“Giải mã” Phạm Xuân Ẩn

17/04/2008 23:54 GMT+7

Kỳ 9: Tình huống nguy hiểm Giữa lúc ông thực hiện các điệp vụ cấp tập thì xảy ra một sự cố. Tài liệu đầu tiên của Mỹ mà ông gửi về - tài liệu Mc Garr "Kỹ thuật và chiến thuật chống nổi dậy" - do sự thiếu cẩn trọng của cấp trên, nên cơ quan tuyên huấn miền đã trích in ra... phổ biến cho các tỉnh. Hậu quả là địch nhặt được tài liệu này trong một cuộc hành quân càn quét ở khu 9. Nó đã được báo cáo lên Trần Kim Tuyến. Bác sĩ Tuyến liền cho ông Ẩn biết việc này.

Phạm Xuân Ẩn là nhà tình báo duy nhất cung cấp đầy đủ toàn bộ tài liệu "Chiến lược chiến tranh đặc biệt" cùng các kế hoạch cụ thể triển khai chiến lược đó của Mỹ và của chính quyền Ngô Đình Diệm, mặc dù ông Ẩn thường nhắc chúng tôi "tình báo chiến lược ta có hàng trăm, tôi chỉ là một đầu mối". Ông không những cung cấp các tài liệu nguyên bản mà còn có nhiều báo cáo phân tích khi những kế hoạch đó "còn trong trứng nước" cũng như quá trình triển khai chúng. "Cấp trên cần cái gì, tôi cung cấp cái đó", ông nói.

Ông cũng báo cáo phân tích những mâu thuẫn giữa Mỹ với chính quyền Ngô Đình Diệm trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, trong đó có những thông tin quan trọng: Cuối năm 1961, miền Tây bị lụt lớn, Taylor thừa cơ hội muốn đưa quân sang lấy cớ cứu lụt cho dân, nhưng Ngô Đình Diệm không đồng ý. Trước đó Mỹ định đưa cố vấn Mỹ đến cấp sư đoàn, trung đoàn nhưng Ngô Đình Diệm không chấp nhận... Nói chung là Ngô Đình Diệm không muốn Mỹ xen sâu vào nội bộ chế độ. Mâu thuẫn Mỹ - Diệm mỗi lúc một thêm gay gắt. Đó là nguyên nhân dẫn đến việc người Mỹ "thay ngựa giữa dòng".

Đối với tình báo Mỹ, Phạm Xuân Ẩn đã kịp thời báo cáo về trên những tin tức quan trọng: hoạt động của CIA núp trong các tổ chức (mới thành lập và đang hoạt động); hoạt động của biệt kích CIA thả ra miền Bắc; việc thả biệt kích của hãng "Flying Tiger" ("Cọp bay"); hoạt động của lực lượng đặc biệt "Mũ nồi xanh" ở Tây Nguyên... Trong khi đó, CIA hầu như không nắm được gì hoặc, như sau này chính CIA thừa nhận, họ "nắm không chính xác" về lực lượng và hoạt động của Quân Giải phóng.

Từ năm 1961, kết hợp với đấu tranh chính trị được triển khai rộng khắp, các lực lượng vũ trang của ta đã lớn mạnh nhanh chóng, bao gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích để đối phó với "Chiến tranh đặc biệt".
 

Trong khi vùng giải phóng liên tiếp được mở rộng, ấp chiến lược bị phá hủy hàng loạt thì đến giữa năm 1962 tướng Harkins báo cáo với Bộ Quốc phòng Mỹ: "Quân Nam Việt Nam đang đẩy lùi Việt Cộng và mở rộng vành đai kiểm soát ở nông thôn... Không nghi ngờ gì nữa, chúng ta đang ở thế chiến thắng". "Trên đà thắng lợi" đó, Mỹ tăng gấp đôi viện trợ quân sự, từ 321,7 triệu USD tài khóa 1961-1962 lên 675 triệu USD tài khóa 1962-1963. Dưới sự chỉ huy của các cố vấn Mỹ, tính đến năm 1962 quân đội Diệm đã tiến hành 4.000 cuộc hành quân càn quét tấn công vào vùng giải phóng.


Máy bay Mỹ bị bắn hỏng trong trận Ấp Bắc, năm 1963 - Nguồn: wikipedia

Quân Giải phóng đã đáp trả. Trận Ấp Bắc (diễn ra ngày 2.1.1963 tại Ấp Bắc, xã Tân Phú Trung, huyện Cai Lậy, Tiền Giang) là trận mở đầu đánh bại hai chiến thuật chủ yếu "trực thăng vận" và "thiết xa vận" của đối phương, được báo chí thế giới miêu tả kỹ lưỡng cho thấy Quân Giải phóng không còn là nhóm nhỏ bất lực trước "trực thăng vận" và "thiết xa vận" nữa, mà đã lớn mạnh "đủ để đánh bại quân cơ động của đối phương". Phong trào "thi đua với Ấp Bắc" được phát động, quân và dân miền Nam đã tấn công và nổi dậy, phá gần 3.000 trong số hơn 6.000 ấp chiến lược. "Chiến lược chiến tranh đặc biệt" cuối cùng bị phá sản, đánh dấu bằng trận Bình Giã (Bà Rịa, tháng 12-1964), tại đây lần đầu tiên bộ đội chủ lực Quân Giải phóng mở chiến dịch tấn công cấp trung đoàn và cấp tiểu đoàn, tiêu diệt 2 tiểu đoàn chủ lực, 1 tiểu đoàn thiết giáp, bắn rơi và bắn hỏng 35 máy bay trực thăng.

