Ngày mới ở làng "ma ám"

07/10/2007 23:12 GMT+7

Tất cả gia súc trong làng bỗng dưng… nổi điên rồi lăn ra chết không rõ nguyên nhân. Đó là chuyện xảy ra ở xóm Đầu, thôn Sơn Quả, xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang từ năm 1997 và kéo dài gần 10 năm. Từ tháng 5.2006, nhiều cơ quan chức năng đã về nghiên cứu tìm nguyên nhân, nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng...

Khi gia súc hóa điên

Cách đây 10 năm, đêm 21.4.1997, vợ chồng anh Bùi Văn Thanh ở xóm Đầu bị dựng dậy bởi hai con heo gần đến ngày xuất chuồng bỗng kêu inh ỏi. Cuống cuồng lấy đèn pin ra kiểm tra, anh chị chứng kiến hai con heo ngoan hiền ngày nào giờ đây như hai con thú hoang, vừa kêu vừa lao vào tường ầm ầm. Cơn điên kéo dài vài chục phút, hai chú heo hộc lên mấy tiếng rồi lăn ra chết tươi, từ miệng chúng rỉ ra vài giọt máu. Khoảng nửa tháng sau vợ chồng anh Thanh tiếp tục mua đàn heo khác về nuôi. Thế nhưng chúng tiếp tục "nổi điên" và chết như hai con heo trước.

Tương tự, gia đình anh Bùi Văn Hùng có 7 con heo thịt (nặng khoảng 70 - 80 kg/con) và hai con heo nái cũng tự nhiên sùi bọt mép chết thẳng cẳng. Xót nhất là con trâu mộng, anh chị vay mượn tiền khắp nơi mới mua được, thế nhưng một hôm sau 3 tiếng rống kinh hồn, con trâu lăn uỵch ra chết tươi. Tổng cộng từ năm 1997 đến năm 2001, nhà anh Hùng có đến 41 con heo, 7 con chó cùng 1 con trâu mộng lìa đời vì chứng bệnh điên. Vợ chồng anh cho rằng gia đình mình bị "ma ám" nên rủ nhau rời bỏ  làng để sang nhà bố mẹ vợ ở làng bên sinh sống...

Xóm Đầu có 34 hộ dân với 143 nhân khẩu. Thu nhập chính của người dân là trồng trọt trên diện tích 21 ha lúa và hoa màu. Toàn xóm có 37 con trâu, bò thì cả 37 con đều chết vì bệnh điên. Heo, chó thì trung bình mỗi hộ có trên dưới 100 con chết. Trước khi chết tất cả gia súc đều kêu la inh ỏi, đâm đầu vào tường, chạy loạn xạ...

Từ khi gia súc nhà anh Hùng, anh Thanh chết cho đến giữa năm 2006, toàn bộ trâu, bò, heo, chó trong xóm Đầu đều chết sạch với cùng một chứng bệnh điên. Trong đó hộ ông Khiêm có 16 con heo cùng đâm đầu vào tường để... chết.  Việc đồng áng ở xóm Đầu gặp nhiều khó khăn, quanh năm lúa khoai cằn cỗi vì không có trâu bò cày ruộng.

Không thể sống ở làng đã bị "ma ám", nhiều thanh niên bỏ xứ đi làm ăn, còn các hộ dân khác thì hy vọng lớp gia súc mới mua về sẽ "trụ" lại được. Thế nhưng mọi cố gắng của họ đều vô vọng, bởi gia súc mua về chỉ sống được 3-4 ngày, nhà nào may mắn lắm thì nuôi được gần 40 ngày là chúng lại nổi cơn điên và chết...

Cơ quan chức năng vào cuộc

Gần 10 năm trời, tình trạng gia súc ở xóm Đầu chết hàng loạt làm nhiều người dân hoang mang và những câu chuyện đầy mùi ma quái được dư luận đồn thổi. Người dân kéo nhau đi xem bói, có thầy phán: "Trước đây các cụ trong xóm có chôn 4 con chó đá để giữ làng, song có kẻ nào đó đào trộm nên không có ai bảo vệ phần âm của xóm. Vì thế có con quỷ vào xóm bắt hết vật nuôi, sau đó sẽ bắt đến người...". Họ lại đi đón thầy cúng về trấn trạch cho cả xóm. Thầy cúng vừa về hôm trước, hôm sau gia súc tiếp tục sùi bọt mép lao đầu vào tường chết. Đầu năm 2005, gia súc nuôi bao nhiêu chết bấy nhiêu, người dân phải cầu cứu đến đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang.

