Cước vận tải tại TPHCM: Giảm... cầm chừng

18/11/2008 10:23 GMT+7

Như chúng tôi đã thông tin trên số báo ra ngày 11-11-2008, hàng loạt hãng taxi thông báo sẽ giảm giá cước vào tuần sau, sau rất nhiều đợt xăng dầu giảm giá. Tuy nhiên, đến hôm qua (17-11), ghi nhận từ thực tế của PV Báo SGGP cho thấy, hầu hết các hãng taxi vẫn còn tính giá cũ.

Cước taxi - chỉ mới giảm ở... chủ trương!

Lúc 9 giờ 30 sáng 17-11, trên tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TPHCM), khi đón chiếc taxi của Hãng Savico đến khách sạn Tân Sơn Nhất (quận Phú Nhuận), thấy giá cước vẫn như cũ, 12.000 đồng/km, chúng tôi thắc mắc thì anh tài xế lúng túng giải thích: “Dạ, 0 giờ tối nay hãng em mới chính thức giảm giá. Nhiều hãng taxi khác cũng còn lấy giá cũ như bọn em!”.

Từ khách sạn Tân Sơn Nhất, chúng tôi đón xe taxi của Hãng Mai Linh có mã số tài BD-034 đến sân bay Tân Sơn Nhất. Bước lên xe, chúng tôi khá choáng khi nhìn thấy giá cước mở cửa của hãng này đến 15.000 đồng/km. Chúng tôi hỏi: “Vì sao giá cước lại cao đột biến như vậy?”.

Tài xế cho rằng: “Xe tôi phục vụ ở địa phận tỉnh Bình Dương, giá cước ở Bình Dương cao hơn ở TPHCM. Hãng Mai Linh vận chuyển khách địa bàn tỉnh Bình Dương vẫn còn lấy giá cũ. Còn taxi của hãng vận chuyển khách ở khu vực TPHCM có thể đến đêm nay mới bắt đầu giảm giá cước”.

Từ sân bay Tân Sơn Nhất, chúng tôi tiếp tục đón 1 chiếc taxi của hãng khác - Hãng Vinasun có mã số tài 812 để về khu vực trung tâm thành phố. Tương tự như các hãng trên, giá cước của hãng này vẫn chưa giảm, vẫn 12.000 đồng/km, km tiếp theo đó 11.000 đồng và km thứ 30 trở đi vẫn còn 8.100 đồng/km. Chỉ có hãng Future, giá cước đã giảm xuống còn 9.800 đồng và km thứ 31 trở đi là 6.400 đồng. 

Trao đổi với chúng tôi về tình trạng này, đại diện Hãng taxi Vinasun giải thích: Hiện nay, giá cước của hãng này có đến 3 loại (?). Khoảng 500 xe chạy với giá cước lập trình 10.500 đồng/km và khoảng 2.000 chiếc chạy với giá cước 11.000 đồng/km và 10.000 đồng/km (giá cước lập trình mới đây nhất, sau đợt xăng dầu giảm giá gần đây nhất).

Phải 1 tuần lễ nữa, 100% lượng xe của hãng mới lập trình xong giá cước và khi đó mới áp dụng thống nhất cước mở cửa là 12.000 đồng, tiếp theo 10.000 đồng/km và 7.000 đồng/km đối với km thứ 31. Hiện, mỗi ngày, đơn vị chức năng chỉ lập trình giá cước mới cho hãng được từ 300 – 400 xe.

Đại diện Hãng taxi Mai Linh cho biết, ngày 14-11 đang lập trình giá mới được 100 xe taxi thì sáng 15-11, giá xăng lại tiếp tục giảm xuống nên hãng phải ngưng để làm lại phương án giá cước mới. Tối 17-11, hãng bắt đầu lập trình lại giá cước mới nhất theo hướng giảm giá cước mở cửa từ 15.000 đồng xuống còn 12.000 đồng và giá cước tiếp theo là 10.000 đồng/km, đến km thứ 26 còn 7.000 đồng/km.

