Hơn 1.000 SV sẽ bị buộc thôi học!

09/10/2008 22:45 GMT+7

Dù điểm trung bình cộng cuối năm học là 5,4 nhưng sinh viên (SV) vẫn sẽ bị... buộc thôi học. Đó là chuyện xảy ra đối với hơn 1.000 SV của ĐH Đà Nẵng, khiến cho nhà trường và SV không khỏi lo âu.

Cách tính điểm mới: Rộng mà hẹp!

Theo trình bày của một SV khoa Cơ khí ĐH Bách khoa, ở học kỳ II năm học 2007-2008, SV này đăng ký học 6 môn theo quy chế tín chỉ (TC), trong đó 4 TC Triết học; 3 TC Giải tích 2; 2 TC Ngoại ngữ 2, 2 TC Vật lý 1, 3 TC Xác suất thống kê, 1 TC Vẽ kỹ thuật 1. Kết quả, trung bình cộng điểm tích lũy các môn là: Triết học: 5,4; Giải tích 2: 5,4; Ngoại ngữ 2: 5; Vật lý 1: 5,4; Xác suất thống kê: 5,4; Vẽ kỹ thuật 1: 3,9. Nếu nhân chia theo "thang điểm 10" trước đây, điểm trung bình cộng của SV này sẽ là 5,24.

Với số điểm trung bình đó, SV này hoàn toàn yên tâm mình đã hoàn thành chương trình học. Nhưng, với cách tính theo quy chế TC mới hiện nay, SV này cùng với hơn 1.000 SV khác của ĐH Bách khoa Đà Nẵng lại nằm trong diện bị buộc thôi học vĩnh viễn.    

 

Cách tính điểm và cách quy đổi theo Quy chế 43 - Ảnh: D.H

Sự việc tréo ngoe trên xuất phát từ Quy chế 43/2007/QĐ-BG-ĐT về "Đào tạo ĐH và CĐ hệ chính quy theo hệ thống TC". Đó là do sự khác biệt trong cách tính điểm của quy chế TC, trong khi các giảng viên và SV vẫn chưa kịp thích nghi.

Tâm lý SV vẫn dựa trên nguyên tắc tính điểm của "thang điểm 10", nên khi điểm tổng cộng trên 5,0 thì yên tâm cho rằng mình đã "qua" môn. Còn đối với giảng viên, vẫn đánh giá trình độ học vấn của SV ở thang điểm bình quân theo "thang điểm 10", mà không dựa theo "thang điểm 4" nên trong quá trình cho điểm, cũng dừng lại ở mức điểm 5 cho SV và cho rằng đó là điểm đạt.

PGS-TS Trần Văn Nam - Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng cho biết, con số SV ở trong diện buộc phải rời trường của 2 niên khóa 2006-2007 và 2007-2008 là 1.017 SV. Trong số đó, chỉ có 150 SV là trong diện lười biếng, bỏ học; số còn lại hoàn toàn xuất phát từ cách tính điểm theo quy chế TC, nên nhiều em, dù có điểm số cao, nhưng chỉ cần vướng phải 1 môn có nhiều TC thì cũng bị buộc thôi học.

Và sở dĩ, con số bị buộc thôi học theo quy chế TC này đa số "rơi" vào ĐH Bách khoa, là do tính chất ngành nghề, các môn học chủ yếu là kỹ thuật, nên thang điểm đã có tính chất giới hạn sẵn, cũng là cái khó cho cả SV lẫn giảng viên trong việc đào tạo.

"Giải" bằng cách nào?

Việc áp dụng đào tạo theo quy chế TC, được áp dụng ở ĐH Đà Nẵng từ năm 2006, nhưng vì chưa có quy định cụ thể từ Bộ GD-ĐT nên cách tính điểm ban đầu vẫn được áp dụng theo niên chế. Đến tháng 9.2008 thì Quy chế 43 mới chính thức được áp dụng, và cũng chính từ đó, vấn đề nảy sinh. Việc ĐH Đà Nẵng áp dụng cách thức đào tạo TC ngay khi Quy chế 43 chưa ban hành cũng là rất bất cập, vì đội ngũ giảng viên cũng như SV chưa được phổ biến thấu đáo quy chế này.

Trên thực tế, trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng là trường mà đầu vào chất lượng rất cao, điểm trúng tuyển của trường thường cao hơn các trường thành viên khác của ĐH Đà Nẵng. Thêm nữa, ông Nam cũng nhìn nhận, trong 2 năm học áp dụng quy chế TC vừa qua, điểm kết thúc môn học của SV theo thống kê cũng vượt so với đào tạo niên chế. Do đó việc 863 SV học lực không kém, nhưng bị ở trong diện buộc thôi học rõ ràng là bất ổn. Theo đào tạo niên chế, nếu không đủ điểm, thì SV có thể được thi lại, nhưng theo quy chế đào tạo TC của ĐH Đà Nẵng thì hoàn toàn không được thi lại.

Chính vì vậy, nhà trường đã xin ý kiến chỉ đạo của Bộ và linh động giải quyết bằng cách, sau khi xác định những em SV không có trình độ, học lực, thường xuyên bỏ học thì làm quyết định buộc thôi học vĩnh viễn. Các SV còn lại, trường tạo điều kiện bằng cách cho SV tiếp tục học ở học kỳ I năm học 2008 - 2009, và không cho SV đăng ký TC các môn học mới mà đăng ký trở lại những môn học cũ để khắc phục điểm số.

Cùng với cách giải quyết trên, nhà trường cũng khuyến cáo SV lưu ý về thái độ học tập cũng như việc đăng ký TC học tập cần theo năng lực. Một khi đã đăng ký TC môn học nào thì phải hoàn thành tốt, nếu không sẽ rơi vào tình trạng buộc thôi học theo đúng quy định của Quy chế 43. Còn đối với giảng viên, ĐH Đà Nẵng sẽ thường xuyên tổ chức những buổi hội thảo đề cập đến vấn đề điểm số, để không đẩy SV vào tình trạng bị buộc thôi học vì cách đánh giá trình độ theo "thang điểm 10" như trước đây.

Được biết, không riêng ĐH Đà Nẵng gặp tình trạng này khi áp dụng Quy chế 43, một số trường ĐH khác áp dụng hình thức đào tạo TC ở Việt Nam cũng "lâm" vào tình cảnh này. Thế nên cần nhìn nhận rằng, cách thức đào tạo của Quy chế 43 vẫn còn một số bất cập.

Diệu Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.