“Giải mã” Phạm Xuân Ẩn

24/04/2008 01:49 GMT+7

Kỳ 14: Giữa thời điểm lịch sử Trong thời điểm lịch sử đó, sau khi gửi nguyên bản kế hoạch quân sự của tướng Westmoreland và kế hoạch bình định mới về Tổng hành dinh kháng chiến, tức là nội dung của hai gọng kìm chiến lược "tìm diệt" và "bình định", Phạm Xuân Ẩn đã tiếp tục cung cấp những tin tức hết sức quan trọng...

Sự phá sản của chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" đánh dấu bằng chiến thắng Bình Giã của Quân giải phóng, trận đánh mà chính tướng Westmoreland sau này cũng thừa nhận là "thất bại có tính báo trước rõ nhất của quân đội Nam Việt Nam" (Westmoreland, A Soldier Reports). Cựu tham mưu phó lục quân Mỹ, tướng Bruce Palmer cũng khẳng định: "Nếu trong năm 1965, Mỹ không đưa các lực lượng chiến đấu trên bộ vào tham chiến thì chắc chắn Nam Việt Nam đã sụp đổ và Bắc Việt Nam đã chiếm lấy nó ngay rồi" (Bruce Palmer, Vai trò quân sự của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, dẫn theo quansuvn.net).

Năm 1967, sư đoàn bộ binh số 1 của Mỹ mang tên Anh Cả Đỏ (Big Red One) tham gia một cuộc hành quân lớn đánh vào Khu Tam Giác Sắt Củ Chi. Đó là cuộc hành quân Cedar Falls. Cuộc hành quân đã bị thất bại, không thể tiêu diệt được chủ lực của Quân giải phóng mà ngược lại quân Mỹ còn bị thiệt hại nặng nề trước cách đánh khôn khéo, chủ động của Quân giải phóng. Phạm Xuân Ẩn đã báo trước cuộc hành quân này.

Chiến lược "chiến tranh cục bộ" được Mỹ triển khai ở Việt Nam trong bối cảnh như vậy. Đến cuối năm 1965 đã có hơn 20 vạn quân Mỹ và chư hầu, trong đó có hơn 18 vạn quân Mỹ, cộng với quân đội Sài Gòn, hợp thành một đội quân trên 72 vạn. Đội quân này vào cuối năm 1967 đầu năm 1968 lên tới hơn 1 triệu, gồm 486.000 lính Mỹ, 58.800 lính các nước chư hầu và 650.000 lính quân đội Sài Gòn. Các phương tiện chiến tranh hiện đại nhất được đem ra sử dụng, trong đó lần đầu tiên sử dụng máy bay ném bom B52. "Tìm diệt" và "bình định" là hai gọng kìm được áp dụng ở miền Nam, đồng thời leo thang chiến tranh ra miền Bắc với cường độ dữ dội (chỉ tính riêng năm 1965, Mỹ đã sử dụng 55.000 phi xuất đánh ra miền Bắc). Vừa triển khai lực lượng và bố trí chiến trường, Mỹ mở ngay chiến lược phản công mùa khô 1965-1966 nhằm "tìm diệt" quân giải phóng tại hai chiến trường trọng điểm là khu V và Đông Nam bộ với 450 cuộc hành quân càn quét, trong đó có 20 cuộc hành quân quy mô lớn...

Ngày 17.7.1966, trong lời kêu gọi toàn dân chống Mỹ, cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố sắt đá: "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do!".

Trong thời điểm lịch sử đó, sau khi gửi nguyên bản kế hoạch quân sự của tướng Westmoreland và kế hoạch bình định mới về Tổng hành dinh kháng chiến, tức là nội dung của hai gọng kìm chiến lược "tìm diệt" và "bình định", Phạm Xuân Ẩn đã tiếp tục cung cấp những tin tức hết sức quan trọng:

+ Báo trước các cuộc hành quân lớn của Mỹ và quân đoàn 3 quân đội Sài Gòn, như các cuộc hành quân Cedar Falls, Birmingham...

+ Báo cáo chi tiết về bố trí, sử dụng lực lượng Mỹ và chư hầu.

+ Kế hoạch xây dựng quân đội Sài Gòn.

+ Kế hoạch quân sự AB142 (1966).

+ Kế hoạch quân sự AB 143 (1967).

