“Giải mã” Phạm Xuân Ẩn

15/04/2008 00:00 GMT+7

Kỳ 7: Điệp vụ đầu tiên Trong quá trình trao đổi, thấy Phạm Xuân Ẩn có những kiến thức sâu sắc về quân sự, chính trị, kinh tế, tư duy đúng như tư duy của người Mỹ, nên Staley đã thuyết trình cho Phạm Xuân Ẩn nghe toàn bộ ý đồ, mục tiêu của kế hoạch trước khi nó trở thành chính thức...

Trong 3 ngày làm việc với Phạm Xuân Ẩn, các cán bộ chỉ huy tình báo đánh giá được thế đứng, các mối quan hệ và khả năng tiếp cận nguồn tin của ông, trong đó quan trọng nhất là khả năng tiếp cận các cơ quan đầu não của Mỹ ở Sài Gòn và chính quyền Ngô Đình Diệm. Cấp trên giao cho ông các nhiệm vụ:

+ Điều tra các tin tức chiến lược của Mỹ và chính quyền Sài Gòn cả về quân sự và chính trị.

+ Tiếp tục giữ thế nghề nghiệp, củng cố bình phong hiện có để hoạt động lâu dài. Củng cố, mở rộng các quan hệ xã hội và nghề nghiệp với các quan chức người Mỹ, người Việt trong các cơ quan của Mỹ, Phủ Tổng thống, Bộ Tổng tham mưu "các tác dụng khai thác các tài liệu chiến lược".

+ Bảo đảm an toàn lâu dài, cắt các quan hệ với những người kháng chiến cũ từng biết ông Ẩn có quan hệ trước đây với kháng chiến.

+ Giữ vững liên lạc, bảo đảm an toàn và thường xuyên, liên tục. Tạm thời để nữ đồng chí Tám Thảo làm liên lạc với Phạm Xuân Ẩn từ Sài Gòn vào căn cứ, nhưng sẽ nhanh chóng thay người liên lạc khác vì bà Tám Thảo "có vết tích tham gia kháng chiến 9 năm".

Ngay sau khi nối được liên lạc, Phạm Xuân Ẩn đã gửi về một tài liệu quân sự quan trọng. Đó là tài liệu "Technics and Tactics of Counter Insurgency" (Kỹ thuật và chiến thuật chống nổi dậy) do chính tướng Mỹ Lioenel Mc Garr, Chỉ huy trưởng MAAG ký. Cần biết, các tướng chỉ huy MAAG trước đó như  O'Daniel và Williams không đủ kinh nghiệm ứng phó với cuộc Đồng Khởi, nên từ tháng 8.1960, Tổng thống Mỹ Eisenhower đã cử Mc Garr, một viên tướng có kinh nghiệm nhiều năm chỉ huy chiến trường và có kinh nghiệm "chống nổi dậy" sang thay thế. Tài liệu của Mc Garr chính là tài liệu triển khai kế hoạch "Chống nổi dậy" do Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ phê duyệt ngày 29.4.1961, tăng lực lượng cố vấn và các đơn vị đặc biệt Mỹ, tăng thêm viện trợ cho chính quyền Sài Gòn để đẩy mạnh xây dựng quân đội, tăng cường phong tỏa miền Nam Việt Nam, kể cả biên giới và vùng biển, xúc tiến các hoạt động phá hoại bí mật ở miền Bắc. Kế hoạch này là một "khúc dạo" cho "Chiến lược chiến tranh đặc biệt".

Ông Ẩn hoàn toàn không "lấy cắp" bản tài liệu đó. Chính bác sĩ Trần Kim Tuyến sai Lê Văn Thái mang tài liệu đó cho ông và đề nghị ông "đọc, nghiên cứu, tóm tắt và đề xuất ý kiến" để ông Tuyến hiểu chiến lược quân sự mới của người Mỹ, vì ông Tuyến không có kinh nghiệm mấy về vấn đề này. Như bạn đọc đã biết, Phạm Xuân Ẩn được Trần Kim Tuyến tin cậy, sự tin cậy này càng được củng cố sau vụ đảo chính hụt, ông trở thành người thân tín của ông Tuyến. Hơn nữa, bác sĩ Tuyến còn biết rõ mối quan hệ thân thiết của Phạm Xuân Ẩn với người Mỹ và biết trình độ phân tích chính trị - quân sự của ông, nên mặc nhiên ông trở thành “tham mưu" trong những lĩnh vực mà Trần Kim Tuyến không biết rõ, nhất là về lĩnh vực quân sự.

Việc đầu tiên khi nhận được tài liệu là ông chụp tất cả thành 24 cuốn phim "gửi về trên", thông qua đường dây và phương thức liên lạc vừa mới thiết lập. Cấp trên nhận đủ 24 cuộn phim, nhưng do chưa có kinh nghiệm chụp phim nên toàn bộ 24 cuộn phim đó "không đọc được". Nhận được thông báo của cấp trên cho biết là phim bị hỏng, ông lập tức tự mình đánh máy sao nguyên tài liệu đó ra và đích thân mang tài liệu về căn cứ. Sở dĩ ông phải đích thân mang đi vì giao liên không thể mang một tài liệu kềnh càng như vậy, đi là rất không an toàn, còn ông thì có "Sự vụ lệnh" của Trần Kim Tuyến nên không sợ ai kiểm soát. Tất nhiên đây là việc "chữa cháy", nếu lặp lại thì sẽ nguy hiểm ngay.

