“Cư dân” mới ở Thảo cầm viên Sài Gòn

25/01/2008 21:31 GMT+7

Chị Hiền Lương, Giám đốc Thảo cầm viên Sài Gòn báo tin vui: Tết này không chỉ có thêm cặp tê giác trắng nhập về từ Nam Phi, mà gia đình họ móng guốc ở Sở thú đã có đủ tê giác, hươu cao cổ, ngựa vằn và cả một bầy linh dương từ châu Phi xa xôi.

Gia đình Việt - Thái

Chị Hiền Lương đưa chúng tôi xuống thăm khu nuôi ngựa vằn và hươu cao cổ. Căn nhà của hươu thật cao, nằm trong một góc khuất gần trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tới nơi, chị Hiền Lương cất tiếng gọi: "Việt ơi, Thái ơi". Cứ tưởng chị gọi nhân viên của mình ra để hướng dẫn cho khách xem thú, nhưng anh Lộc, Tổ phó tổ Móng guốc, người trực tiếp chăm sóc hươu hằng ngày giải thích: "Việt, Thái là tên của hai cô cậu hươu cao cổá. Việt là con cái, còn Thái là con đực...".  Từ trong căn nhà khổng lồ, anh chàng chủ nhân cao to đủng đỉnh đi ra "chào" khách, trong khi chị nàng bẽn lẽn ở bên trong. Mới 2 năm nhập "quốc tịch" và "đăng ký thường trú" ở Thảo cầm viên Sài Gòn mà nay hai cô cậu nhà hươu cao cổ đã ra vẻ "người lớn", nhổ giò cao nghệu. Chị Hiền Lương nói: "Giờ đã đến tuổi biết "yêu" rồi đó". Còn anh Lộc thì mong sao chúng nó mau có "em bé" để anh được "ẵm bồng".

Chị Hiền Lương kể: "Hồi nhập chúng từ bên Thái Lan về, vận chuyển cực khổ vất vả lắm. Lúc đó, Việt và Thái đều còn nhỏ (một con 15 tháng và một con 17 tháng tuổi), tưởng sẽ đi được máy bay. Nhưng thân hình quá khổ, chui vào máy bay không lọt, nên đành phải đi bằng xe container chuyên dụng, xuyên qua Lào, về Việt Nam. Vậy mà khi chui vô xe, cái cổ cao quá nên phải ló đầu ra ngoài đến nửa mét".

Hằng ngày, gia đình nhà Việt - Thái xơi ngót nghét 60 kg thức ăn các loại, từ lá cây, cỏ, cho đến chuối, ớt Đà Lạt, đậu rồng, đậu xanh, đậu đũa... Món khoái khẩu nhất là lá me keo (loại cây có thân và cành đầy gai). Những cành lá xung quanh, hễ vừa tầm là hai anh chị xơi trụi. Tuy vậy, chúng không phải là loại ăn tạp như họ nhà dê, lá cây nào mùi là dứt khoát không ăn.

Anh Cao, Tổ trưởng tổ Móng guốc cho biết: Loài hươu cao cổ có đặc điểm là không kêu la, suốt ngày cứ im hơi lặng tiếng. Vậy mà hễ nghe các anh, chị ở Thảo cầm viên Sài Gòn gọi tên mình là chúng quay đầu lại ngay. Chúng thường giao tiếp với nhau bằng những cử chỉ, như dùng cái cổ dài ngoằng cạ vào nhau. Có lúc cao hứng, anh chàng nhảy cỡn lên, có khi thì gác 1 chân sau lên hàng rào, như giả vờ bị mắc kẹt chân ra bên ngoài. Có lúc lại thích giỡn với người chăm sóc chúng. Anh Lộc nói: "Những cặp giò quá to khỏe của chúng mà giỡn thì sợ lắm, mặc dù chúng rất hiền và dễ thương vô cùng".

Những người bạn đến từ Nam Phi

Cạnh nhà hươu cao cổ là nhà của ngựa vằn, mới được nhập về từ Nam Phi. Gia đình ngựa vằn hiện có 4 thành viên, đều còn rất trẻ. Một trong 4 cô cậu vừa mới thay lông, thật đẹp. Cũng đến từ Nam Phi là đại gia đình nhà linh dương, gồm 4 loài: đầu bò, sừng kiếm, sừng xoắn và linh dương Bles. Loài thú hoang dã châu Phi này tưởng chỉ được xem trên màn ảnh truyền hình, nay thì mọi người đã có thể tận mắt ngắm nhìn chúng ngay tại TP.HCM. Chị Hiền Lương cho biết: "Hồi mới nhập về vào tháng 8.2007, cả đàn có 20 con, nhưng do đi máy bay đường dài, nên về tới TP.HCM thì có 3 con bị stress và chết. Loài linh dương dễ stress lắm. Khi stress thì nhè đầu vào tường mà húc". 

Trong bầy linh dương, dáng ngầu nhất là những chú linh dương đầu bò, nhưng ấn tượng nhất là cặp sừng như hai thanh kiếm dài và nhọn hoắc của những chú linh dương sừng kiếm. Loài Bles nhìn thật là hiền, còn những chú linh dương sừng xoắn với những cặp sừng non vừa mới nhú trông rất dễ thương. Loài linh dương chỉ mọc sừng có 1 lần, nếu bị gãy thì không thể mọc lại. Do vậy, khi vận chuyển trên máy bay, người ta phải dùng ống cao su bọc lại để bảo vệ "cặp kiếm" của các chú. Chị Hiền Lương cũng cho biết, những con thú mới nhập về đều còn trẻ, ở độ tuổi sinh trưởng để phát triển bầy đàn sau này. 

Mai Vọng 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.