+ Diễn biến trước cuộc bầu cử tổng thống năm 1967, tranh chấp giữa các phe nhóm trong chính quyền Sài Gòn...

Những tin tức từ Phạm Xuân Ẩn đã giúp cho Tổng hành dinh kháng chiến đánh giá đúng ý đồ của Mỹ.

Để thấy hết ý nghĩa của hoạt động tình báo kháng chiến nói chung và của Phạm Xuân Ẩn nói riêng, cần biết qua về hoạt động tình báo của Mỹ vào thời điểm này. Theo tướng B.Palmer thì: "Hoạt động hành quân không đạt kết quả nếu tin tức tình báo thiếu chất lượng". Mặc dù Tổng thống Mỹ và các nhà hoạch định chính sách ở Washington "có quá thừa các bản nghiên cứu và ước tính tình báo về Việt Nam", nhưng hệ thống tình báo Mỹ trong chiến tranh Việt Nam có quá nhiều nhược điểm. Ông Palmer cho rằng, trong thời chiến, tư lệnh chiến trường thường là viên tư lệnh thống nhất, có quyền điều khiển tất cả các nguồn cung cấp tình báo, tuy nhiên chiến trường Việt Nam là trường hợp duy nhất mà tổ chức thời chiến nói trên không được áp dụng. Hậu quả là 1 tỉnh lỵ hoặc 1 huyện lỵ mà có đến 2 trung tâm thẩm vấn, 1 dành cho cơ quan tình báo trung ương (CIA), một dành cho MACV. MACV quan tâm đến các khía cạnh tình báo trực tiếp cho cuộc chiến, CIA lại chú ý đến khía cạnh chiến lược dài hạn. Nhưng vấn đề mà tướng Palmer cho là đặc biệt phức tạp và gây tranh cãi trong cộng đồng tình báo Mỹ suốt cuộc chiến tranh là “ước tính số quân và xác định thành phần các đơn vị lớn của địch”. "Đó là sự xét đoán về tình báo quân sự khó khăn nhất, nhất là trong chiến tranh nhân dân ở Việt Nam, một cuộc chiến mà quân chính quy rất khó phân loại các lực lượng trực tiếp chiến đấu với các lực lượng gián tiếp. Lại còn rất khó ước tính thương vong của bộ đội địch vì lực lượng tham chiến có cả dân thường, quân chính quy, quân địa phương và dân quân. Ước tính giữa CIA và MACV về số đơn vị địch tham chiến phải trải qua thời gian lâu dài mới nhích lại gần nhau, còn với lực lượng quân du kích thì khác xa nhau một trời một vực" (tài liệu đã dẫn). Liên quan đến vấn đề này là hội chứng "đếm xác". Tướng Palmer viết tiếp: "Phân biệt được số quân trực tiếp tham chiến là chính quy hay không chính quy rất khó khăn nên có xu hướng gây thương vong cho dân thường để làm tăng số "địch" bị chết. Nó (hội chứng "đếm xác") khuyến khích các đơn vị chiến đấu vừa thổi phồng con số và thêm thắt vào báo cáo số địch thương vong làm cho hội chứng "đếm xác" gay gắt thêm".

Đề cập đến những yếu kém về phản tình báo của Mỹ, tức là những nỗ lực để ngăn chặn không cho đối phương biết về các kế hoạch quân sự và các vấn đề quân sự khác, tướng Palmer cho rằng việc bảo đảm an toàn thông tin liên lạc của Mỹ ở Đông Nam Á là không hoàn hảo. "Do thói quen cẩu thả, nói thẳng (không dùng mật mã) qua máy điện thoại hoặc máy vô tuyến không an toàn, nên địch thường biết trước kế hoạch của Mỹ rất rõ, kể cả các cuộc ném bom của Bộ Tư lệnh không quân chiến lược nên đã có biện pháp báo động cho bộ đội và người của họ. Hậu quả là Mỹ đã bỏ mất nhiều cơ hội và lợi thế quý giá gây bất ngờ cho địch".

Nhận xét đó là đúng trên lý thuyết, nhưng thực tế thì khác. Việc dò được những thông tin rò rỉ do sự "cẩu thả" của đối phương là có, nhưng rất ít. Trường hợp của Phạm Xuân Ẩn có lẽ là rất khó hiểu đối với các nhà phân tích quân sự phương Tây... (còn tiếp)

H.H.V

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.