“Giải mã” Phạm Xuân Ẩn

28/04/2008 01:13 GMT+7

Kỳ cuối: Di sản Ông quang minh chính đại và tận tình tận nghĩa với bạn bè, dù họ là đồng đội hay trong hàng ngũ đối phương. Ông bảo ông không bao giờ ân hận những gì mình đã làm, nghĩa là ông không có ảo tưởng làm vừa lòng tất cả.

Trong thời kỳ từ 1973 đến kết thúc chiến tranh, bên cạnh các lưới tình báo khác, Phạm Xuân Ẩn vẫn cung cấp những tin tức chiến lược quan trọng. Sau khi ký Hiệp định Paris, trên chiến trường có xu hướng cả tin, rằng đối phương thi hành hiệp định, nên mất cảnh giác để địch lấn chiếm nhiều nơi. Trong báo cáo về trên, Phạm Xuân Ẩn khẳng định dứt khoát rằng đối phương không thi hành hiệp định, kèm theo nhận định đó là các kế hoạch quân sự tấn công vùng giải phóng mang tên Kế hoạch Lý Thường Kiệt 73, 74 và 75. Các kế hoạch này đều được Mỹ tán thành thông qua cơ quan DAO (Defence Attache Office). Tiếp đó, ông cung cấp nhiều tài liệu quan trọng:

+ Tài liệu cải tổ quân đội Sài Gòn.

+ Kế hoạch bình định dài hạn.

+ Kế hoạch "hậu chiến phát triển trường kỳ" của Vũ Quốc Thúc - David Lilienthal

+ Kế hoạch bảo vệ Sài Gòn. Kế hoạch này được Nguyễn Văn Thiệu bàn với Đặc ủy trưởng Trung ương tình báo Nguyễn Khắc Bình và Tư lệnh biệt khu thủ đô kiêm Tổng trấn Sài Gòn - Gia Định Nguyễn Văn Minh cùng một số tướng thân tín ở Bộ Tổng tham mưu. Thời gian này Nguyễn Văn Thiệu không muốn các đơn vị quân đội tập trung nhiều ở Sài Gòn vì sợ đảo chính, nên đây thực chất là kế hoạch chống đảo chính nhiều hơn là đối phó với sự tấn công của quân giải phóng.

+ Tin về việc Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn đã lấy được tài liệu về quyết tâm của ta chấm dứt chiến tranh năm 1975.

+ Tin về Đại sứ Mỹ Martin tìm cách thương thuyết để đi đến một giải pháp chính trị về việc viện trợ khẩn cấp cho chính quyền Sài Gòn và Mỹ sẽ không viện trợ trong trường hợp quân đội Sài Gòn thua.

+ Tin về nội bộ chính quyền Sài Gòn ép Nguyễn Văn Thiệu từ chức để mở đường cho thương thuyết...

Hai tin tức có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng trong thời gian này là: Đối phương không thi hành Hiệp định Paris và Mỹ sẽ không tham chiến nếu quân đội Sài Gòn thua (nhiều lưới tình báo khác cũng khẳng định tương tự). Sự khẳng định này đã củng cố quyết tâm mở chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975 lịch sử.
Liên tục hơn hai mươi năm sống trong hoàn cảnh cực kỳ căng thẳng để làm tất cả những gì mà mình có thể làm được cho Tổ quốc, Phạm Xuân Ẩn không có mong muốn nào hơn là trở thành một người bình thường.

Câu chuyện "giải cứu" bác sĩ Trần Kim Tuyến vào ngày cuối cùng của chiến tranh chúng tôi công bố chi tiết trên Thanh Niên năm 2002 với việc phỏng vấn Phạm Xuân Ẩn và các cấp trên của ông. Làm chuyện này ông không báo cáo, chuyện xảy ra rồi cũng không ai hỏi ông, không ai bắt ông phải "kiểm điểm", "giải trình", càng không có chuyện "gây khó dễ" cho ông như một số tác giả nước ngoài phỏng đoán.

Ngày xưa khi Lưu Bị còn yếu thế, Quan Công nhận lệnh mai phục bắt Tào Tháo sau trận Xích Bích. Quan Công vì nghĩa mà vi phạm quân lệnh, tha cho Tào Tháo. Khổng Minh cảm động với cái nghĩa đó mà không bắt tội Quan Công, để cho Quan Công có dịp trả ơn Tào Tháo. Tất nhiên chuyện ông Ẩn với Trần Kim Tuyến không giống câu chuyện này, nhưng cái nghĩa thì giống nhau. Vì thế mà khi chúng tôi hỏi đến sự kiện Phạm Xuân Ẩn "giải cứu" bác sĩ Tuyến, Đại tướng Mai Chí Thọ không ngần ngại nói ngay: "Nhân Trí Dũng!". Đó cũng là đánh giá chung của các nhà lãnh đạo cấp trên về ông Ẩn.

