Bài toán thay thế máy bay vận tải của Mỹ

11/10/2008 19:16 GMT+7

Do yêu cầu của tình hình mới, hiện Mỹ buộc phải thay thế nhiều loại máy bay vận tải quân sự cũ kỹ của mình. Nhưng thay thế như thế nào thì không phải là chuyện đơn giản.

Những kế hoạch thất bại

Vào các năm 1974 và 1979, Lầu Năm Góc đã ngừng chương trình thiết kế, sản xuất trực thăng và máy bay vận tải quân sự. Điều này dẫn đến hậu quả là hiện nay quân đội Mỹ rất thiếu các máy bay vận tải quân sự, có khả năng đảm nhiệm hiệu quả các nhiệm vụ ở hậu phương cũng như tham gia tác chiến vào các chiến dịch. Hiện để giải quyết tình thế, Lầu Năm Góc cho rằng, trong vòng từ 5 đến 7 năm tới, cần phải cải tiến loại trực thăng CH-47 Chinook và máy bay C-130 Hercules, vốn đã già nua. Tuy nhiên, tính năng kỹ thuật của hai loại máy bay nêu trên đều không đáp ứng với các yêu cầu cho việc chuyên chở các loại xe tăng và trọng pháo hiện đại ngày nay. Điều này khiến cơ quan quân sự Mỹ phải xem xét lại các chương trình thiết kế các máy bay vận tải hạng nặng đắt giá.

Vào cuối những năm 60 đầu những năm 70 thế kỷ trước, lãnh đạo không lực Mỹ trong khuôn khổ chương trình Advanced Medium STOL Transport (AMST) bắt đầu thiết kế máy bay vận tải hạng trung để thay thế loại C-130 Hercules. Một trong những yêu cầu với chiếc máy bay mới này là nó phải chở được 20 tấn hàng và có thể cất cánh hay hạ cánh trên các đường băng không dài hơn 630 mét. (C-130 Hercules chở 20 tấn hàng, cần đường băng 1.220 mét). 

Trong khuôn khổ chương trình AMST, các hãng Boeing và McDonnell Douglas đã thiết kế hai loại máy bay thử nghiệm mang mã số YC-14 và YC-15 để đáp ứng yêu cầu trên. Cả hai loại này đều có tính năng kỹ thuật tốt hơn so với C-130 Hercules, kể cả loại đã được nâng cấp. Nhưng do YC-14 và YC-15 lấy C-130 làm chuẩn ban đầu để thiết kế nên chúng không đáp ứng nhiều yêu cầu hiện đại khác. Vào năm 1979, chương trình AMST bị đình lại và thay thế nó là chương trình C-X, trong đó thừa kế và phát triển loại YC-5 để nhằm thiết kế loại vận tải quân sự C-17 Globemaster III có tính năng kỹ thuật cao hơn. 

Đối với loại trực thăng hạng nặng, vào những năm 70, Mỹ cũng toan tính thiết kế loại máy bay chở được 20 tấn hàng với tầm bay từ 40 đến 50 km. Vào năm 1971, trong khuôn khổ chương trình Heavy Lift Helicopter (HLH), Mỹ đã thiết kế chiếc XCH-62 thử nghiệm, nhưng đến năm 1974, do được cho là không hiệu quả nên HLH cũng bị hủy bỏ. Thất bại của cả hai chương trình AMST và HLH dẫn đến việc Lầu Năm Góc trong vòng hơn 30 năm buộc phải sử dụng các loại máy bay vận tải được sản xuất thời những năm 50 và lâu lâu phải nâng cấp chúng.  

Những bước đi mới


Máy bay C-130 trong một đợt tập huấn nhảy dù -Ảnh: AFP

Trong vòng 5-7 năm tới, Mỹ sẽ cải tiến hàng loạt những chiếc C-130 và CH-47 và đây là phương án khả thi nhất nhằm đáp ứng các yêu cầu trước mắt của không lực Mỹ. Cách đây không lâu, hãng Lockheed Martin đã giới thiệu loại C-130 Hercules cải tiến dưới mã hiệu XL trong khuôn khổ chương trình của Lầu Năm Góc. Và phía Mỹ dự tính đến khoảng những năm 2015 - 2020 thì toàn bộ máy bay vận tải chiến thuật Hercules và Chinook mới có thể được cải tiến xong và sẽ có thêm các loại máy bay mới với khả năng chuyên chở khí tài nhiều hơn. 

Theo báo cáo của Ủy ban Kỹ thuật Bộ Quốc phòng Mỹ, các loại máy bay cải tiến với các động cơ cánh quạt mới, sẽ có tốc độ bay nhanh hơn và khả năng chở hàng cũng nhiều hơn - đến 30 tấn. Cũng trong khoảng từ 10 - 15 năm nữa, loại máy bay đắt giá chở được 40 tấn hàng sẽ được thiết kế và sản xuất. Dự tính vào năm 2015, loại máy bay vận tải mới này sẽ được thử nghiệm và đến năm 2020 sẽ được biên chế vào quân đội Mỹ.

