Hà Nội: Thành phố sông Hồng vẫn còn ngổn ngang

27/11/2007 20:10 GMT+7

Ngày 26.11, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Tổ dự án Sông Hồng bao gồm các chuyên gia của Hàn Quốc và Việt Nam đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực về dự án Quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội.

GS.TSKH Nguyễn Thế Bá, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, nội dung nghiên cứu của dự án thể hiện phương pháp khoa học, có cơ sở và có ý thức nghề nghiệp cao theo một lộ trình khá hợp lý.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Bá cũng lưu ý: "Ý tưởng quy hoạch xây dựng các khu ở phải tạo lập cũng chỉ là ý tưởng tổ chức không gian ban đầu theo kiểu phác thảo, chưa hoàn toàn thuyết phục về mặt kiến trúc - quy hoạch cũng như tỷ lệ công trình minh họa". Ông Nguyễn thế Bá dẫn chứng: "Dãy nhà ở cao tầng dọc tuyến đê Tứ Liên không tạo nên sự gắn kết giữa sông Hồng và hồ Tây là một ví dụ cần xem xét...".

Ở một góc độ khác, TS địa chất Đinh Văn Thành lưu ý: "Để hoàn chỉnh hơn dự án quy hoạch này, công tác nghiên cứu điều tra cần quan tâm đến các vấn đề như: việc quy hoạch phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội phải được đặt trong quy hoạch tổng thể của toàn bộ lưu vực sông Hồng và các quy hoạch khác xung quanh Hà Nội". Ông Thành cho rằng, Tổ dự án chưa có các số liệu điều tra về đặc điểm địa chất, cấu trúc địa chất của vùng Hà Nội nói riêng và châu thổ sông Hồng nói chung khi lập quy hoạch dự án.

GS.TS Nguyễn Lân, Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam cũng cho rằng, vấn đề quan trọng đầu tiên khi nghiên cứu lập quy hoạch thành phố sông Hồng là chỉnh trị sông Hồng. Ông khẳng định: "Xưa nay đây vẫn là vấn đề khó nhất". Ông Lân lưu ý: "Trong báo cáo có đề cập đến việc xây dựng hệ thống đê, ổn định dòng lũ, chống ngập lụt, cải tạo lòng dẫn, cải tạo đường thủy và cải tạo kè chống xói mòn. Đây là vấn đề hết sức phức tạp cần thiết phải có sự phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tìm phương án khả thi".

Đồng ý với việc biến đê sông Hồng thành một thành phố ven sông, Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam TS.Phạm Sỹ Liêm khẳng định: "Việc cải tạo khu vực dân cư ngoài bãi đã trở nên cấp thiết vì mấy lẽ, số dân sẽ đông lên nhanh chóng, có thể lên đến vài ba chục vạn và không chỉ trải dọc hữu ngạn mà sẽ bành trướng cả sang bên tả ngạn nhờ sự có mặt của các cây cầu. Do đó càng muộn ngày nào thì vấn đề giải phóng mặt bằng và tái định cư càng trở nên phức tạp và nặng nề thêm". Ông Liêm nói: "Điều kiện sinh sống thấp kém của người dân, vấn đề ô nhiễm môi trường, các tệ nạn xã hội tại khu vực này đang đặt ra cho chính quyền thành phố nhiều vấn đề gai góc cần giải quyết để đưa thủ đô tiến lên văn minh, hiện đại. Như vậy, đoạn sông Hồng mà dự án cần quan tâm trước hết là khu vực 2 và khu vực 3, từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì với tổng chiều dài 2-3 km".

Các nhà quy hoạch chia 40 km sông Hồng đoạn qua Hà Nội thành 4 khu vực phát triển; hình thành đô thị trên 2.462 ha đất; cung cấp khoảng 97.000 căn hộ và thửa đất. Đồng thời sẽ tạo ra nhiều khu phân phối hàng đa năng, công trình công cộng, khu phức hợp quốc tế công nghệ cao.

Quy mô dân số ước tính của toàn dự án khoảng 342.000 người. Nhưng trước mắt thành phố sẽ phải đầu tư cải tạo, gia cố hệ thống đê điều, bến cảnh, xây dựng 4 cây cầu lớn, 4 đường xe ngầm và 9 bãi đỗ xe công cộng.

Đây là một dự án lớn, nhiều khả năng Chính phủ sẽ phải thành lập Hội đồng thẩm định quốc gia để xem xét và trình Quốc hội cho ý kiến trước khi phê duyệt.

Duy Kiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.