Gian nan đạo diễn trẻ phía Bắc

23/04/2008 00:04 GMT+7

Các đạo diễn sân khấu trẻ phía Bắc dễ dàng chấp nhận tình trạng "đóng băng", họ thờ ơ thậm chí ngay cả với những cuộc chơi dành cho người trẻ... Điều gì khiến họ cứ mãi giậm chân ở dấu ấn mờ nhạt ấy ?

Hy vọng và thất vọng

Có một điều thú vị, lứa đạo diễn sân khấu "trẻ" hiện nay hầu hết đều xuất thân từ diễn viên. Điểm qua các khóa đào tạo đạo diễn của trường Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội thấy góp mặt khá đông những tên tuổi như Chí Trung, Lan Hương, Lê Khanh, Tuấn Hải, Quốc Chiêm, Quốc Trượng, Anh Tú... và cả những gương mặt triển vọng như Trung Kiên, Quỳnh Mai, Như Lai... Không ít khán giả tò mò: những thần tượng sân khấu của mình đèn sách ra sao nhỉ?

Hỏi danh hài sắp chính thức sang ngạch đạo diễn - NSƯT Chí Trung, anh cười:  "Học nghề không khó". Và đúng là thành tích học hành của các nghệ sĩ sân khấu đáng nể thật. NSƯT Tuấn Hải đỗ thủ khoa đầu vào. Còn đầu ra, Kiều Loan - vở tốt nghiệp của "Macbeth" Anh Tú tạo nên một sự kiện trong giới sân khấu hai ba năm trước. Ngay khi đang học đạo diễn năm thứ 2, nàng Julliet - Lê Khanh đã khiến giới chuyên môn để ý với Từ thiên đường đi về phía Bắc 3 km. Ê-zôp - Chí  Trung cũng gây ấn tượng đáng kể với làng cười qua Ai sợ ai, Internet về làng...

Cả giới chuyên môn lẫn khán giả, không ít người đã sớm lạc quan nghĩ đến một thế hệ đạo diễn "vàng" thứ hai sau Lê Hùng, Doãn Hoàng Giang, Phạm Thị Thành, Xuân Huyền... Nhưng, kết quả làm nghề của các "hạt giống vàng" mấy năm qua lại đem đến thất vọng cho những người yêu sân khấu. Chí Trung lác đác dăm ba vở hài kịch. Lê Khanh vẫn chỉ Từ thiên đường đi về phía Bắc 3 km. Lan Hương thi thoảng ra mắt một vở kịch hình thể. Anh Tú lâu lâu mới "xuất chiêu". Tuấn Hải chạy sô đâu đó, 3 năm qua mới lại thấy xuất hiện tại Nhà hát kịch Việt Nam cùng chùm kịch cổ điển Othello, Lão hà tiện. Mới đây, các đạo diễn "trẻ" còn tiếp tục bồi cho công chúng một cú sốc khá lớn khi hầu hết đều nói "không" với Liên hoan Tác phẩm sân khấu dành cho đạo diễn trẻ lần đầu tiên, trong khi các đồng nghiệp trong Nam hưởng ứng nồng nhiệt.

Khi hỏi NSƯT Anh Tú "Khát vọng làm nghề có còn thôi thúc như thuở Kiều Loan không?", anh khẳng định chắc nịch: "Vẫn nguyên!". Nhưng khi thắc mắc: "Tại sao ít vở thế?", anh ngập ngừng khá lâu: "Người ta cứ thích mời những cây đa cây đề, đạo diễn trẻ chúng tôi phải chấp nhận thôi". 

Trong cơ chế ưu tiên "gừng già" và thờ ơ với người trẻ, các đạo diễn trẻ phía Bắc chịu không ít thiệt thòi và cả... tiếng xấu. Liên hoan Tác phẩm sân khấu dành cho đạo diễn trẻ là một ví dụ. Ban tổ chức đặt tuổi sàn 45, 46 cũng coi như khóa cửa với các đạo diễn "trẻ" phía Bắc, hầu hết là trẻ về tuổi nghề chứ không phải tuổi đời. Chưa kể, có trường hợp, nhà hát không thông báo gì về liên hoan. Rồi có trường hợp, nhà hát chỉ ủng hộ mỗi phương tiện vận chuyển. Trong khi mải mê lên án những người trẻ thiếu lửa với nghề nghiệp, ít ai để ý rằng, hai đại diện quý giá của sân khấu phía Bắc gây tiếng vang tại liên hoan đều có sự hậu thuẫn của lãnh đạo nhà hát, cũng là người trẻ.

Cái khó ló cái khôn

Ở cái thế buộc phải tự thân vận động nếu muốn làm nghề, không ít người trẻ đã tìm cách "cựa quậy", nói như NSƯT Anh Tú. Và cách “cựa quậy” đang được nhiều đạo diễn trẻ hưởng ứng là xã hội hóa: thuê ngược lại nhà hát, tự bỏ tiền dựng vở, tự hạch toán thu chi. Chính từ bước đi mạnh dạn này, một số đạo diễn trẻ đã tạo được thương hiệu: Anh Tú với các dự án cho thiếu nhi, Chí Trung với các chùm hài kịch, Tuấn Hải với khá nhiều vở hài kịch ăn khách: Đàn ông có bầu, Người máy Ô-sin, Những người thích đùa. Đạo diễn nổi tiếng năng động này còn sẵn sàng mạnh tay vung tiền triệu và trả cát-sê theo giá chợ đen. Hiện tại, Anh Tú, Chí Trung, Tuấn Hải... cũng là những cái tên khá nóng sốt ở các đoàn tỉnh.

Mừng là trong khi tìm cách "cựa quậy" bằng những vở giải trí, những người trẻ vẫn không quên nuôi dưỡng những kế hoạch táo bạo cho thì tương lai: NSƯT Anh Tú đang ráo riết thực hiện một chương trình nhạc kịch thể nghiệm "nếu không xin được tài trợ thì cũng sẵn sàng xã hội hóa toàn phần", NSƯT Tuấn Hải vừa thành lập Công ty nghệ thuật Nhật Hưng và vẫn nuôi mộng tạo dựng một sân khấu riêng để "thỏa sức sáng tạo". NSƯT Chí Trung gom về nhà hàng chồng kịch bản chính kịch, bi kịch cổ điển... nghiền ngẫm, đúc rút kinh nghiệm để một ngày nào đó sẽ "nhô ra". "Thế nào rồi cũng đến thế kỷ của chúng tôi" - những người trẻ nói vậy!

Hương Lan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.