Giáo sư Larry Berman, tác giả cuốn Điệp viên hoàn hảo, đã dành những lời thật tốt đẹp ca ngợi Phạm Xuân Ẩn, ca ngợi các hoạt động tình báo của Phạm Xuân Ẩn phục vụ cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, ông Larry đã có những phỏng đoán không đúng thực tế về nhiều chi tiết liên quan đến cuộc đời Phạm Xuân Ẩn sau chiến tranh. Chẳng hạn: "Thật trớ trêu, khi cuộc chiến tranh đã chấm dứt và Việt Nam không còn bị chia cắt nữa, thì lại có một số người trong cơ quan công an Việt Nam tin rằng quan hệ của Phạm Xuân Ẩn với người của tình báo Mỹ và CIO (Đặc ủy Trung ương tình báo chế độ Sài Gòn cũ - HHV) vẫn còn quá thân thiết. Và rằng, người anh hùng tình báo của họ tồn tại được lâu như vậy là vì đã làm việc cho các bên khác nhau nên rất có thể Phạm Xuân Ẩn là một điệp viên đồng thời cho cả ba cơ quan tình báo. Sự rắc rối đối với Phạm Xuân Ẩn bắt nguồn từ việc ông luôn luôn dùng những lời lẽ thân thiết để nói về những người bạn của mình từng làm việc cho CIA và CIO" (Larry Berman, Điệp viên hoàn hảo, bản tiếng Việt, NXB Thông tấn, Hà Nội 2007, tr.34-35). "Trong thời kỳ 1975 - 1986, khi Phạm Xuân Ẩn đang bị theo dõi chặt chẽ..." (sđd, tr.468). Chuyện ông đi học ở học viện quân sự cao cấp, được lý giải là (một phần của lý do) "vì ông đã sống quá lâu với người Mỹ" (sđd, tr.406)...

Như chúng tôi đã trình bày, tất cả những quan hệ với các cơ quan tình báo nước ngoài và của chế độ Sài Gòn cũ ông Ẩn đều báo cáo đầy đủ, cấp trên của ông đã ghi nhận. Ông Mười Nho, người tổng kết toàn bộ hoạt động của Phạm Xuân Ẩn, nhớ lại nhận xét của cơ quan tình báo quốc phòng về ông Ẩn như sau: "Là một cán bộ trung thực, báo cáo rõ ràng, đầy đủ trong quan hệ rất phức tạp với người Mỹ và tướng tá, chính khách chính quyền Sài Gòn cho tổ chức hiểu rõ và tin cậy đồng chí". Chúng tôi chưa thấy bất cứ biểu hiện nào của bất cứ ai gây "rắc rối" cho ông Ẩn cả.

Trong những lần trao đổi với chúng tôi, giáo sư Larry Berman có đề cập đến những "rắc rối" đó. Tôi nói với ông Larry: Việt Nam có những quy định rất nghiêm ngặt đối với việc phong anh hùng và việc thăng quân hàm. Dù anh có công lớn, nhưng nếu như anh có những biểu hiện không đáng tin cậy thì anh cũng không được phong danh hiệu anh hùng. Dù anh có tài, có công nhưng anh không có đức, nghĩa là anh không đáng tin cậy, anh vẫn không được thăng cấp. Ông Ẩn đã được phong anh hùng đợt đầu tiên sau ngày kết thúc chiến tranh. Và hồi đó cấp bậc ông chỉ là trung tá, sau đó thăng dần lên đến thiếu tướng. Điều đó chứng minh không ai nghi ngờ hay làm khó gì cho ông Ẩn.

Còn việc ông Ẩn phải đi học, theo quy định của quân đội nhân dân Việt Nam, sĩ quan mỗi cấp phải qua các trường đào tạo tương ứng, nếu không đi học thì không được phong quân hàm. Ông Ẩn là trung tá mà chưa học trường lớp sĩ quan nào cả thì việc ông đi học là lẽ đương nhiên. Những chuyện tưởng như đơn giản dễ hiểu đó lại hóa thành rắc rối.

Phạm Xuân Ẩn là một nhân cách lớn. Ông là đảng viên cộng sản đến trọn đời và sự trung thành là thuộc tính của nhân cách Phạm Xuân Ẩn. Ông quang minh chính đại và tận tình tận nghĩa với bạn bè, dù họ là đồng đội hay trong hàng ngũ đối phương. Ông bảo ông không bao giờ ân hận những gì mình đã làm, nghĩa là ông không có ảo tưởng làm vừa lòng tất cả.

Phạm Xuân Ẩn là sản phẩm của chiến tranh nhân dân chống ngoại xâm. Không có những người lãnh đạo kháng chiến tầm vóc, không có những bà Ba anh hùng và những người dân anh hùng thì không thể có sự vĩ đại của Phạm Xuân Ẩn. Và ông trở thành một trong những di sản vô giá của khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam.

H.H.V

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.