Các loại vận tải khách khác: giảm giá từ 8% - 15%

Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Ngọc Thừa, Giám đốc Bến xe miền Đông cho biết: Có thêm nhiều doanh nghiệp vận tải khách hoạt động tại bến tiếp tục thông báo giảm giá vé xe đò. Tính đến thời điểm này, đã có tổng cộng 18 doanh nghiệp vận tải khách giảm giá vé xe đò. Mức giá vé xe đò giảm từ 8% – 15%.

Theo các doanh nghiệp cho thuê xe du lịch hợp đồng, trừ các hợp đồng vận chuyển khách theo tour cố định (hợp đồng từ 3 – 6 tháng) thì giá cho thuê xe không biến động, còn lại các hợp đồng cho khách thuê xe lẻ thì giá giảm từ 10% – 15%. Cụ thể, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH – TM-DV-DL Tứ Vương, cho biết: Trước đây giá cho thuê xe đi TPHCM - Vũng Tàu trong ngày là 1,5 triệu đồng, nay giảm xuống còn 1,3 triệu đồng hoặc giá cho thuê xe đi TPHCM – Đà Lạt 4 ngày 3 đêm trước đây 4 triệu đồng, nay giảm xuống còn 3,6 triệu đồng...

Riêng các tàu du lịch cánh ngầm vận chuyển khách TPHCM – Vũng Tàu, sau khi xăng dầu tăng giá, giá vé tàu đã tăng lên 160.000 đồng/vé, nay sau rất nhiều đợt xăng dầu giảm giá nhưng đến chiều 17-11, các hãng này vẫn chưa có phương án giảm giá vé.

Vận chuyển khách dịp Tết Kỷ Sửu 2009
Giá cước tăng từ 20% đến 60%

Ngày 17-11, ông Nguyễn Ngọc Thừa, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Bến xe miền Đông đã thông qua kế hoạch vận chuyển khách dịp Tết Kỷ Sửu năm 2009. Theo đề nghị của các đơn vị vận tải, dự kiến mức phụ thu giá cước vận tải như sau: các tuyến từ Thừa Thiên - Huế ra phía Bắc phụ thu 40% từ ngày 21 đến 23 tháng chạp, phụ thu 60% từ ngày 24 đến 30 tháng chạp, phụ thu 20% từ mùng 1 đến mùng 3 Tết. Các tuyến từ tỉnh Ninh Thuận đến TP Đà Nẵng và các tuyến khu vực cao nguyên: phụ thu 40% từ ngày 21 đến 24 tháng chạp, phụ thu 60% từ ngày 25 đến 30 tháng chạp, 20% từ mùng 1 đến mùng 3 Tết. Các tuyến thuộc tỉnh Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng: phụ thu 60% từ ngày 25 đến 30 tháng chạp, phụ thu 20% từ mùng 1 đến mùng 3 Tết. Các tuyến thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai: phụ thu 40% từ ngày 26 đến hết mùng 3 Tết. Riêng các tuyến miền Tây, phụ thu 40% từ ngày 27 tháng chạp đến hết mùng 2 Tết.

Dự báo, lượng khách qua bến dịp tết năm nay tăng 10% so với cùng kỳ năm 2008. Khách sẽ tập trung cao điểm vào các ngày 26, 27 và 28 Tết, có thể tăng lên từ 50.000 – 60.000 người/ngày. Tổng số xe phục vụ tết năm nay là 15.927 xe, trong đó khoảng 400 xe buýt tăng cường.

Riêng việc tổ chức bán vé trước sẽ bắt đầu từ ngày 1 đến hết ngày 26 tháng chạp (tức từ ngày 26-12-2008 đến ngày 21-1-2009) cho khách đi từ ngày 24 đến 28 tháng chạp. Địa điểm bán vé trước tại quầy vé nhà ga Bến xe miền Đông, thời gian từ 7 – 17 giờ mỗi ngày.

V.A

Theo Vân Anh/Báo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.