Lớp học đặc biệt

23/05/2008 01:27 GMT+7

Trong ngôi nhà mái lá ở xóm chài ven dòng sông Chu (thôn Quyết Thắng, xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) có một người đàn ông bị bại liệt nhưng vẫn âm thầm dạy chữ cho trẻ em nghèo.

Tuổi thơ bất hạnh

Đó là anh Nguyễn Trung Nghĩa, mà người dân quanh vùng quen gọi một cách trìu mến là "thầy Nghĩa". Sinh ra tại xã Xuân Bái, tuổi thơ của thầy Nguyễn Trung Nghĩa là những năm tháng đói rét và thiếu thốn đủ đường. Ngoài giờ học cậu  bé Nghĩa phải theo mẹ đi mót sắn, khoai, đào củ mài về độn với cơm ăn, lúc lại ra sông lặn hụp kiếm con cua, con cá bán lấy tiền mua gạo.

Hồi ấy, trẻ trong làng học lên cấp 2 thuộc diện hiếm và Nghĩa là một trong những học sinh ấy. Anh mong muốn được học hết cấp 3 rồi làm cán bộ lâm nghiệp, theo nghiệp cha. Nhưng đang học cấp 2, anh mắc phải căn bệnh quái ác: các khớp xương bị sưng lên nhức nhối, da thịt lúc thì đỏ ửng, lúc lại thâm tím đau nhức ngày đêm không sao cử động được.

Hơn chục năm trời với những cơn đau hành hạ, bố mẹ Nghĩa nuốt nước mắt âm thầm chạy chữa cho con. Ở đâu, bất kỳ xa hay gần, hễ nghe ai nói có thầy thuốc giỏi là họ lại tìm cho bằng được. Thế nhưng căn bệnh vẫn không thuyên giảm mà còn nặng hơn. Cho đến năm 1980, anh  kiên quyết không chịu chữa trị nữa mà chấp nhận số phận nghiệt ngã giáng xuống cuộc đời mình. Căn bệnh hiểm nghèo đã khiến Nghĩa không còn đi lại được bình thường, không còn được chơi đùa cùng chúng bạn nữa, việc học tập cũng vì thế mà đành bỏ dở, anh phải bó chặt đời mình với giường bệnh.

Vượt lên số phận

Cuộc sống của Nghĩa từ đó gắn với cái giường, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải có người phục vụ. Từ khi bố Nghĩa mất, toàn bộ gánh nặng chăm sóc cho đứa con tật nguyền đặt lên vai mẹ khi bà đã hơn 80 tuổi.

Nhưng là một thanh niên giàu nghị lực, Nghĩa quyết tâm phải làm một việc gì đó để không phụ công sinh thành của bố mẹ. Với những kiến thức đã học được, anh gọi những đứa cháu trong gia đình đến để kèm cặp vừa để giải khuây, vừa giúp bố mẹ các cháu yên tâm lao động sản xuất. Nhưng rồi nhìn cảnh nhiều đứa trẻ không được đến lớp, phần vì trường quá xa, phần vì không có tiền đóng học phí cứ đến vây quanh xem "thầy Nghĩa" dạy học nên anh dạy kèm luôn cho chúng. Những đứa trẻ được anh dạy dỗ không chỉ đọc thông viết thạo mà còn rất ngoan và học giỏi. Nhiều cháu trước đó là học sinh yếu kém trong trường, sau thời gian hè được thầy Nghĩa kèm cặp đã trở thành học sinh khá. Tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình ở các xã lân cận cũng dẫn con tới nhờ thầy Nghĩa dạy. Lớp học của thầy Nghĩa lúc này cũng lên tới 30 - 35 em.

Nằm một chỗ, thầy Nghĩa đã dùng một chiếc que tre dài rồi nhổm người lên để chỉ dạy cho học trò. Lúc nào mỏi người quá thầy lại trở mình rồi quan sát các học trò của mình qua một chiếc gương nhỏ. Khó khăn, bệnh tật là thế nhưng thầy Nghĩa cũng không lấy tiền của những học sinh nghèo. Các em có gia đình thu nhập bình thường thì học phí cũng là chuyện tùy tâm mà trả. Người cao thì 10 - 20.000 đồng/trẻ/tháng, có người thì mang biếu thầy con cua, con ốc, rổ măng rừng... thậm chí chẳng có gì thầy cũng vui lòng dạy cho con em họ.

Gần 30 năm dạy chữ cho trẻ em nghèo, những học sinh đầu tiên của thầy Nghĩa giờ cũng đã trưởng thành, có gia đình và con cái. Rồi con cái họ lại ngày ngày đến nhà thầy Nghĩa học chữ. Hàng trăm học sinh, có những người giờ đã thành đạt công tác ở nhiều nơi khác nhau, vào những ngày lễ tết hay có dịp về quê chơi họ lại tìm đến thầy để hỏi thăm sức khỏe, chúc mừng và sẻ chia, động viên thầy.

Thương mẹ già tuổi cao, sức yếu mà vẫn phải lọ mọ chăm sóc cho mình, Nghĩa dùng những chiếc sào tre mà khi nằm một chỗ vẫn có thể mắc được dây mùng, đẩy liếp cửa, dạy học... Từ trên giường, thầy rướn người xuống nền nhà nhóm lửa nấu cơm. Học trò thương thầy nên học hành rất chăm ngoan và vâng lời. Những giờ rảnh rỗi, chúng lại quay quần quanh giường để được nghe thầy kể chuyện, giúp thầy thổi cơm, quét nhà.

Bên dòng sông Chu, trong ngôi nhà tranh nghèo nền đất, hằng ngày vẫn vang lên tiếng trẻ ê a học bài dưới sự chỉ dạy ân cần của người thầy giáo tật nguyền. Và rồi, cuộc sống cứ tiếp diễn, các em sẽ lớn lên, một thế hệ học sinh khác lại đến với thầy để được thầy chỉ dạy...

Trình Lan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.