Như chúng tôi đã đề cập trong loạt bài trước, phóng viên Hãng tin Anh Reuters Phạm Xuân Ẩn đã đến "thị sát chiến quả" trận Ấp Bắc, bằng máy bay trực thăng Mỹ. Trận đó ông được thưởng Huân chương Chiến công.

Trong chiến tranh thế giới thứ hai, một cái tin "Nhật không mở mặt trận phía đông" do nhà tình báo vĩ đại Richard Sorge báo về, chỉ với một cái tin đó thôi cũng đã làm cho cục diện chiến tranh thay đổi, vì Hồng quân Liên Xô không cần phải để lại quân đối phó với Nhật, do đó mấy chục sư đoàn phía đông đã được điều về mặt trận chống Đức. Bởi vậy mà các nhà nghiên cứu cho rằng cái tin đó của Sorge có giá trị bằng mấy chục sư đoàn. Ngày nay chúng ta đã biết những thông tin của Phạm Xuân Ẩn khiến cho các nhà lãnh đạo kháng chiến không chỉ biết kế hoạch này kế hoạch kia của Mỹ mà biết rõ Mỹ "như ngồi giữa tổng hành dinh của Mỹ". Và chúng tôi nghĩ, các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự rồi sẽ định lượng giá trị chiến lược của những thông tin đó, không phải chỉ để vinh danh ngành tình báo và vinh danh ông Ẩn, mà quan trọng hơn, để bổ sung vào lý luận quân sự, làm dày thêm bài học giữ nước...

Trở lại chuyện của 1961. Giữa lúc Phạm Xuân Ẩn thực hiện các điệp vụ cấp tập thì xảy ra một sự cố. Tài liệu đầu tiên của Mỹ mà ông gửi về - tài liệu Mc Garr "Kỹ thuật và chiến thuật chống nổi dậy" - do sự thiếu cẩn trọng của cấp trên, nên cơ quan tuyên huấn miền đã trích in ra... phổ biến cho các tỉnh. Hậu quả là địch nhặt được tài liệu này trong một cuộc hành quân càn quét ở khu 9. Nó đã được báo cáo lên Trần Kim Tuyến. Bác sĩ Tuyến liền cho ông Ẩn biết việc này.

Phạm Xuân Ẩn báo ngay về trên. Để bảo đảm an toàn cho ông, cấp trên chỉ thị cho ông tạm ngưng hoạt động. Mọi liên lạc cũng tạm ngưng để theo dõi.

Sự cố này quá nguy hiểm. Từ tài liệu này đối phương có thể khoanh vùng, điều tra và cuối cùng có thể lần ra ông, bởi những người tiếp cận nó là không nhiều. Vấn đề là làm sao có thể biết đối phương có lần ra được ông hay không, làm sao biết đối phương nghi ngờ cho ai. Nếu có dấu hiệu lộ thì đương nhiên ông phải chạy về căn cứ. Phức tạp nhất là không biết có bị lộ hay không. Tự ông phải điều tra việc này.

Trước hết tại cơ quan mật vụ Phủ Tổng thống. Những người thân tín của Trần Kim Tuyến ở đây đều quen thân với ông, ông khéo léo thăm dò coi họ nghi ngờ những đối tượng nào. Không thấy biểu hiện nghi ngờ gì hết, càng không có chút biểu hiện nghi ngờ đối với bản thân ông. Họ chỉ muốn "xóa vết tích" để khỏi lôi thôi, khỏi phải chịu trách nhiệm.

Ông thăm dò những người quen ở cơ quan an ninh quân đội. Tại đây họ "hoàn toàn không biết gì".

Thăm dò phía tình báo Mỹ. Không thấy có gì nguy hiểm. Qua một người quen là ông Đặng Đức Khôi, làm cho CIA, ông được biết CIA kết luận đây là tài liệu "ngụy tạo" nhằm gây chia rẽ trong nội bộ, họ không coi đây là tài liệu của Việt Cộng. Để xác minh cho chắc, ông hỏi thẳng Trần Kim Tuyến và Lê Văn Thái. Cả hai người này đều trả lời tương tự. Thế là yên tâm.

Khi đã biết chắc là đối phương không có chút nghi ngờ đến mình, Phạm Xuân Ẩn báo cáo về trên, xin tiếp tục hoạt động, tiếp tục liên lạc lại bình thường. Cấp trên đồng ý.

Cơ quan chỉ huy tình báo đã rút kinh nghiệm nghiêm khắc về sự cố này. Chỉ một sơ suất về nguyên tắc sử dụng tài liệu cũng có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Nếu Phạm Xuân Ẩn không có mối quan hệ sâu với hệ thống phản gián của đối phương để tự mình điều tra thì việc quyết định cho ông tiếp tục hoạt động bình thường trở lại là không dễ dàng đối với cấp trên. Ông thoát hiểm không phải là do may mắn. Ông thoát hiểm là do ông chuyên nghiệp. Ông phải tự kiểm tra sự an toàn của bản thân... (còn tiếp)

H.H.V

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.