Lách quy định để dạy thêm

22/10/2008 22:23 GMT+7

Năm học mới diễn ra chưa đầy 2 tháng nhưng nhiều cha mẹ học sinh đã lo lắng vì con mình phải học quá nhiều.

Học sáng, học chiều

Một phụ huynh học sinh (PHHS) lớp 6 trường THCS Phan Tây Hồ (TP.HCM) kể: "Đầu năm học, cô hiệu trưởng có phổ biến trước toàn trường, do chương trình nhiều, thời gian không đủ nên buổi học chính khóa các em sẽ học lý thuyết, buổi chiều các em đi học thêm để làm bài tập. Tại lớp, cô giáo chủ nhiệm nói thêm: Việc học thêm vào buổi chiều đã được sự đồng ý của Sở GD-ĐT. Nếu PHHS nào không cho con em mình đi học phải chịu trách nhiệm về kết quả học tập của các em". Vậy nên khi được cô phát phiếu đăng ký học thêm 3 buổi chiều/tuần tại Cơ sở Bồi dưỡng văn hóa (BDVH) của trường thì cha mẹ nào cũng ký tên đồng ý cho con mình theo học. Điều mà vị phụ huynh này bức xúc là: "Bộ GD-ĐT đưa ra quy định tăng thời lượng năm học để giảm số tiết học hằng tuần, nhưng nhà trường vẫn than là không đủ thời gian. Vậy thì Bộ đã không nghiên cứu kỹ càng trước khi đưa ra quyết định này hay sao?".
Còn chị Th., PHHS trường THPT Trần Hưng Đạo thì lo lắng: "Ngoài học chính khóa buổi sáng, gia đình cũng được nhà trường phát đơn đăng ký cho con em mình học tại cơ sở BDVH vào buổi chiều, mỗi tuần 4 buổi, học phí 160.000 đồng/tháng. Trưa cháu phải ăn cơm bụi gần trường để kịp giờ học buổi chiều. Gia đình lo cho sức khỏe của cháu lắm".

Xử lý nghiêm khắc các cơ sở sai quy định

 
Ông Nguyễn Văn Cương (ảnh) - Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên - Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Ngay khi nộp hồ sơ xin cấp phép, các trường phải xây dựng kế hoạch cụ thể, trong đó có đăng ký mức học phí, tỷ lệ chi trả cho giáo viên nên Sở có thể quản lý được mức học phí của những cơ sở này, tránh việc tăng học phí một cách tùy tiện. Về nguyên tắc thực hiện, các cơ sở BDVH phải đảm bảo cho học sinh 3 yếu tố đó là tự chọn giáo viên, tự chọn thời gian học, tự chọn môn học và lớp học này không được xếp chung với thời khóa biểu chính khóa. Với mục đích bổ sung kiến thức cho học sinh và tạo thu nhập thêm cho giáo viên thì sự tồn tại của các cơ sở BDVH trong nhà trường là cần thiết. Tuy nhiên, Sở sẽ thường xuyên kiểm tra hoạt động của các cơ sở để đảm bảo quyền lợi cho học sinh, nếu nơi nào làm không theo đúng quy định, Sở sẽ có biện pháp xử lý nghiêm khắc. Trước đây đã có một số đơn vị bị kỷ luật vì không đảm bảo những nguyên tắc trên”.

Hải Dương

Ngoài ra, qua phản ánh của PHHS trường Tiểu học Bông Sao (Q.8), trong buổi họp PHHS đầu năm học, một cô giáo chủ nhiệm lớp 5 nói rằng chương trình nặng nên phải cho các cháu học thêm. Mỗi tuần các cháu học 3 buổi với học phí là 150.000 đồng/tháng. Nhưng vì trường này không có cơ sở BDVH nên cô giáo đã đưa học sinh về nhà để dạy. Đó là chưa kể có trường hợp hiệu trưởng ép học sinh phải đi học ngoài giờ, nếu không thì chuyển sang học trường khác!

Biến thể của dạy thêm

Theo quy định, các cơ sở BDVH phải đảm bảo cho học sinh được phép tự chọn giáo viên, thời gian học, môn học, chương trình giảng dạy phải có nội dung cụ thể... Thế nhưng theo phản ánh của PHHS thì đa số các cơ sở BDVH đều dạy tiếp theo các nội dung ở buổi học chính khóa hoặc cho học sinh làm bài tập nâng cao từ các kiến thức lý thuyết đã học trên lớp mà thôi. Đó là chưa kể việc các trường đã tìm cách lách quy định của Sở GD-ĐT bằng cách phát phiếu đăng ký học cho PHHS, vô hình trung có sự đồng thuận giữa nhà trường và gia đình. Một giáo viên dạy tại một trường THPT (Q.Bình Thạnh) cho rằng: "Thời lượng môn học có 3 tiết, trong đó 2 tiết lý thuyết, 1 tiết làm bài tập nhưng chỉ có 45 phút thì làm sao giáo viên có thể dạy cho các em hết các dạng bài tập nên các em phải học tiếp ở cơ sở BDVH do chính cô giáo mình đứng lớp. Thực chất đây là sự biến thể, núp bóng của dạy thêm, học thêm mà thôi".

Đề cập đến kế hoạch thanh tra, kiểm tra đầu năm học với Sở GD-ĐT TP.HCM, ông Nguyễn Văn Nam - Chánh thanh tra của Sở nói: "Những năm học trước, Sở GD-ĐT tiến hành thanh tra các trường học theo chuyên đề, chẳng hạn như tiền trường, dạy thêm học thêm nhưng năm nay sẽ thanh tra tất cả các mặt tại các trường nằm trong kế hoạch. Vì vậy nếu phát hiện chúng tôi sẽ xử lý kịp thời".

Được biết, năm học 2008-2009, Bộ GD-ĐT đã quy định tăng thời lượng thực học từ 35 tuần lên thành 37 tuần. Bên cạnh đó, khi triển khai nhiệm vụ năm học mới tại địa phương, Sở GD- ĐT TP.HCM đã có văn bản yêu cầu các quận, huyện, các trường học phải thực hiện theo đúng chương trình phổ thông. Ngoài việc khuyến khích các trường, nếu đủ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên thực hiện dạy 2 buổi/ngày, còn lại nghiêm cấm thực hiện tăng tiết, dạy thêm, học thêm ngoài quy định.

Bích Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.