Kết quả thi THPT không mặc nhiên là kết quả thi vào ĐH-CĐ

20/06/2008 23:03 GMT+7

* Công bố tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn quốc Ngày 20.6, Bộ GD-ĐT đã chính thức công bố tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) của toàn quốc. Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã trả lời phỏng vấn của báo giới xung quanh kết quả kỳ thi năm nay và việc đổi mới trong kỳ thi năm sau.

* Ông đánh giá như thế nào về kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay?

- Năm nay tỷ lệ tốt nghiệp THPT trên toàn quốc đạt 75,96%, so với năm 2007 tăng hơn 9%. Năm 2007 là năm đầu tiên thực hiện việc thi thực chất và không đặt vấn đề chỉ tiêu nên kết quả chỉ đạt 66,2%. Sau đó, những tỉnh có kết quả thấp đã có ngay nghị quyết về vấn đề giáo dục, quan tâm đến giáo dục hơn. Bộ cũng quyết liệt trong công tác chỉ đạo bồi dưỡng học sinh yếu kém nên sau 1 năm tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tăng lên được hơn 9%, như vậy là phù hợp. Sự tiến bộ này là tương đối hợp lý: đa số các tỉnh đều tăng từ 5-10%; một số địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp THPT giảm nhưng không nhiều như: TP.HCM, Tiền Giang...; một số tỉnh thì hầu như không thay đổi như: Ninh Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế... Năm trước, có 12 địa phương đạt tỷ lệ đỗ dưới 50%, năm nay chỉ còn 2 tỉnh là Cao Bằng và Bắc Kạn.


Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân

Đáng lưu ý là tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp khá, giỏi của toàn quốc đạt 11,46%, tăng chưa đến 1% so với năm trước. Tỷ lệ này là thấp so với tỷ lệ học sinh tốt nghiệp. Điều đó cho thấy đây là kết quả tương đối thực chất. Đồng thời cũng thể hiện rõ việc đề thi đã phân loại được học sinh. Tuy nhiên, tỷ lệ khá giỏi không đồng đều ở các địa phương. Có địa phương đạt trên 25% như TP.HCM và một số thành phố khác, nhưng ở những vùng khó khăn thì tỷ lệ khá giỏi chỉ đạt 4-5%. Như vậy cho thấy cần phải tiếp tục quan tâm đến giáo dục ở những vùng khó khăn.

* Thưa ông, năm nay có một số địa phương tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tăng đột biến. Dư luận cho rằng đây là một kết quả không bình thường và có yếu tố tiêu cực. Vậy ý kiến của Bộ thế nào?

- Kết quả thi tốt nghiệp THPT như thế nào là trách nhiệm của các địa phương. Việc tăng như thế nào thì phải tìm hiểu xem địa phương đó đã làm gì. Bộ không đặt vấn đề tỷ lệ đó là hợp lý hay phi lý mà chỉ yêu cầu họ phải giải thích được vì sao tăng. Bộ đã trao đổi với những địa phương này để tìm hiểu về các biện pháp làm tăng tỷ lệ tốt nghiệp chứ không phê phán họ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những kết quả và những đánh giá ban đầu. Từ nay đến khi tổng kết năm học (31.7), Bộ còn tiếp tục phân tích các số liệu và sẽ có đánh giá đầy đủ hơn.

"Bộ không dùng khái niệm "2 trong 1" như quan niệm của một số người, nghĩa là đây không phải là việc ghép hai kỳ thi làm một mà chỉ là một kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc để các trường lấy kết quả làm căn cứ xét tuyển vào ĐH - CĐ" - Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân

* Thưa ông, Bộ đã quyết định như thế nào về kỳ thi tốt nghiệp THPT sang năm? Liệu việc gộp hai kỳ thi làm một (thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ) có được thực hiện ngay vào năm sau?

- Bộ đã có đề án về việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào ĐH - CĐ. Hiện nay, đề án đang được đưa ra để lấy ý kiến của các Sở GD-ĐT và các trường ĐH, CĐ, TCCN để xem còn điều gì băn khoăn không. Việc quyết định kỳ thi sang năm như thế nào, Bộ còn đang chờ việc tập hợp các ý kiến đóng góp để hoàn thiện đề án và dự kiến sẽ kết thúc trong 10 ngày nữa để trình Chính phủ. Việc trình này cũng là để Chính phủ biết, còn việc tổ chức như thế nào là do Bộ GD-ĐT quyết định. Lịch trình (về việc năm 2009 sẽ tổ chức một kỳ thi) đã được Chính phủ duyệt từ 4 năm trước. Vấn đề là chúng ta sẽ thực hiện như thế nào? Cần biết rằng 90% các nước trên thế giới không tổ chức 2 kỳ thi mà chỉ tổ chức 1 kỳ thi. Việc chúng ta chọn tổ chức 1 kỳ thi là điều bình thường. Kết quả thi phổ thông không mặc nhiên là kết quả thi vào ĐH - CĐ.

                                      Vũ Thơ  (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.