Xe khách đua tốc độ!

20/04/2008 00:17 GMT+7

Quãng đường 300 cây số trên quốc lộ 1A từ Đà Nẵng đến Bình Định đang diễn ra "cuộc chiến" tốc độ quyết liệt giữa các xe khách. Vì kế mưu sinh, lái xe không ngần ngại đạp ga mở cuộc đua để vượt lên phía trước...

Chuyện thường ngày ở quốc lộ

Trên quốc lộ 1A, nhiều người kháo nhau rằng khoảng cách giữa các địa phương không phụ thuộc vào số km trên đường bộ, mà là bởi... tốc độ xe nào chạy. Dân trong nghề từ lâu cũng đã tự phân biệt tốc độ mỗi loại xe. Trên tuyến nhộn nhịp như Quảng Nam - Đà Nẵng có chiều dài khoảng 80 km: nếu là Ford-transit hay Mercedes loại 16 ghế chỉ cần 1 giờ đồng hồ lăn bánh; xe khách loại 30 ghế - 1,5 giờ; xe buýt 45 ghế - chẵn 2 tiếng. Trên lý thuyết, thật khó cho ai chỉ trong một tiếng đồng hồ đã "ngốn" hết quãng đường ấy vì nhiều đoạn chỉ được phép chạy 50 km/giờ, cá biệt ở đoạn sắp qua cây cầu "sập bất cứ lúc nào" mang tên Hương An (H.Quế Sơn) thì chỉ còn 40 km/giờ. Nhưng đó chỉ là lý thuyết...

Tôi vừa xui xẻo làm khách trên một "tay đua ngoại hạng" Ford 16 ghế chạy tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Khi đến thị trấn Vĩnh Điện (H.Điện Bàn, Quảng Nam), lái xe nhác thấy một chiếc Ford khác của chủ xe Q.M thấp thoáng phía sau liền móc điện thoại ra: "Alô... Nè, có hai khách đang đứng đón ở ngã ba... Thôi, không bắt khách nữa, đang "đua" với thằng Q.M đây!". Cảnh hai chiếc xe "lườm" nhau, một trên cầu Câu Lâu mới một trên cầu Câu Lâu cũ, cứ như trong phim hành động (!). Khi xe chạy đến 120 km/giờ, hành khách gần như bị nhấc khỏi ghế ngồi.

Xe buýt: không cần "đua" vì được quyền chở quá tải (!)

Các tuyến xe buýt liên tỉnh trên quốc lộ 1A không việc gì phải vội vã. Chỉ riêng tuyến xe buýt liên tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, liên tiếp trong thời gian qua nhiều chuyến bị phát hiện chở quá tải lên đến 200%. Quyết định 34/2006/QĐ-BGTVT của Bộ GT-VT (ban hành từ ngày 16.10.2006 quy định về quản lý vận tải khách công cộng bằng xe buýt) quy định, xe buýt là ô tô chở khách thiết kế từ 17 ghế trở lên có diện tích sàn xe dành riêng cho khách đứng (8 người/m2 sàn), song trên thực tế xe buýt liên tỉnh vẫn giữ nguyên thiết kế ghế ngồi như ô tô khách liên tỉnh, lại "tận dụng" tối đa khoảng trống của hành lang lên xuống để nhồi nhét khách. Vì quyết định này, đến nay vẫn chưa được ngành chức năng của địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, nên CSGT Quảng Nam không xử phạt được, dù đã phản ánh lên C26 - Bộ Công an.

Một sự thật khác: lượng xe sắm mới trên quốc lộ 1A ngày càng đông, các chủ xe lại "múa" nhiều vòng mỗi ngày nên càng gia tăng áp lực rước khách. Làm một cuộc khảo sát bỏ túi trên đường Phan Chu Trinh (Tam Kỳ), nơi các xe chạy tuyến Bình Định - Đà Nẵng phải chạy qua, tôi "phát hiện" quá nhiều chuyến xuất bến chỉ cách nhau 1 đến 3 phút... Các lái xe luôn lao xe về phía trước không chút khoan nhượng, nhưng lạ nỗi, với những chiếc chạy ngược chiều thì họ lại luôn chào nhau, "bắn" tin chỗ nào đang có khách hay ám hiệu nơi nào có cảnh sát giao thông. Cuộc cạnh tranh buộc họ chỉ được quyền... cười với người đối diện.

"Ăn cám trả vàng"

C. đang nắm vô-lăng chiếc Mercedes biển kiểm soát 92K-54... với ngổn ngang tâm trạng. "Chiếc này tôi mua 680 triệu đồng, thì hết 300 triệu phải vay ngân hàng. Mình chạy bốn lượt đi lẫn về. Cứ rứa thôi, lỡ vay ngân hàng, phải mang xe ra "múa" suốt ngày".

Quả là những người như C. đang "đua" với thu nhập của chính mình. Mua xe về mà không chạy lại càng nguy to. Bởi mỗi ngày, xe đắp chiếu là xem như chủ xe bị mất đúng 280 nghìn đồng: tiền lãi ngân hàng (100 nghìn đồng), tiền thuế ở 2 đầu bến (50 nghìn đồng), tiền bảo hiểm (30 nghìn đồng) và cả tiền "rớt đời" xe 100 nghìn đồng. Vậy là C. đang mở những cuộc đua Chu Lai - Đà Nẵng bất đắc dĩ. Phơi nắng cả ngày, cuối tháng trừ lui trừ tới may lắm chỉ còn 3 triệu đồng bỏ túi. Vậy là phải bậm môi, đạp ga lao ra quốc lộ. "Nếu cứ chạy rề rề, thằng nào biết nhược điểm của mình nó sẽ chơi ngay, cứ ung dung chạy trước đón khách. Có bao nhiêu khách, "nó" hốt hết còn đâu?".

Sắm xe rồi lao ra đường, cuộc chiến giữa các nhà xe đang vào hồi quyết liệt hơn cả bởi xăng dầu tăng giá, xe cộ lại nhiều... Tình thế buộc lực lượng cảnh sát giao thông các địa phương phải tăng cường kiểm tra tốc độ xe khách. Quảng Nam vừa được đánh giá là một trong số các địa phương thực hiện hiệu quả nhất khâu kiểm soát tốc độ trên quốc lộ 1A ở khu vực 32 tỉnh, thành phía Nam. Nhưng việc kiểm soát này chủ yếu vào ban đêm, "ưu tiên" đối với xe đường dài vận chuyển số lượng lớn hành khách, rất dễ phóng ẩu khi thấy đường vắng. Còn ban ngày, cánh lái xe thường ra "ám hiệu" cho nhau mỗi khi phát hiện cảnh sát giao thông đang giám sát.

H., lái xe chạy tuyến Quảng Ngãi - Đà Nẵng thở dài khi nghe tôi nhắc chuyện xui xẻo. "Một bạn lái của tui vừa phải lĩnh án 12 tháng tù vì tông chết người đó chớ!" - H. bổ sung. "Hành khách họ khác lắm rồi, ai cũng muốn an toàn, không muốn giao hết sinh mạng cho tài xế đâu. Nếu anh chạy ẩu, sau này họ sẽ không thèm đi nữa, lỡ có tai nạn càng khốn. Cũng chỉ là ăn cám trả vàng thôi", H. thú nhận. Nhưng trước khi lái xe "ăn cám", hành khách vẫn phải phó mặc sinh mạng mình nếu các cuộc đua tốc độ trên quốc lộ 1A không sớm bị chặn đứng. 

Hứa Xuyên Huỳnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.