Thu hoạch... nợ từ cây ca cao

23/08/2008 11:18 GMT+7

Nông dân ở huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk đang dở khóc dở cười với cảnh nợ nần do cây ca cao năng suất quá kém.

1 ha thu 1 triệu đồng

Từ năm 2002, hơn 200 hộ dân ở thôn Ea Tung, xã Ea Na, H.Krông Ana nhận khoán vườn cà phê của Công ty cà phê - ca cao Krông Ana phải chuyển sang trồng 241 ha ca cao theo một dự án do doanh nghiệp này đầu tư.

Theo hợp đồng ký kết, công ty đầu tư các chi phí vật tư, giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, nông dân lo chăm sóc, thu hoạch. Kể từ năm thứ 3, sản phẩm hạt ca cao thu được sẽ ăn chia theo tỷ lệ 60-40 (doanh nghiệp hưởng 60%, người nhận khoán 40%). Những năm đầu, mô hình cây ca cao được xem là điển hình thành công trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Đắk Lắk. Thế nhưng chỉ có người nông dân ở đây mới cảm nhận hết những "đau khổ" của việc chuyển đổi này.

Ông Nguyễn Hữu Duynh ở thôn Ea Tung dẫn chúng tôi ra vườn ca cao xanh tốt, giọng bức xúc: "Ca cao trông thì mát mắt vậy nhưng năng suất thảm hại lắm, cây có trái rất ít hoặc nếu có trái thì bị sâu bệnh nên ít hạt". Ông Duynh trồng 1,1 ha ca cao nhưng đã 3 năm bước vào thời kỳ kinh doanh, vườn cây cho thu hoạch cao nhất chỉ hơn 2 tạ hạt/vụ. Với giá bán từ 40.000 - 45.000 đồng/kg, cả vườn ca cao hơn 1 ha của ông Duynh mỗi năm chỉ đem lại thu nhập chưa đến 1 triệu đồng.

Nhiều hộ ở thôn Ea Tung cũng lâm vào cảnh khốn đốn như ông Duynh, nhất là những hộ nhận khoán trồng ca cao với diện tích lớn, từ 2-3 ha, như ông Phạm Ngọc Hải, Trần Đức Thí, Nguyễn Đức Dũng..., bởi nhận trồng càng nhiều ca cao thì số nợ càng lớn. Ông Nguyễn Đức Dũng than thở: "Giờ đây gia đình nào trồng ca cao cũng đều là con nợ, không ai sống được bằng ca cao cả mà phải đi

Theo tính toán ban đầu, một ha ca cao kinh doanh với năng suất bình quân 3 tấn hạt, thế nhưng hiện năng suất vườn cây của Công ty Cà phê - ca cao Krông Ana bình quân chỉ đạt 4 tạ hạt/ha 

làm thuê, làm mướn với đủ thứ nghề".

Đâu là nguyên nhân?

Ông Triệu Quốc Trung, Phó giám đốc Công ty cà phê - ca cao Krông Ana, cho biết: công ty đã vay nợ các tổ chức tín dụng hơn 9 tỉ đồng và cùng với vốn của đơn vị tổng cộng 13 tỉ đồng đổ vào dự án 241 ha ca cao này nhưng đến nay chưa thu lại đồng nào. Tính đến nay, bình quân mỗi ha ca cao được đầu tư 56 triệu đồng, đây là số nợ của người trồng ca cao. 
 
Ông Trung nói: "Trước khi triển khai dự án, công ty chưa thực hiện mô hình khảo nghiệm nào nhưng đã nhận được sự đánh giá khả quan của các chuyên gia nông học về việc phát triển ca cao ở vùng này. Nguyên nhân ca cao năng suất thấp là do thời tiết và sâu bệnh, đặc biệt là loại bọ xít muỗi hại trái".

Tuy nhiên, qua trao đổi với ông Nguyễn Văn Sinh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk, vườn ca cao năng suất thấp "dưới mức tưởng tượng" của Công ty cà phê - ca cao Krông Ana là do những nguyên nhân thiếu hiểu biết về kỹ thuật canh tác. Ông Sinh nhận xét: "Việc chuyển sang trồng ca cao cách đây 6 năm là nỗ lực đáng khuyến khích của doanh nghiệp này nhưng về kỹ thuật có những hạn chế. Trước hết là nguồn giống ca cao mua từ Quảng Ngãi chủ yếu là giống thực sinh, năng suất thấp, kháng sâu bệnh kém. Vườn ca cao lại thiếu cây chắn gió và cây che bóng, ảnh hưởng đến sinh trưởng và tỷ lệ đậu quả của cây. Hơn nữa, qua khảo sát, mức đầu tư chăm sóc ca cao ở đây chưa cao, chưa đủ yêu cầu".

Theo ông Sinh, vườn ca cao này chỉ có thể được khắc phục bằng cách cưa đốn, ghép lại cây mới với giống tốt, nhưng như thế mất thêm 3 năm đầu tư nữa. 

Trần Ngọc Quyền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.