Cuộc trở về của một bác sĩ thiện nguyện

05/04/2008 18:23 GMT+7

Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM những ngày cuối tháng 3 nhộn nhịp hơn vì có đoàn bác sĩ tình nguyện nước ngoài đến phẫu thuật miễn phí. Trong số này có một người con của đất Quảng Ngãi, là bác sĩ phẫu thuật chính chuyên về khớp xương. Ông xa quê hương từ năm 14 tuổi và đây là lần trở về đầu tiên...

Tổ chức Operation Walk (gọi tắt là OPW) là đơn vị chủ trì chương trình phẫu thuật từ thiện tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM (từ 27.3 đến 4.4.2008, do Hội Chữ thập đỏ và Sở Y tế TP.HCM phối hợp tổ chức), được thành lập năm 1995 tại Los Angeles, California, Mỹ. OPW do bác sĩ Lawrence D.Dorr, giáo sư tiến sĩ y khoa, một trong những người nổi tiếng nhất tại Mỹ về phẫu thuật chỉnh hình và ráp nối khớp xương sáng lập, nhằm giúp đỡ người dân và ngành y học các nước chưa có điều kiện áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong chữa trị các chứng bệnh này.

Hiện nay OPW có 7 chi nhánh tại Mỹ và 1 chi nhánh ở Canada. Trong chương trình hợp tác y tế thiện nguyện đầu tiên tại VN lần này, OPW không chỉ cam kết “thực hiện toàn bộ các ca phẫu thuật cho bệnh nhân theo phương pháp chữa trị tiên tiến của thế giới với tình cảm quý trọng cùng tinh thần trách nhiệm cao và thái độ phục vụ tận tình” mà còn thể hiện “sự cam kết hợp tác toàn diện lâu dài”.

Là một trong 8 bác sĩ phẫu thuật có mặt trong đoàn từ thiện của OPW tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, bác sĩ Võ Phúc, một người con của đất Quảng Ngãi đã xa xứ hơn 30 năm nay trở lại với tâm nguyện phục vụ quê hương - từng cháy bỏng từ khi ông mới tốt nghiệp ở Mỹ. Ông chia sẻ với chúng tôi:

- Cách đây 13 năm, tôi có viết một lá thư cho ông giám đốc bệnh viện này, là bác sĩ Phùng. Hồi đó tôi còn độc thân, mới ra trường, tôi đã có ý định muốn về bên này để đóng góp cho quê hương. Tôi viết lá thư, nhưng sau đó không thấy hồi âm, không nghe tin tức gì. Nhưng rồi hôm qua, bác sĩ Phùng gặp tôi ở đây, chặn tôi ở trong đoàn hỏi “anh có phải là anh Phúc mà ngày trước có viết lá thư cho tôi không?”. Thật bất ngờ vì ông ấy vẫn còn nhớ nội dung bức thư và đã mang lá thư ấy lại cho tôi coi.

* Bác sĩ muốn nói đến Phó giáo sư Võ Thanh Phùng, một trong số những người tài năng ở bệnh viện này? Cảm xúc của bác sĩ khi ấy như thế nào?

- Đúng rồi, ông ấy cùng họ Võ với tôi, nhưng không có bà con họ hàng đâu, tôi cũng nghe một số bác sĩ khác ở đây gọi ông ấy là thầy. Thực ra lá thư đó tôi đã quên lãng rồi, ông ấy nhắc lại thì tôi mới nhớ. Đó là một bất ngờ thú vị. Làm trong ngành của chúng tôi, không nói ra chắc ai cũng biết, đó là phải có cái tâm. Tôi chỉ có một khát khao là đóng góp cho quê hương, và dù tôi chưa hiểu vì sao bác sĩ Phùng không hồi âm lúc đó, nhưng như vậy là đã rất trân trọng tâm huyết của tôi.

* Bác sĩ có thể nói một chút về nội dung bức thư ấy?

- Nó được viết bằng tiếng Anh, tôi mời bác sĩ Phùng, với tư cách là giám đốc bệnh viện này lúc đó sang Mỹ để trao đổi kinh nghiệm, thảo luận về chuyên môn và có thể sẽ bàn đến chuyện để những sinh viên bên này sang tu nghiệp ngắn hạn, tôi lo chi phí và sắp xếp những cuộc tiếp xúc với những người bạn của tôi ở viện đại học lúc đó. Ở đoạn tái bút tôi còn nói thêm là “nếu ông hoặc đồng nghiệp, học sinh của ông có ai bằng lòng lời mời của tôi thì vui lòng thông tin cho tôi để chuẩn bị đón tiếp”. Lá thư này chỉ trao đổi về các vấn đề y học và giáo dục.

