“Giải mã” Phạm Xuân Ẩn

25/04/2008 01:11 GMT+7

Kỳ 15: "Việt Nam hóa chiến tranh" - Hà Nội biết trước Nguyễn Văn Thiệu Năm 1969, Nixon lên làm Tổng thống Mỹ, kế hoạch "Việt Nam hóa chiến tranh" mà các nhóm nghiên cứu đã chuẩn bị từ năm 1968 được Nixon chấp nhận trên căn bản. Ông Ẩn đã có được một bản dự thảo kế hoạch. Ông đã tiến hành xác minh rất công phu, sau khi biết chắc chắn đó chính là tài liệu về căn bản đã được Nixon duyệt ông mới gửi về trên.

Năm 1966 nhật báo New York Herald Tribune bên Mỹ phải đóng cửa. Nữ ký giả Berverly Deepe và ông Ẩn có một thời gian cộng tác cho một số tờ báo, cho Hãng truyền hình NBC, sau đó làm chính thức cho tờ Christian Science Monitor. Đây cũng là một tờ báo có uy tín của Mỹ.

Lúc này đồng thời với việc đưa quân vào miền Nam, người Mỹ đã gạt tướng Nguyễn Khánh, gạt luôn các ông Phan Khắc Sửu và Phan Huy Quát, tạo điều kiện cho các tướng Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ dùng quân đội nắm chính quyền, tiếp tay cho quân đội Mỹ tiến hành các chiến dịch "tìm diệt" và "bình định". Từ đây nội bộ chính quyền Sài Gòn tuy vẫn còn mâu thuẫn đấu đá nhau, nhưng không còn xảy ra đảo chính, vì người Mỹ đã "chọn được" Nguyễn Văn Thiệu.

Phạm Xuân Ẩn tiếp tục thắt chặt quan hệ sâu hơn, rộng hơn với giới chức có thế lực Mỹ và chính quyền, quân đội Sài Gòn. Lúc này ngoài Phạm Xuân Ẩn, nhiều lưới tình báo chiến lược khác cũng phát huy hiệu lực, tin tức các lưới bổ sung cho nhau, phục vụ một cách toàn diện yêu cầu của kháng chiến.

Cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 của Mỹ thất bại. Mùa khô 1966-1967, Mỹ huy động 20 sư đoàn, 10 lữ đoàn và trung đoàn cùng 4.000 máy bay, 2.500 xe bọc thép, 2.540 khẩu pháo, 500 tàu chiến lớn nhỏ mở cuộc phản công chiến lược lần thứ hai quy mô lớn hơn với 895 cuộc hành quân càn quét (nhiều gấp đôi cuộc phản công lần trước). Cuộc phản công tập trung chủ yếu vào chiến trường Đông Nam Bộ với mưu đồ tiêu diệt các cơ quan đầu não của quân giải phóng, trong đó lớn nhất là cuộc hành quân Junction City với 45.000 quân tham chiến đánh đi đánh lại chiến khu Dương Minh Châu (bắc Tây Ninh) và tam giác sắt Củ Chi suốt hơn 50 ngày. Cuộc phản công chiến lược này cũng thất bại.

Về phía quân giải phóng, đến cuối năm 1967 bộ đội chủ lực có 7 sư đoàn, 15 trung đoàn, 50 tiểu đoàn độc lập, bộ đội địa phương có 55 tiểu đoàn, 17 đại đội, 144 trung đội độc lập cùng 300.000 dân quân du kích. Lực lượng này kết hợp với phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân đã bẻ gãy hai cuộc phản công chiến lược của Mỹ, tạo thế trận vững chắc cho cuộc tổng tấn công và nổi dậy lịch sử Tết Mậu Thân 1968.

Những năm 1966, 1967, 1968 công việc của Phạm Xuân Ẩn rất căng thẳng. Lúc này ông không chỉ cung cấp tin tức tình báo chiến lược mà còn cung cấp các tin tức chiến dịch, những điều tra cụ thể phục vụ chiến đấu. Liên lạc mỗi tháng tăng lên đến 4-5 lần.

Trong cuộc tổng tấn công Mậu Thân, cả đợt 1 và đợt 2, ông đều cung cấp những tin tức về diễn biến ở mặt trận và tình hình nội bộ của đối phương.

