Vụ tranh chấp căn nhà trị giá 5.000 lượng vàng: Bác yêu cầu của các bên về quyền mua nhà

13/12/2007 09:56 GMT+7

(TNO) Hôm qua 12.12, Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã tuyên án vụ tranh chấp căn nhà 36 Nguyễn Thị Diệu, quận 3, TP.HCM. Theo đó, HĐXX đã tuyên bác tất cả yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan - hủy các hợp đồng mua bán căn nhà này; bác yêu cầu đề nghị được tiếp tục mua nhà của các bên và sửa mức tiền bồi thường thiệt hại.

Theo HĐXX, căn cứ vào nội dung hợp đồng mua bán nhà giữa bà Nguyễn Thị Thanh Tao (nguyên đơn) và ông Lê Hồng Phương (bị đơn) cùng các chứng cứ khác thì giao dịch này là hoàn toàn có thật. Vào thời điểm các bên giao kết thì bà Tao đã được quyền mua nhà thuộc sở hữu nhà nước và chuyển quyền sử dụng đất ở. Hai bên cũng giao kết khi nào bà Tao có chủ quyền nhà thì ra công chứng sang tên. Từ đó, có căn cứ để cho rằng đây là giao dịch dân sự có điều kiện.

Tuy nhiên, khi có chủ quyền bà Tao không ra công chứng sang tên như thỏa thuận làm hợp đồng vô hiệu nên lỗi thuộc về bà Tao. Tuy nhiên, án sơ thẩm buộc bà Tao bồi thường cho ông Phương trên 3.600 lượng vàng là không đúng. Bởi lẽ, bà Tao và ông Phương có thỏa thuận tại hợp đồng ngày 27.8.2000 nếu bà Tao đổi ý không bán nhà thì phải đền bù gấp đôi số vàng đã nhận của ông Phương. Chính vì vậy, HĐXX đã tuyên sửa án sơ thẩm buộc bà Tao phải bồi thường cho ông Phương 2.096,32 lượng vàng (số vàng bà Tao đã nhận của ông Phương gồm cả chi phí hợp thức hóa nhà là 1.048,16 lượng vàng).


Cơ quan chức năng đang tổ chức cưỡng chế thi hành án – Ảnh: Diệp Đức Minh

Hiện nay, căn nhà này đã được phát mãi với giá 3.505 lượng vàng, ông Phương đã nhận lại được trên 3.000 lượng vàng. Nếu tính theo bản án đã tuyên thì bà Tao từ một người mắc nợ (theo án sơ thẩm) trở thành có dư 1.409 lượng vàng vì bà chỉ phải trả lại ông Phương hơn 2.000 lượng. Trên thực tế, ông Phương phải hoàn trả lại cho bà Tao hơn 1.000 lượng vàng vì ông đã được thi hành án dư.

Trước đó, các luật sư của các bên cùng những đương sự liên quan trong vụ án đã có những tranh luận khá gay gắt về hợp đồng mua bán và những vấn đề có liên quan. Luật sư Nguyễn Minh Tâm bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Thanh Tao cho rằng căn nhà 36 Nguyễn Thị Diệu được bà Tao ký hợp đồng bán cho bà Dương Thị Bạch Diệp (bị đơn) với hai hợp đồng: ngày 2.9.1999 với giá 900 lượng vàng và ngày 15.9.1999 giá 1.600 lượng vàng. Sau đó bà Tao ký hợp đồng bán nhà cho ông Lê Hồng Phương (người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) thực chất là hợp đồng giả cách để bảo đảm cho số vàng ông Phương cho bà Diệp vay trả tiền mua nhà. Theo luật sư Tâm, nếu nói là hợp đồng mua bán thì đến lúc này, giữa bà Tao và bà Diệp vẫn chưa có biên bản thanh lý hợp đồng chấm dứt quan hệ mua bán nên hợp đồng bán nhà cho bà Diệp vẫn còn tồn tại. Thêm vào đó, hợp đồng bán nhà cho ông Phương được ký căn cứ vào hợp đồng mua bán nhà ngày 2.9.1999 nhưng là hợp đồng giả (có giám định) thì không thể làm cơ sở xem xét có việc mua bán với ông Phương. Luật sư Tâm cũng phân tích hợp đồng mua bán giữa ông Phương và bà Tao không phải là giao dịch dân sự có điều kiện vì bản thân giao dịch này là giao dịch bất hợp pháp bán nhà khi chưa có quyền sở hữu.

Còn luật sư Phan Trung Hoài, bảo vệ quyền lợi cho bị đơn lập luận giao dịch của các bên là vô hiệu vì vi phạm cả về nội dung lẫn hình thức nhưng án sơ thẩm lại công nhận giao dịch của ông Phương là có thật chỉ vô hiệu về hình thức vì chưa công chứng sang tên là không đúng. Trong quá trình giải quyết vụ án phát sinh hậu quả pháp lý là căn nhà đã được bán thi hành án nhưng những người liên quan không được tham gia vụ án là không thỏa đáng. Biên bản nghị án và biên bản hòa giải có sai sót không đúng với qui định của pháp luật...

Ngoài ra các luật sư của nguyên đơn và bị đơn nhiều lần nhấn mạnh nếu chỉ dừng lại ở việc xem xét các câu chữ của các hợp đồng mua bán thì không thể đến được bản chất thật của giao dịch là vay mượn. Chính vì vậy, mọi người đề nghị hủy bán án sơ thẩm để xét xử lại.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Hiệp bảo vệ quyền lợi cho ông Phương cũng đưa ra nhiều lập luận phản bác lại những ý kiến trên. Theo luật sư Hiệp, hợp đồng mua bán giữa ông Phương và bà Tao mới là hợp đồng thật. Bởi lẽ trong hợp đồng này có ghi mọi hợp đồng mua bán trước đây đều không còn giá trị và yêu cầu được tiếp tục thực hiện hợp đồng, trong trường hợp hủy hợp đồng thì phải bồi thường cho ông Phương thỏa đáng.

Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.