Kinh tế Mỹ đã suy thoái

19/11/2008 00:06 GMT+7

Nền kinh tế Mỹ đang ở giữa một đợt suy thoái kéo dài 14 tháng, các phân tích mới nhất của giới chuyên gia nước này cho thấy điều đó.

Từ cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ, thế giới giờ đây đang rơi vào một giai đoạn khó khăn chưa từng thấy khi các nền kinh tế hàng đầu đều suy thoái. Các báo cáo chính thức mới nhất cho thấy Nhật Bản và Đức, hai trong ba nền kinh tế lớn nhất hành tinh, đã suy thoái.

Nhưng điều tồi tệ chưa dừng lại ở đó. Kết quả hai cuộc khảo sát riêng rẽ mới được công bố đầu tuần này cho thấy Mỹ, nền kinh tế lớn nhất hành tinh, hiện đang rơi vào một giai đoạn suy thoái dài ngày.

Bất đồng về kế hoạch giải cứu

Ba tập đoàn sản xuất ô tô hàng đầu của Mỹ là Ford, Chrysler và General Motors đang chờ đợi khoản cứu trợ 25 tỉ USD của Chính phủ Mỹ để vượt qua khủng hoảng. Tuy nhiên, hiện đang có bất đồng sâu sắc về kế hoạch giải cứu. Các nghị sĩ Dân chủ muốn số tiền trên được trích ra từ quỹ cứu trợ khẩn cấp 700 tỉ USD đã được thông qua trước đây. Trong khi đó, Chính phủ Mỹ và các nghị sĩ Cộng hòa muốn gói cứu trợ 25 tỉ này được thông qua theo ngân sách dành cho chương trình phát triển xe tiết kiệm nhiên liệu hiện hành.

Qua khảo sát ý kiến các chuyên gia kinh tế hàng đầu, Hiệp hội Kinh tế gia quốc gia Mỹ (NABE) đi đến kết luận rằng nền kinh tế nước này đã suy thoái. Cuộc khảo sát của NABE cũng đưa ra dự báo rằng GDP Mỹ sẽ tiếp tục giảm 1,3% trong quý đầu tiên của năm 2009. Tỷ lệ thất nghiệp trong quý 3 năm 2009 có thể tăng lên mức 7,5%, cao hơn nhiều so với con số 6,5% hiện nay. Theo một cuộc khảo sát khác do Ngân hàng Dự trữ liên bang Philadelphia (Philadelphia Fed) thực hiện, kinh tế Mỹ bắt đầu rơi vào suy thoái từ tháng 4.2008 và chu kỳ suy thoái này sẽ kéo dài 14 tháng. Riêng quý 4 năm nay, GDP Mỹ giảm 2,9%, một sự sụt giảm trầm trọng so với dự báo tăng trưởng 0,7%.

Nhìn vào những gì đang diễn ra trong nền kinh tế hùng mạnh này cũng như trên toàn thế giới, việc đưa ra kết luận rằng kinh tế Mỹ đang suy thoái là không mấy bất ngờ. Hàng loạt ngân hàng phá sản hoặc lâm nguy, thị trường chứng khoán suy sụp, sản lượng công nghiệp sụt giảm - chẳng hạn như vào tháng 9 sụt giảm tới 3,7%, cao nhất trong vòng hơn 60 năm... là những gì người ta thường nghe thấy khi nói đến nền kinh tế đầu tàu của hành tinh. Tình hình kinh tế khó khăn khiến số lượng việc làm bị mất cũng gia tăng. Theo hãng tin AP thì từ đầu năm đến nay, nước Mỹ đã mất 1,2 triệu việc làm. Khảo sát của Philadelphia Fed cũng cho thấy trong quý hiện tại, mỗi tháng Mỹ mất thêm 222.400 việc làm. Số người mất việc ngày càng tăng khi có thêm nhiều công ty phá sản và nhiều công ty phải cắt giảm nhân sự để vượt qua khủng hoảng, chẳng hạn như Tập đoàn ngân hàng Citigroup hôm 17.11 đã tuyên bố sẽ cắt giảm 52.000 nhân công trên thế giới.

Việc 3 nền kinh tế mạnh nhất thế giới là Mỹ, Nhật Bản và Đức cùng với khu vực kinh tế Eurozone (các nước sử dụng đồng euro) suy thoái làm cho bức tranh kinh tế toàn cầu vốn đã tối lại càng xám xịt. Cuộc họp thượng đỉnh mới đây của G20 đã đưa ra một số cam kết về việc phục hồi tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, từ những cam kết này tới hiện thực là một chặng đường còn xa. Vì thế, giai đoạn trì trệ - hay ở mức độ nghiêm trọng hơn là suy thoái - của kinh tế thế giới có thể sẽ còn tiếp diễn trong một thời gian nữa.

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.