Trí “người rừng”

06/11/2008 21:35 GMT+7

Ngô Văn Trí đã cùng với các nhà nghiên cứu khám phá được 7 loài thằn lằn, rắn lục đặc hữu của Việt Nam, 2 loài dơi mới ở rừng ngập mặn Cần Giờ và Cát Tiên, 3 loài cá nước ngọt có vùng phân bố ở Việt Nam. Bạn bè gọi anh là: Trí “người rừng”.

“Thập tử nhất sinh” với rừng

Rừng ăn sâu vào Ngô Văn Trí từ tuổi thơ chăn bò ở quê Đà Nẵng. Tốt nghiệp khoa Sinh học (ĐH Huế) năm 1994, Trí vào làm ở Tổ Sinh thái học phát triển (nay là Phòng Công nghệ quản lý tài nguyên rừng - Viện Sinh học nhiệt đới TP.HCM). Trí khoe: “Mười bốn năm mình lội bộ rừng hơn 10.000 km”. Trí đã từng lội qua các vùng rừng rậm từ Lâm Đồng, Ninh Thuận, Sơn La đến các đảo Thổ Chu, Hòn Khoai, Côn Đảo... 

Nhiều lúc anh vào rừng khám phá theo kế hoạch của Viện, hoặc hỗ trợ các tổ chức bảo tồn thiên nhiên nước ngoài. Nhưng cũng có nhiều chuyến đi mà anh tự đề xuất, bỏ tiền túi lên đường. Trước khi đi anh thường chuẩn bị gạo, mắm muối, lương khô. Trong chiếc ba lô hơn 40 kg, ngoài thức ăn, còn lỉnh kỉnh nào là thuốc men, máy ảnh, máy định vị GPS, la bàn, bản đồ địa hình, dù bạt. Trí cho biết: “Sinh hoạt trong rừng rậm nên những kỹ năng sống trong rừng như bảo quản thịt heo nửa tháng không hư, chui hang động, vượt suối... đều phải nắm vững”.

Tuy vậy Trí cũng không khỏi “trả giá” cho những chuyến đi: Bốn lần trôi sông, bảy lần sốt rét, ba lần tính mạng bị đe dọa nghiêm trọng! Trí nhớ như in lần đi qua cầu treo ở Kon Plong (Kon Tum) vào rừng sâu. Khi quay về thì lũ quét trôi mất cầu. Anh và các đồng sự đành phải một tay bơi, một tay giữ ba lô. Anh bị dòng lũ mạnh cuốn đi, tối tăm mặt mũi, một mình dò dẫm, không đèn pin (các thiết bị đi rừng đã bị ngấm nước) vượt gần 15 cây số đường rừng mới về tới Lâm trường Măng Đen (Kon Tum). Trong bảy lần bị sốt rét rừng hành hạ, Trí nhớ như in chuyến đi núi Giăng Màn ở Quảng Bình: “Mình vừa đi  rừng Yok Đôn 1 tháng xong,  đi tiếp ra Quảng Bình thì gục. Cơn sốt Denver làm máu chảy ra mũi, miệng. Tưởng chết. May nhờ có đồng nghiệp mang đi cấp cứu ở Bệnh viện Việt Nam - Cuba mới may mắn sống sót...”.

Sau những trải nghiệm xương máu cùng rừng núi, Trí có thể biết được cách dự đoán thời tiết trong những chuyến thám hiểm. Trí nói: “Khi quyết định leo núi, phải nhìn trời để tránh lũ quét, lũ ống. Nếu có mây mưa vờn quanh đỉnh leo là chết chắc. Có những lúc núi có mây đen nhưng khi nhìn hướng gió, chúng tôi biết đó không phải là mây mưa, có thể tiếp tục hành trình”.

“Phóng viên rừng”

Công việc của “phóng viên thiên nhiên” như Trí là chụp ảnh động vật quý. Khi hành nghề, việc sắm dụng cụ máy ảnh, máy ghi âm... cũng tốn kém: “Trên mình người thám hiểm luôn lỉnh kỉnh hai máy ảnh: máy lớn chụp xa, máy nhỏ lia gần. Số tiền mua đồ nghề giá trị ngang chiếc Dream Thái” - anh cho biết.

Công trình khám phá của Trí cùng tham gia được xuất bản trên Tạp chí ZooTaxa, một trong những tạp chí quốc tế nổi tiếng về nghiên cứu phân loại học các loại động vật ra ngày 29.2.2008. Trước đó, Ngô Văn Trí còn có bài báo khoa học đăng trên tạp chí chuyên ngành Herpetologica, số ra tháng 12.2007

Những người cộng sự với Trí nể anh ở cái khoản... lì. Khi nấp bụi bờ chờ động vật đến để ghi hình, nguyên tắc của Trí là không bôi hóa chất (như thuốc chống muỗi): “Động vật rất thính, chỉ cần nghe mùi lạ là chúng chuồn ngay” - Trí bật mí. Bên cạnh chụp ảnh, Trí còn mở các cuộc điều tra tập quán sinh sống của thú để đề ra phương án bảo tồn. Anh cho biết, phải lần theo dấu chân, dấu phân... để bám theo chúng.

Ngoài tìm hiểu động vật, Trí còn phải điều tra nhiều đường dây phá rừng, đánh bắt thú trái phép để đề ra giải pháp hạn chế. Anh chàng “nhậu” kém nhưng cũng phải trà trộn vào quán ven rừng giả bộ nâng ly, bật máy ghi âm để điều tra. Lần lọt vào xã miền núi ở một tỉnh miền Trung, Trí bị phát hiện, đành phải giả vờ không nghe, không thấy... mới thoát ra.

Ở rừng Bà Nà (Đà Nẵng), trong lúc đi điều tra loài thằn lằn chân ngón giả sọc, Trí suýt bị dân phá rừng đẩy xuống vực trong đêm tối. “Sau khi quen, dân phá rừng thú nhận, nếu đêm đó mình chỉ cần đưa máy ảnh lên chụp chòi của họ là bị đẩy xuống vực ngay” - Trí nhớ lại.

Chính vì đi, thấy tận mắt, Trí thấu hiểu: “Muốn quản lý tài nguyên rừng hiệu quả, cách tốt nhất là tạo điều kiện việc làm cho dân sống trong vùng đệm”.

Quảng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.