Vì sao virus cúm hoạt động mạnh vào mùa đông?

04/03/2008 09:34 GMT+7

(TNO) Các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu quốc gia về sức khỏe trẻ em và sự phát triển của con người (NICHD) (Mỹ) cho biết, virus cúm có khả năng tự khoác lên mình những lớp chất béo để trở nên cứng rắn hơn và giúp bảo vệ chúng khỏi cái lạnh của mùa đông, đây là lý do tại sao mùa đông được coi là mùa của bệnh cúm.

Theo các nhà khoa học, lớp phủ bọc giống như lớp bơ hay lớp vỏ bọc kẹo M&M, sẽ tan chảy thành chất lỏng trong bộ phận hô hấp, cho phép virus lây lan vào các tế bào. Đây là con đường để virus cúm có thể xâm nhập vào cơ thể.

Phương pháp chụp ảnh cộng hưởng từ hạt nhân được sử dụng để quan sát vỏ bọc của virus cúm. Kết quả cho thấy virus không thể tự sinh sản nhưng chúng có thể xâm nhập vào tế bào sống khi lớp vỏ bọc ngoài như một lớp màng tan chảy dẫn đường cho virus tấn công các tế bào đó.

Trong nhiệt độ lạnh, vỏ bọc của virus có thể chống lại một số loại chất tẩy rửa, do đó việc rửa tay đôi khi cũng không thể tiêu diệt được chúng. Con đường lây nhiễm thông thường là từ việc ho, hắt hơi của người bệnh và đôi khi quá trình lây nhiễm chỉ đơn giản qua nói chuyện hay qua các ngón tay cầm đồ vật.

Kết luận trên cho thấy, ở điều kiện khí hậu ấm áp, ở ngoài trời nắng, lớp vỏ bọc sẽ tan chảy và virus sẽ chết nếu như chúng không ở trong một cơ thể sống. Đây là điểm yếu của virus mà từ đó, các nhà khoa học sẽ tìm ra cách thức diệt trừ chúng.

      Trang Anh (Theo Reuters)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.