Hiểm họa hạt nhân vùng Bắc Cực

11/11/2008 22:13 GMT+7

Từ nhiều năm nay, một mối đe dọa hạt nhân đang nằm đâu đó dưới lớp băng tại đảo Greenland gần Bắc Cực, cuộc điều tra mới đây của hãng tin BBC đã làm hé lộ điều này.

Chiến dịch Chrome Dome

Một sự cố nghiêm trọng đã xảy ra tại Căn cứ không quân Thule của Mỹ tại Greenland, một vùng lãnh thổ rộng lớn và băng giá thuộc Đan Mạch, vào thời Chiến tranh lạnh. Căn cứ này vốn đóng vai trò quan trọng trong hệ thống phòng thủ hạt nhân của Mỹ nhờ vào vị trí chiến lược độc nhất vô nhị gần Bắc Cực, kể từ khi nó được xây dựng vào đầu những năm 50 của thế kỷ trước. Với vị trí trên, radar thuộc lá chắn tên lửa của Mỹ có thể phát hiện bất cứ tên lửa đạn đạo nào vượt qua Bắc Cực. Lầu Năm Góc từng cho rằng Liên Xô có thể chiếm lấy căn cứ trên để làm bàn đạp cho cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ. Do đó vào năm 1960, Bộ Quốc phòng Mỹ bắt đầu tiến hành chiến dịch Chrome Dome. Trong chiến dịch này, các "pháo đài bay" B-52 liên tục quần đảo bên trên căn cứ Thule, chuẩn bị sẵn sàng thực hiện các sứ mệnh tấn công chớp nhoáng Moscow nếu Liên Xô tấn công Greenland. Tất nhiên, Chrome Dome luôn được giữ trong vòng bí mật.

Ngày đen tối

Mọi chuyện đã diễn ra thật hoàn hảo cho đến ngày 21.1.1968, khi một chiếc B-52 chở theo 4 quả bom hạt nhân bị rơi trên nền băng ở vịnh North Star, cách Căn cứ không quân Thule chỉ vài km. 6 thành viên phi hành đoàn thoát khỏi máy bay nhờ vào ghế bật, chỉ có 1 người tử nạn. Sau khi tai nạn xảy ra, quân nhân, cư dân dịa phương và các nhân viên Đan Mạch vội vã đến hiện trường để giúp đỡ. Người Mỹ đã cố hết sức tiếp cận khu vực máy bay rơi trước những người khác. Trong màn đêm đen của Bắc Cực, giới chuyên gia Mỹ nhanh chóng dọn dẹp mọi dấu vết có thể gây rò rỉ công nghệ hạt nhân, trong khi hàng trăm cư dân địa phương di dời những phần băng và tuyết bị ô nhiễm phóng xạ. Người ta chỉ biết được phải đến tháng 9 năm đó công việc dọn dẹp mới hoàn thành và Mỹ đã thu hồi toàn bộ số vũ khí trên chiếc B-52 bị rơi. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần sự thật.

Hãng tin BBC đã tiếp cận được một đoạn băng video quay lại công cuộc dọn dẹp khổng lồ trên. Cuộn băng này nằm trong bộ hồ sơ đã được giải mật theo Luật Tự do thông tin của Mỹ. Dù phát nổ, nhưng các chất nổ có sức công phá khủng khiếp bao quanh 4 quả bom hạt nhân không kích nổ các vũ khí có chứa hạt nhân. Lầu Năm Góc vẫn một mực cho rằng toàn bộ vũ khí trên chiếc B-52 đó đã được tiêu hủy. Điều này có thể đúng nếu xét về khía cạnh kỹ thuật. Tuy nhiên, những tài liệu được giải mật một phần về vụ rơi máy bay trên đã hé lộ một câu chuyện u ám hơn nhiều lần so với những điều ít ỏi được công bố lâu nay. Những thông tin này cũng đã được xác nhận bởi các cá nhân tham gia vụ dọn dẹp hiện trường và từ những người tiếp cận được các chi tiết xung quanh tai nạn trên.

Tài liệu cho thấy trong vòng vài tuần đầu tiên sau khi sự cố xảy ra, các nhà điều tra đã ghép những mảnh vụn thu thập lại được và phát hiện chỉ có 3 trong số 4 vũ khí đã được tìm thấy. Đến cuối tháng 1, một tài liệu đề cập đến một phần băng hóa đen chứa những đoạn dây từ chiếc dù của một quả bom. "Nghiên cứu cho thấy một thứ gì đó đã tan chảy xuyên qua mặt băng, như là phần đầu hoặc phần thứ hai bị cháy", tài liệu ghi rõ. Phần đầu hoặc phần thứ hai nói ở đây là chỉ các bộ phận của vũ khí hạt nhân. Đến tháng 4, Mỹ đã cử tàu ngầm Star III đến căn cứ Thule để tìm kiếm quả bom mất tích, có số thứ tự là 78252. Tuy nhiên, Chính phủ Đan Mạch không biết được mục đích thực sự của việc tìm kiếm trên. Một tài liệu vào tháng 7 có đoạn: "Chiến dịch tìm kiếm bộ phận vũ khí bị mất tích được liệt vào dạng bảo mật NOFORN. Khi thảo luận với người Đan Mạch, chiến dịch trên nên được đề cập là cuộc khảo sát tiếp theo cuộc khảo sát phần dưới khu vực bị ảnh hưởng". NOFORN có nghĩa là không được tiết lộ với bất cứ giới chức nước ngoài nào.

Thất bại

Dù rất nỗ lực nhưng cuộc tìm kiếm đã vấp phải trở ngại do sự cố kỹ thuật và lớp băng mới được hình thành khi mùa đông đến. Ngoài chuyện chứa uranium và plutonium, các bộ phận vũ khí bị bỏ lại có tính nhạy cảm cao vì các thông tin bí mật về thiết kế đầu đạn hạt nhân có thể bị tiết lộ nếu lọt vào tay chuyên gia quân sự. Tuy nhiên, dần dần cuộc tìm kiếm đã bị từ bỏ. Các biểu đồ và ghi chú kèm theo những tài liệu được giải mật đã khẳng định quân đội Mỹ không thể lục soát toàn bộ khu vực có thể có mảnh vụn của chiếc máy bay rơi. Một số quan chức có liên quan đến vụ giải quyết hậu quả của sự cố trên đã thừa nhận Mỹ không thể thu hồi tất cả các bộ phận vũ khí hạt nhân và phần còn lại của quả bom có thể vẫn nằm dưới đáy biển ở Bắc Cực. Lầu Năm Góc từ chối bình luận về cuộc điều tra của BBC. Tuy nhiên, vụ nổ, chiến dịch dọn dẹp và bí mật về qua bom mất tích vẫn tiếp tục đeo bám những người liên quan cũng như những người đang sống tại khu vực trên. Họ luôn lo lắng về tác hại có thể đối với môi trường và sức khỏe của người dân sau sự kiện cách đây 40 năm.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.