.

Thực ra cũng có nhiều lời chỉ trích. Những ai phản đối thì cho rằng các cựu tổng thống đã lợi dụng chức danh để kiếm tiền. Nhiều người cảm thấy bối rối khi chứng kiến vị tổng thống họ từng ngưỡng mộ xuất hiện trong một hoàn cảnh khác hẳn, không còn trong ánh hào quang của người nổi tiếng. Để tự bảo vệ, cựu tổng thống Clinton cho biết ông dành 80% giờ diễn thuyết cho quỹ của mình, và rằng một người có tài thì hoàn toàn có thể cống hiến nhiều hơn nữa khi không còn là thống đốc hay tổng thống.

Tổng thống Bush sẽ làm gì?

Vài người trong số các cựu tổng thống từng rất lo lắng khi nghĩ đến chuyện phải tìm một công việc khác, một nơi khác để sinh sống. Trong buổi gặp với các thành viên tại Nhà Trắng, Tổng thống Bush chủ động nói: “Tôi biết các bạn cảm thấy thế nào”. Tất nhiên, ông Bush không phải quá lo lắng về việc tìm một công việc mới sau khi ra đi. Ông để lại cho Nhà Trắng khoản tiền ước tính 21 triệu USD. Còn nữa, có nhiều lời đồn đoán rằng ông Bush sẽ kinh doanh đất.

Ông Bush đã từng thổ lộ rằng ông cảm thấy buồn chán nếu quay về trang trại rộng lớn ở Crawford (Texas), nơi ông chỉ về trong kỳ nghỉ khi là tổng thống. Thay vào đó, ông và vợ mình, bà Laura Bush, đang tìm mua nhà trong khu vực sang trọng Highland Park ở Dallas. Ở đó, ông Bush dự định xây dựng Thư viện Tổng thống George W.Bush tại Southern Methodist University. Ông Bush cũng không giấu ý muốn phát triển “một học viện tự do” để thúc đẩy dân chủ trên thế giới. Ngoài ra, có thể ông Bush cũng sẽ tham gia vài bài diễn thuyết.

Theo Việt Khuê / SGGP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.