Hiện Mỹ cũng vạch ra kế hoạch sản xuất máy bay vận tải hạng nặng (Joint Heavy Lift - JHL) mà hợp đồng thiết kế, sản xuất đã được ký với các hãng Boeing và Bell, nhằm cho ra đời bốn kiểu loại với các tính năng khác nhau. Cần nhắc lại là vào tháng 5.2007, Mỹ đã kết thúc 18 tháng thử nghiệm các loại trực thăng mới do Boeing và hãng Sikorsky sản xuất, nhưng cả tốc độ, tầm bay, tải trọng đều không đạt yêu cầu. Trong tình thế đó, hãng Sikorsky đã phải quay lại với phương án thiết kế của mình trước đây là Variable-Diameter Tilt Rotor với 2 động cơ xoay. Điều khó khăn ở đây là theo kế hoạåch, đến cuối năm 2009, các chuyên gia Mỹ cần phải đưa ra chọn lựa cuối cùng đối với loại máy bay vận tải 4 động cơ xoay để tiếp tục tài trợ theo kế hoạch đặt mua các loại máy bay này từ 2010 - 2014.  

Theo tính toán, chương trình JHL cần phải cho ra đời các máy bay có tầm bay 3.900 km mà không cần tiếp xăng trên không và phải đảm bảo khối lượng khí tài chuyên chở từ 20 tấn - 26 tấn với tầm bay 460 km (đối với loại lên thẳng và hạ cánh thông thường) và 925 km (đường băng ngắn và hạ cánh thẳng). Đến nay, định dạng loại JHL đã được thông qua dưới tên gọi High Efficiency Tilt Rotor (HETR). Yêu cầu với loại máy bay này là phải giảm lực cản ở thân máy bay, trọng lượng và các hệ thống trong khoang cũng phải giảm, còn các động cơ cánh quạt phải là loại tân tiến nhất.  

Phương án khác 

Tuy nhiên, hiện vẫn còn hai vấn đề chính mà Mỹ chưa giải quyết được: Có cần phải lắp thêm chong chóng phụ để tăng thêm sự cân bằng của thân máy bay? Và nên sử dụng hai hay bốn động cơ? Sử dụng bốn động cơ thì sẽ an toàn hơn trong trường hợp nếu một động cơ bị hư hỏng. Còn nếu sử dụng hai động cơ thì buộc phải thiết kế loại động cơ cực kỳ tốt. Trong khuôn khổ dự án JHL cũng tính đến khả năng thiết kế hệ thống tự động chuyển các loại khí tài vào và ra khoang máy bay. Các chuyên gia cũng khẳng định HETR chưa phải là sự chọn lựa cuối cùng.

Ngoài JHL, Lầu Năm Góc hiện cũng đang thực hiện kế hoạch sản xuất máy bay vận tải tân tiến Advanced Joint Air Combat System (AJACS), với hai dự án chính: Máy bay phản lực vận tải tân tiến (ACCA) và Speed Agile. Với ACCA, dự tính đến năm 2020 sẽ có loại vận tải tính năng tương đương C-130, nhưng trần bay và tầm bay cũng như vận tốc đều vượt trội. Với Speed Agile đó sẽ là máy bay thích hợp với loại đường băng 600 mét, đạt gần tốc độ siêu thanh và chở được 30 tấn hàng. Nó cũng có hệ thống chống các tên lửa tự động của đối phương và có thể lạng lách khá uyển chuyển. 

Để tiếp tục thực hiện dự án JHL và AJACS, vào cuối năm nay, lãnh đạo quân đội và không lực Mỹ phải trình các báo cáo đề nghị của mình cho hội đồng liên minh các lực lượng (JROC) để xem xét thông qua. Và nếu thuận lợi thì khoảng năm 2015 các loại máy bay này sẽ xuất hiện. 

Tựu trung, các chương trình hiện Mỹ đang theo đuổi, dù là loại máy bay vận tải nào, thì chúng cũng đều phải đáp ứng được các tiêu chí cơ bản về trọng lượng, tầm bay, tốc độ, trần bay... một cách tối ưu nhất. Trong đó, các chuyên gia quân sự của Lầu Năm Góc cho rằng vận tốc của các máy bay vận tải là quan trọng nhất, giúp nâng cao tính hiệu quả, tiết kiệm thời gian và đảm bảo an toàn trong với các nhiệm vụ tác chiến. Bên cạnh đó, yếu tố vận tốc cũng sẽ giúp quân đội Mỹ giảm được số lượng máy bay vận tải trong cơ cấu quân đội của mình.   

Hoàng Hoài Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.