Hát opera bằng... pop!

26/06/2008 23:23 GMT+7

Sau mỹ thuật đương đại, âm nhạc đương đại..., công chúng Việt Nam sẽ được đón nhận một loại hình nghệ thuật đương đại nữa: Blog Opera. Thanh Niên đã trao đổi với NSƯT Phạm Anh Phương, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, đơn vị sẽ tham gia vào vở opera đặc biệt này.

* Thế nào là Blog Opera và ai là chủ nhân của ý tưởng táo bạo này?

- Về mặt hình thức, Blog Opera vẫn là một vở opera: có hát, có múa, có hành động sân khấu; nhưng được dàn dựng theo phong cách mới: hát pop, âm nhạc có thể do các em học sinh viết (các chuyên gia chỉ làm nhiệm vụ sắp xếp lại, phát triển lên), câu chuyện là câu chuyện đương đại. Gọi là Blog Opera vì câu chuyện đương đại ấy được hình thành từ ý tưởng của các blogger. Chúng tôi tung một chủ đề lên mạng, các blogger sáng tác (mỗi bài khoảng 100 - 200 chữ) và ban thẩm định sẽ lọc ra những ý tưởng độc đáo nhất, phóng tác thành một câu chuyện. Tại Thụy Điển, Nhà hát Norrland Opera đã làm khá nhiều những vở opera kiểu này và rất thành công. Chúng tôi có xem các bộ phim giới thiệu về Blog Opera của phía bạn, phải nói là khá dễ chịu. Mục đích của Blog Opera không phải là bình dân hóa nghệ thuật mà là tạo cơ hội cho khán giả được đóng góp vào quá trình xây dựng vở. Từ đấy, kích thích họ đến với nghệ thuật opera. Blog Opera là ý tưởng chung của tất cả các đối tác tham gia dự án phát triển nghệ thuật Việt Nam do Thụy Điển tài trợ. Nhưng năm ngoái, chúng tôi họp lại và bỗng nảy sinh mong muốn được cùng góp mặt trong một dự án. Thế là Blog Opera đến Việt Nam.


NSƯT Phạm Anh Phương - Ảnh: Ngọc Thắng

* Ông có nghĩ, khán giả Thụy Điển cũng như khán giả châu u nói chung có thể dễ dàng đón nhận một vở opera-phá cách, nhưng ở Việt Nam, nó sẽ gây ra một cú sốc?

- Hiện ở Thụy Điển và châu u, để đáp ứng nhu cầu của khán giả, người ta vẫn dựng lại những vở opera kinh điển. Nhưng bên cạnh đấy, họ vẫn công diễn những vở opera được dàn dựng theo phong cách mới, tạm gọi là opera đương đại. Nó có thể hay, hoặc chưa hay, nhưng nó phản ánh một giai đoạn phát triển của nghệ thuật opera, và nó hợp với quy luật phát triển của cuộc sống. Ở Việt Nam, từ chỗ không có nghệ thuật đương đại, đến nay, chúng ta đã có múa, âm nhạc, mỹ thuật đương đại... và sẽ còn có nhiều loại hình nghệ thuật đương đại nữa. Khi Blog Opera ra mắt, sẽ có cả lời khen lẫn tiếng chê. Giữa cái kinh điển và cái đương đại bao giờ cũng có những cuộc đấu tranh trước khi đạt được sự thỏa hiệp.

Các đối tác đã thống nhất chọn đề tài Giấc mơ và hiện thực cho vở Blog Opera đầu tiên của Việt Nam. Từ khi đưa lên mạng (1.6.2008) đến nay, ban tổ chức đã nhận được hàng trăm bài viết hưởng ứng của các blogger Việt Nam. Cùng lúc, phía Thụy Điển cũng đưa chủ đề này lên mạng để các blogger Thuỵ Điển sáng tác. Hết tháng 7 năm nay, ban thẩm định bắt đầu sàng lọc ý tưởng. Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ đã đồng ý "cầm chịch" công đoạn phóng tác ý tưởng thành kịch bản văn học. Tháng 5.2009, Giấc mơ và hiện thực sẽ ra mắt công chúng.

* Theo ông, những dự án kiểu này sẽ giúp ích gì cho sự phát triển của nghệ thuật opera tại Việt Nam vốn luôn thiếu vắng khán giả, ngoài việc phô bày với thế giới rằng, chúng tôi đã có... opera đương đại?

- Hiện nay, xu hướng chung của thế giới là dàn dựng các vở opera theo phong cách mới, kể cả opera kinh điển. Thậm chí họ còn phóng tác dựa trên cốt truyện, và cho rằng, đấy là cách hợp lý để vừa duy trì, vừa phát triển nghệ thuật opera. Việt Nam cũng không thể đi chệch khỏi xu hướng ấy. Nếu không có sự hỗ trợ của phía bạn, chúng ta sẽ khó thực hiện được các dự án nghệ thuật đương đại vì mỗi vở cần đầu tư cả tỉ đồng. Đừng vội tính toán, với cả tỉ đồng như thế, chúng tôi diễn được bao nhiêu buổi. Hiệu quả của dự án này phải qua một quá trình mới cảm nhận được, chứ không phải tôi bỏ ra 1 tỉ đồng là tôi thu về 1 tỉ đồng ngay. Opera Việt Nam vốn thưa vắng khách. Nhưng biết đâu, khán giả Việt Nam lại thích thú với Blog Opera, vì nó tương đối dễ xem. Chúng tôi dự định sẽ lên một chiến lược marketing phong phú để "kích động" trí tò mò của khán giả như lập website, nhờ các đại sứ văn hóa (Thanh Lam, Mỹ Linh...) quảng bá, in tờ rơi, lô-gô, áo phông, mũ, làm phóng sự ngắn phát trên truyền hình và thậm chí cả diễu hành trên đường phố...

Hương Lan (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.