Ngày 13.5.2005, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang có Công văn số 121/CV - ĐBQH gửi Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh Bắc Giang yêu cầu tìm hiểu nguyên nhân gia súc ở xóm Đầu chết hàng loạt. Sau đó, Giám đốc Sở KH-CN giao cho Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH-CN điều tra khảo sát, xây dựng và triển khai đề tài: "Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp khôi phục và phát triển chăn nuôi gia súc ở xóm Đầu...".

Tháng 5.2006, Trung tâm ứng dụng KH-CN cùng với Trung tâm công nghệ xử lý môi trường - thuộc Bộ tư lệnh Hóa học (Bộ Quốc phòng) và Viện Thú y T.Ư mang máy móc và các thiết bị hiện đại về xóm Đầu. Các chuyên gia đã lấy mẫu đất, nước, khảo sát bức xạ ion hóa, lấy mẫu súc vật đã chết... để phân tích.  Cán bộ thú y tiến hành phun hàng tạ hóa chất khử trùng cho toàn bộ chuồng, trại của các hộ dân trong xóm. Sau đó Trung tâm ứng dụng KH-CN mang 12 con bò, 24 con heo, 24 con chó chia đều cho các hộ nuôi (số gia súc này đều đã được tiêm phòng cẩn thận) dưới sự giám sát của cán bộ trung tâm. Kết quả là bò, lợn đều khỏe mạnh không hề có biểu hiện gì bất thường. Trung tâm tiếp tục cho các hộ dân nuôi thí nghiệm đợt 2 (tháng 9.2006) gồm 6 con bò, 13 con heo và 15 con chó.

Đến nay số gia súc này đều sinh trưởng bình thường. Riêng về chó, cả hai lần nuôi thí nghiệm thì có vài con chết, Trung tâm ứng dụng KH-CN lập biên bản lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả, một số con chết do ngộ độc thức ăn, một số con khác chết do nhiễm khuẩn Ecoli dung huyết và vi khuẩn Steptococus, số còn lại chết do bị kiết.

Cô La Thị Bẩy đang cho heo ăn (Ảnh: Hoài Nam)

Bị hạ độc?

Ở một hướng khác, trong thời gian tiến hành các thí nghiệm ở xóm Đầu, Trung tâm ứng dụng KH-CN cũng nhờ Công an huyện Hiệp Hòa vào cuộc. Và từ khi công tác an ninh được siết lại thì trâu, bò, lợn... không hề có biểu hiện bị điên nữa. Đặc biệt, ngày 14.10.2006 một số người dân phát hiện hai đống cơm đổ trước cổng nhà ông Lần và nhà ông Nghi, họ liền báo cho cán bộ Trung tâm KH-CN biết. Ngay lập tức, trung tâm này đã tiến hành lập biên bản, lấy mẫu gửi đi phân tích ở Viện Khoa học kỹ thuật hình sự - Bộ Công an. Kết quả giám định nêu: "... trong mẫu cơm có một loại độc tố có nguồn gốc từ thuốc phóng, thuốc phóng khi vào cơ thể gia súc sẽ giải phóng nitorat, nitorit gây ngộ độc cho gia súc, gia súc sẽ có biểu hiện như điên loạn". Theo ông Lưu Kim Đính, Chủ tịch UBND xã Lương Phong, thì đến thời điểm này cả lãnh đạo xã và người dân đều không hề biết loại "thuốc phóng" là thuốc gì, và thủ phạm là ai?

Khi được hỏi về thiệt hại của các hộ dân do gia súc chết, ông Đính nói: "Chúng tôi không thể thống kê được. Nhưng từ một xóm giàu nhất thôn, nay tình cảnh của người dân rất thảm hại". Còn Chủ tịch HĐND xã Nguyễn Trung Tân thì bày tỏ: "Tôi rất mong tới đây ngành chức năng có báo cáo chính thức về nguyên nhân gia súc ở xóm Đầu chết, để công an vào cuộc truy tìm thủ phạm lấy lại sự công bằng cho những hộ dân bị thiệt hại nặng nề do gia súc chết trong 10 năm qua".

Cuối tháng 9.2007, chúng tôi đến xóm Đầu và chứng kiến người dân đã nuôi được trâu, bò, lợn, chó bình thường.  "Nhà tôi đã xuất chuồng được 3 lứa lợn, lãi trên dưới 30 triệu đồng. Tôi bàn với ông nhà tôi dùng hết số tiền này mua lợn giống nuôi tiếp vì lợn thịt giá đang cao" - cô La Thị Bẩy, một nông dân ở đây, phấn khởi cho chúng tôi biết.

Hoài Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.