Lê Quảng Hà và Những khuôn mặt biến dạng

28/04/2008 23:47 GMT+7

Từ 26.4 - 18.5, Lê Quảng Hà, một gương mặt độc đáo của mỹ thuật đương đại Việt Nam, có cuộc triển lãm Những khuôn mặt biến dạng tại gallery Thavibu (Bangkok, Thái Lan).

* Tại sao gallery Thavibu chọn tranh của anh cho cuộc triển lãm này?

Thật khó để tự nhận xét về tranh mình. Nhưng theo những thông tin mà bạn bè đưa lại, có lẽ Thavibu không muốn gallery của họ chỉ treo toàn tranh "kiểu souvenir" (lưu niệm).

* Thực tế đã có một số gallery chọn tranh của họa sĩ Việt Nam không hẳn vì chất lượng nghệ thuật thực sự xuất sắc, mà vì những lý do a, b, c nằm ngoài nghệ thuật. Anh nghĩ sao ?

Theo tôi, đã mở triển lãm thì gallery nào cũng nhắm đến họa sĩ có tiềm năng. Triển lãm của họa sĩ Việt Nam ở nước ngoài chưa gây được tiếng vang có thể vì ngôn ngữ thị giác chưa đủ sức nặng. Nhưng với cá nhân tôi, làm triển lãm trong nước hay nước ngoài cũng đều có giá trị ngang nhau. Thậm chí, tôi còn vui hơn khi được làm triển lãm trong nước. Với tôi, nổi tiếng hay không nổi tiếng, điều đó không quan trọng. Quan trọng là cách nhận thức về nghề, và phải có đủ sự ngạo mạn để sáng tác không phải vì mục đích được người khác khen ngợi, chấp nhận. Nếu tôi sáng tạo vì sự chấp nhận của người khác, tôi chỉ giống như một con rối. Tôi chỉ có một cuộc đời để sống, vì thế, tôi không muốn sống hộ người khác, nói hộ người khác, chiều lòng người khác, mà chỉ muốn sống cuộc sống của chính tôi, nói những điều chính tôi cảm nhận. Vì vậy, nếu không được đánh giá cao, tôi cũng chẳng phiền lòng. Thậm chí, tôi cũng không cần sự đồng cảm.

Tranh của Lê Quảng Hà

* Nhưng nghệ thuật thì cần sự đồng cảm...

Những sáng tác của tôi đều xuất phát từ trái tim. Tôi tin rằng những gì xuất phát từ trái tim sẽ có sức lay động, cảm thấu những trái tim khác. Có thể mọi người cho suy nghĩ đó là phù phiếm, là không hợp thời, nhất là trong thời kinh tế thị trường hiện nay. Song tôi vẫn tin vào tính nhân văn, vào sự hướng thiện ở phần sâu thẳm nhất của mỗi con người.

* Đối với anh, vẽ được hiểu như một trải nghiệm xã hội có chức năng phê phán?

Khi vẽ, tôi không nghĩ đến các trường phái. Nghệ thuật, với tôi, là cái gì đó rất riêng tư, không phải là một thứ "mốt". Mỗi lần vẽ là mỗi lần tôi có cảm giác đang lột từng lớp da, từng thớ thịt của mình ra vậy. Tôi cũng không có dụng ý phê phán xã hội như nhiều nhà phê bình nhìn nhận về tác phẩm của tôi. Tôi chỉ là người quan sát và quan sát không vô cảm, vậåy thôi. Và tôi thể hiện lại trên toan những điều mình đã quan sát một cách không giấu giếm, không dè dặt, không che đậy, không nhìn trước ngó sau.

* Nhưng cái nội dung xã hội đó đã được anh cường điệu hóa đến mức khiến người ta có cảm giác ghê rợn?

Đơn giản, tôi chỉ đặt sự thật cuộc sống lên giá vẽ. Nhưng chúng ta phải hiểu rằng sự thật cuộc sống và sự thật trong sáng tạo nghệ thuật khác nhau ở chỗ: trong nghệ thuật, nghệ sĩ có quyền sử dụng những hình ảnh mạnh mẽ hơn, rõ ràng hơn, gay gắt hơn so với những hình ảnh mà người ta chỉ mơ hồ cảm thấy ngoài đời. Nếu những nhân vật kỳ hình dị tướng của tôi mà có thật ngoài đời, có lẽ tôi sẽ... chết ngất đi mất. Nhưng trong nghệ thuật, sự thật đó hoàn toàn chấp nhận được vì người nghệ sĩ có toàn quyền định đoạt số phận tác phẩm của họ. 

* Bấy nay anh vẫn vẽ cùng một kiểu, không sợ nhàm chán sao?

Tôi không phải tắc kè hoa. Tôi không vẽ theo kích cỡ của người khác. Tôi chỉ có thể nói bằng giọng của chính tôi. Điều quan trọng nhất với tôi là sự trung thực với chính mình.

Y Nguyên (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.