* Thời gian đã quá lâu, bác sĩ cũng chưa có dịp nào về nước, thậm chí chỉ là thăm họ hàng. Vậy cơ duyên nào đã đưa ông đến chuyến đi này?

- OPW mời tôi theo và tôi lập tức đồng ý. Tôi cũng mang theo người trợ lý của mình ở bên ấy về đây vì tôi thấy công việc rất có ích cho người bệnh ở quê hương mình. Chuyến đi này 10 ngày, nhiệm vụ chuyên môn của tôi là mổ thay khớp. Đoàn chúng tôi có tổng cộng 8 bác sĩ mổ và cả ê-kíp hộ lý, gây mê... khép kín, tổng cộng hơn 50 người. Dự kiến ban đầu là sẽ mổ cho 70 bệnh nhân, nhưng có một số trường hợp chưa đủ dữ liệu về bệnh lý nên phải để lại.

* Bác sĩ cảm thấy họ thế nào, những bệnh nhân mà ông đã trực tiếp thay khớp, trả lại chức năng “đi” cho họ trong chuyến này?

- Tôi không biết chi tiết về đời sống riêng tư của họ. Nhưng bệnh phần lớn là rất trầm trọng.

* Tai nạn, chế độ sinh hoạt, không quan tâm đến sức khỏe, không có điều kiện chữa trị bệnh tật?

- Đều đúng. Phần đông là những người bị tai nạn, bị đụng xe, bị té từ trên cao... và không có điều kiện chữa trị kịp thời nên trở thành trầm trọng. Cũng có người do nghiện rượu dẫn đến bị hư khớp xương háng, phải thay.

* Đây là lần đầu tiên bác sĩ về Việt Nam?

- Vâng.

* Suy nghĩ của ông về quê hương như thế nào?

- Tôi đi từ nhỏ nên ấn tượng ngày xưa không còn nhiều lắm. Cho nên không có gì để so sánh. Nhưng ấn tượng mạnh nhất là tôi thấy điều kiện chữa trị cho bệnh nhân ở đây còn quá thiếu thốn so với nơi tôi ở bây giờ. Tôi thấy cả thành phố lớn, đông dân, đến hơn 8 triệu người như thế này mà cơ sở y tế thì còn quá ít.

* Đó là một câu chuyện dài, và tôi nghĩ bác sĩ sẽ còn giúp cho quê hương nhiều hơn nữa. Chúng ta có thể chuyển đề tài, nói về đời tư của bác sĩ một chút?

- Tôi quê ở Quảng Ngãi, lớn lên trong một cái làng nhỏ xíu, vì chiến tranh mà ra đi, có vô Sài Gòn ở mấy năm, đến 1975 thì sang Mỹ, lúc đó tôi 14 tuổi. Qua đó học hành rồi đi làm, rồi gặp bà xã tôi, bây giờ thì có ba đứa con, từ 2 đến 6 tuổi. Bà xã thì lo cho tụi nhỏ nên nghỉ làm ở nhà. Tôi tốt nghiệp đại học năm 1986, sau đó học thêm 4 năm y khoa, rồi mất thêm 7 năm nữa để theo ngành chấn thương chỉnh hình và tu nghiệp nâng cao, tất cả là 15 năm. Thực ra trong ước nguyện của tôi từ xưa đến giờ, tôi có kỳ vọng trở về đây, có thể đóng góp được chút nào hay chút ấy.

* Những năm đầu của bác sĩ ở đất khách quê người, ấn tượng gì là khó quên?

- Lúc mới qua đó khó khăn lắm, không có thân nhân, không biết tiếng Anh. Nhưng cái gì cũng qua được mà. Nhờ cái căn bản của ba má tôi dạy. Ba tôi là thầy giáo làng. Ba má tôi ngày xưa nghèo lắm, nhưng quý trọng việc học. Học sinh của ba tôi sau này cũng nhiều người thành công. Tên ông ấy là Võ Liễu, mất rồi, má tôi năm nay cũng 90 rồi. Ba tôi có cái hay là dạy cho bọn tôi sự tự tin, thứ nhì là tinh thần tự học tự tiến.

* Khi đã là người thành đạt, bác sĩ có bao giờ nghĩ xem mình đã mổ cho tất cả bao nhiêu người?

- Trời, không thể nhớ! Mỗi năm tôi mổ khoảng 1.000 ca, nói đơn giản như vậy để anh dễ hình dung. Bệnh nhân của tôi đến giờ này thì đủ các dân tộc, các quốc tịch.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

võ khối (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.