Mỹ phản công vào mùa khô 1965 - 1966 - Ảnh: tư liệu

Sau đợt 2 chiến dịch Mậu Thân, tướng Westmoreland bị mất chức và bị triệu hồi về nước, tướng Abrams lên thay. Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đưa sang Sài Gòn 3 nhóm nghiên cứu chiến lược:

- Nhóm của Donald Marshall với khoảng 25 sĩ quan, có 7 tiến sĩ nhiều ngành khác nhau.

- Nhóm của giáo sư Guy Pauker, Giám đốc Á châu của Rand Corporation.

- Nhóm của giáo sư Hermann Kahn của Hãng nghiên cứu Hudson Institute.

Ông Ẩn được bạn bè đồng nghiệp giới thiệu với các nhóm nghiên cứu đó, bản thân ông cũng có một số người bạn Mỹ là thành viên các nhóm này, nên ông có dịp tham gia trao đổi nhiều vấn đề. Qua đây ông nắm được những nội dung của kế hoạch xuống thang chiến tranh mà sau này gọi là kế hoạch "Việt Nam hóa chiến tranh". Một báo cáo chi tiết về kế hoạch này đã được ông viết gửi về trên. Những nội dung của nó đã được ông xác minh từ ba nhóm nghiên cứu. Như vậy là ông Ẩn đã cho lãnh đạo kháng chiến biết trước ý đồ của Mỹ trong giai đoạn này.

Năm 1969, Nixon lên làm Tổng thống Mỹ, kế hoạch "Việt Nam hóa chiến tranh" mà các nhóm nghiên cứu đã chuẩn bị từ năm 1968 được Nixon chấp nhận trên căn bản. Ông Ẩn đã có được một bản dự thảo kế hoạch. Ông đã tiến hành xác minh rất công phu, sau khi biết chắc chắn đó chính là tài liệu về căn bản đã được Nixon duyệt ông mới gửi về trên.

Cần biết, cũng trong năm 1969, Nixon đã gặp Nguyễn Văn Thiệu ở đảo Midway để thuyết minh cho Nguyễn Văn Thiệu về kế hoạch "Việt Nam hóa chiến tranh", điều thú vị là nội dung đó Hà Nội đã biết trước.

Cuối năm 1969, xảy ra một chuyện phức tạp. Hai vụ địch đem xử cán bộ tình báo của ta là Trần Ngọc Hiền và Huỳnh Văn Trọng. Ông tìm cách tiếp cận các tài liệu của vụ án và thấy những người này nằm trong một lưới tình báo chiến lược, trong tài liệu mà lưới này thu được có kế hoạch quân sự AB144. Tài liệu này chính ông cũng đã gửi một bản về trên vào cuối năm 1968. Biết việc này ông Ẩn rất lo lắng. Việc lưới tình báo kia để lộ ra một tài liệu như vậy sẽ ảnh hưởng đến ông, vì nếu biết tin này thì người đưa cho ông tài liệu đó sẽ rất ngán không dám đưa nữa, dù họ không hề nghĩ ông có liên quan gì đến cộng sản.

Đối với ông Huỳnh Văn Trọng, ông nhớ lại đã có ăn cơm với vợ chồng ông Trọng hai lần, cả hai lần đều có các quan chức Mỹ và Việt dự, riêng lần thứ hai có chụp hình kỷ niệm. Ông Huỳnh Văn Trọng là cố vấn chính trị của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, đương nhiên cả ông Trọng và ông Ẩn người này không thể biết người kia là tình báo của ta. Qua người quen, ông Ẩn biết bức ảnh kỷ niệm này đã được đưa lên Phủ Tổng thống. Ông lo không biết bọn an ninh có đưa bức ảnh này cho bọn chiêu hồi và tù binh nhìn mặt không và những người cho nhìn mặt không biết có ai biết ông hay không. Suốt thời gian này ông phải bám sát để theo dõi bên an ninh để nghe động tĩnh. Do vậy mà ông đã bị hạn chế mất một thời gian, cho đến khi ông biết chắc là mình an toàn.

Vì hạn chế đó nên đến cuối năm 1969 ông vẫn chưa lấy được kế hoạch quân sự AB145, cho đến đầu năm 1970 ông mới chép được nội dung kế hoạch này và 1 tháng sau mới lấy được nguyên bản. Khi ông chụp phim xong chuẩn bị gửi về thì được lệnh hủy phim vì tài liệu này lưới tình báo khác đã gửi về rồi. Chúng tôi nêu chi tiết này để thấy tính kỷ luật cao và sức làm việc phi thường của Phạm Xuân Ẩn... (còn tiếp)

H.H.V

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.