Chênh lệch giàu nghèo ở Việt Nam

29/01/2008 00:43 GMT+7

Phát triển xã hội, bảo đảm sự công bằng xã hội là một trong ba mục tiêu tổng quát, một trong ba trụ cột của sự phát triển bền vững (kinh tế, xã hội, môi trường) mà nước ta theo đuổi. Về mặt này, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Kết quả tổng hợp nhất là chỉ số phát triển con người (HDI). HDI của Việt Nam đã đạt được ba sự vượt trội. Một, HDI đã liên tục tăng lên qua các năm (năm 1985 - trước Đổi mới đạt 0,562; năm 1990 đạt 0,620; năm 1995 đạt 0,672; năm 2000 đạt 0,688; theo ước tính của người viết năm 2007 có thể vượt qua 0,750). Hai, thứ bậc về HDI của Việt Nam trên thế giới đã tăng khá và gần như liên tục (trong 177 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới có số liệu so sánh, nếu năm 1995 Việt Nam còn đứng thứ 122 thì nay đã  đứng thứ 105). Ba, trong ba chỉ số cấu thành HDI, mặc dù chỉ số về thu nhập còn thấp (xếp thứ 123), nhưng nhờ hai chỉ số khác cao (chỉ số tuổi thọ xếp thứ 56, chỉ số học vấn 101), nên HDI của Việt Nam vẫn đứng trên hàng chục nước có chỉ số thu nhập cao hơn. Điều đó chứng tỏ hai mặt. Một mặt, tăng trưởng kinh tế đã gắn với phát triển xã hội, đã hướng vào con người, phù hợp với nền kinh tế mà Việt Nam lựa chọn là nền kinh tế thị trường định hướng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Mặt khác, tăng trưởng kinh tế vừa để chống tụt hậu xa hơn, vừa là yếu tố tiềm năng nhất để nâng cao HDI.

Một kết quả khác được thế giới đánh giá cao là thành tích xóa đói, giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới của cả nước đã giảm khá (từ 18,1% năm 2004 xuống còn 15,47% năm 2006 và 14,75% năm 2007); của một số vùng còn ở mức thấp hơn (Đông Nam Bộ còn 4,33%, đồng bằng sông Hồng còn 9,62%, đồng bằng sông Cửu Long còn 12,42%).

Những kết quả trên đạt được do nhiều yếu tố: tăng trưởng kinh tế cao, tốc độ tăng dân số giảm đi, các chính sách và chương trình xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm được tích cực thực hiện...

Tuy nhiên, chênh lệch giàu nghèo (phản ánh công bằng xã hội) đang có xu hướng tăng nhanh. Hệ số chênh  lệch giữa nhóm người giàu (chiếm 20% dân số có thu nhập cao nhất) và nhóm nghèo (chiếm 20% dân số có thu nhập thấp nhất) qua các năm được thể hiện trên biểu đồ kèm theo.

Từ chênh lệch trên có thể rút ra một số nhận xét đáng lưu ý.

Thứ nhất, chênh lệch giàu/nghèo những năm qua tăng lên là tất yếu do sự chuyển đổi cơ chế từ kế hoạch hóa tập trung và chế độ bao cấp bình quân hiện vật sang cơ chế thị trường. Cơ chế này đã loại bỏ dần tính bình quân bao cấp, khuyến khích làm giàu bằng việc phát huy các nguồn lực về vốn, trình độ chuyên môn, sức lao động, kinh nghiệm làm ăn và tâm lý trông chờ ỷ lại...

Thứ hai, chênh lệch tăng tương đối nhanh trong thời gian qua và có xu hướng còn cao hơn nữa trong thời gian tới. Cần có chính sách khuyến khích người giàu làm giàu chính đáng hơn nữa; đồng thời hỗ trợ người nghèo về phương tiện làm ăn để tăng thu nhập nhằm tự thoát nghèo, mặt khác vận động để người giàu hỗ trợ người nghèo thông qua giải quyết công ăn việc làm, đóng góp thuế thu nhập, làm từ thiện...

Thứ ba, hệ số chênh lệch giàu/nghèo, nếu xét từ xuất phát điểm của một nước vừa mới chuyển đổi từ cơ chế hiện vật mang tính bình quân sang cơ chế thị trường, nếu xét theo mục tiêu tăng trưởng kinh tế vì con người, vì sự công bằng, thì không thể không quan tâm. Hơn nữa, hệ số của nước ta hiện cao hơn một số nước, kể cả những nước đã qua nhiều năm phát triển tư bản chủ nghĩa (Mỹ năm 2000 là 8,4 lần, Thái Lan năm 2000 là 7,7 lần, Malaysia năm 1999 là 7,1 lần, Canada năm 1998 là 5,8 lần, Hàn Quốc năm 2003 là 5,2 lần, Indonesia năm 2002 là 5,2 lần, Ấn Độ năm 2000 là 4,7 lần, Đức năm 2000 là 4,3 lần...). 

Thứ tư, trong chênh lệch giàu/nghèo của nước ta còn chứa đựng những yếu tố chưa hợp lý ở cả hai đầu - đầu giàu và đầu nghèo.

Ở đầu "giàu", có không ít người có khoản thu nhập bất chính (do buôn lậu, buôn hàng cấm, gian lận thương mại trốn thuế, do tham nhũng, ăn cắp bản quyền, kinh doanh chụp giật...), hoặc những khoản thu nhập không chính đáng do kẽ hở của chính sách. Cần rút kinh nghiệm cổ phần hóa theo kiểu tư nhân hóa, bán tống bán tháo tài sản Nhà nước,... ở "đầu giàu" cũng còn tình trạng một số người chưa thật yên tâm hoặc chưa được khuyến khích để làm giàu chính đáng, rất sợ tình trạng cán bộ thừa hành lạm quyền "vỗ béo làm thịt". Ở "đầu giàu" cũng đã xuất hiện một số người có tư tưởng thỏa mãn theo kiểu giàu xổi hoặc do thu nhập bất chính mà đã dồn cho tiêu xài, chưa dồn vào đầu tư cho sản xuất kinh doanh để tiền đẻ ra tiền nhiều hơn nữa, hoặc tạo ra nhiều việc làm cho xã hội, cho người nghèo.

Ở "đầu nghèo", có không ít hộ nghèo do thiếu vốn, thiếu lao động, thiếu việc làm, thiếu kinh nghiệm, do sự rủi ro ốm đau, tai nạn, thiên tai, dịch bệnh... tức là do những yếu tố khách quan; nhưng cũng có không ít người còn do những nguyên nhân chủ quan, như lười làm, chi tiêu lãng phí, vung tay quá trán, đua đòi, "bóc ngắn cắn dài", do sinh đẻ không kế hoạch, nghèo nhưng vợ chồng con cái không "chung lưng đấu cật" để khắc phục, ỷ lại vào sự trợ giúp trực tiếp của Nhà nước, của xã hội..., thậm chí còn sa vào các tệ nạn cờ bạc, nghiện hút, rượu chè... Thứ năm, về mặt tâm lý xã hội, việc đối xử không nên "vơ đũa cả nắm", không nên "người giàu thì ghét, người nghèo thì khinh". Người giàu do làm ăn chính đáng, do trình độ... phải được khuyến khích, tôn vinh, học tập. Người nghèo do khách quan cần được chia sẻ, hỗ trợ, đùm bọc.


Hệ số chênh lệch giàu/nghèo qua các năm (lần)

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.