Đồng thời với việc gửi tài liệu đi, ông đã giữ thêm bản gốc trong nhiều ngày để nghiên cứu. Ông biết, một khi một tài liệu như thế, do chính Mc Garr đưa ra, thì "sức mấy" mà ông Diệm ông Nhu dám phản đối, nên ông dịch và tóm tắt những nội dung quan trọng để giao cho bác sĩ Tuyến mà không đưa ra ý kiến riêng...

Phạm Xuân Ẩn nối được liên lạc với tổ chức chỉ mấy tháng sau khi Ngô Đình Diệm ban hành Luật 10/59 "đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật", lê máy chém đi khắp miền Nam, dù trước đó Chủ tịch Hội đồng tố cộng trung ương Trần Chánh Thành tuyên bố "hoàn toàn tiêu diệt ảnh hưởng áp đảo của cộng sản trong 9 năm trước đây".  Tuy nhiên, người Mỹ lại ghi nhận: "Vô luận nó đã đóng góp như thế nào vào nền an ninh nội bộ của chính quyền Nam Việt Nam, chiến dịch tố cộng đã làm kinh hoàng những người nông dân Việt Nam và làm cho dân chúng thêm ghét chế độ" (theo Nhật ký Lầu Năm góc). Cũng chính người Mỹ chua xót: "Hoa Kỳ tìm cách tiêu diệt tổ chức Việt Minh cũ và đặt cho cái tên mới Việt Cộng. Nhưng quá trình đó, Hoa Kỳ lại tạo ra một Việt Minh mới còn lợi hại hơn rất nhiều cái tổ chức Việt Minh cũ mà người Pháp đã phải đương đầu".

Cao trào Đồng Khởi đã dẫn đến sự ra đời của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (20.12.1960) và tiếp đó Quân giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Từ đấu tranh chính trị chuyển thành đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang và tiến tới "chân vũ trang" đưa lên ngang với "chân chính trị".

Giữa lúc Quân giải phóng cùng với nhân dân toàn miền Nam tiến hành khởi nghĩa phá kềm, giành quyền làm chủ khắp nơi thì nội bộ chính quyền Ngô Đình Diệm trở nên lủng củng, cuộc đảo chính hụt do Vương Văn Đông và Nguyễn Chánh Thi cầm đầu là biểu hiện đầu tiên.

Để đối phó với cuộc Đồng Khởi, Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh bãi bỏ các quân khu và thành lập 4 vùng chiến thuật, áp dụng chính sách quân phiệt ở miền Nam. Đầu năm 1961, trong khi tiếp tục tăng viện trợ cho chính quyền Ngô Đình Diệm, Chính phủ Mỹ đồng thời yêu cầu Ngô Đình Diệm tiến hành "cải cách". Mỹ đề nghị cải tổ hệ thống chỉ huy quân đội, "cải sửa" chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Tuy nhiên ông Diệm vẫn chần chừ không muốn làm theo ý người Mỹ. Đến giữa tháng 5.1961, Phó tổng thống Lyndon Johnson sang. Một thông cáo chung xác nhận Mỹ tiếp tục tăng viện trợ "để chiến thắng cộng sản" và ông Diệm hứa sẽ tiến hành "cải cách".

Tiếp theo phái đoàn của Johnson, từ tháng 6 đến tháng 10.1961, Mỹ cử hai phái đoàn quan trọng sang. Thứ nhất là phái đoàn do giáo sư Eugene Staley, Viện nghiên cứu Stanford (Đại học Stanford, California), đến Sài Gòn vào tháng 6.1961 để xem xét những nhu cầu kinh tế cho "cuộc chiến chống cộng trong giai đoạn mới". Tiếp theo là phái đoàn do tướng Maxwell Taylor, cố vấn quân sự đặc biệt của Tổng thống Kennedy, cầm đầu. Edward Lansdale lúc này đã được thăng quân hàm cấp tướng và làm phụ tá đặc biệt cho Bộ trưởng Quốc phòng McNamara, cũng tham gia phái đoàn này.

Tướng Maxwell Taylor và Tổng thống Kennedy, tháng 5.1961 - Nguồn: history.sandiego.edu

Hai phái đoàn này đến Sài Gòn nhằm nghiên cứu triển khai "Chiến lược chiến tranh đặc biệt", lấy Việt Nam làm thí điểm chiến lược toàn cầu "Phản ứng linh hoạt" của Mỹ. Kết quả là kế hoạch Staley - Taylor ra đời.

Do thiết lập được các quan hệ từ trước và sau một thời gian làm nghề báo với những phân tích quân sự - chính trị sắc sảo, lại được đào tạo từ Mỹ, nên các chuyên gia Mỹ rất quan tâm đến Phạm Xuân Ẩn và coi ông là "người của Mỹ". Vì vậy, chính Staley đã nhiều lần gặp ông để tham khảo ý kiến của ông nhiều lần trong quá trình chuẩn bị kế hoạch nói trên. Trong quá trình trao đổi, thấy Phạm Xuân Ẩn có những kiến thức sâu sắc về quân sự, chính trị, kinh tế, tư duy đúng như tư duy của người Mỹ, nên Staley đã thuyết trình cho Phạm Xuân Ẩn nghe toàn bộ ý đồ, mục tiêu của kế hoạch trước khi nó trở thành chính thức, mục đích là thông qua Phạm Xuân Ẩn để biết phản ứng của giới cầm quyền Sài Gòn và qua đó Staley cũng muốn Phạm Xuân Ẩn có những bài viết trên Reuters theo "định hướng" thuận lợi cho việc triển khai kế hoạch này. Vì vậy mà ông đã biết được ý đồ của người Mỹ "ngay từ trong trứng nước" trước khi ông lấy được nguyên bản kế hoạch đó một cách dễ dàng... (còn tiếp)

H.H.V

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.