Sập cầu Cần Thơ: Bao giờ mới xác định được nguyên nhân thảm họa ?

04/10/2007 00:37 GMT+7

Những ngày qua, ông Chu Ngọc Sủng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam, luôn bám sát hiện trường, đồng thời tham dự nhiều cuộc họp với Ban chỉ đạo khắc phục thảm họa cầu Cần Thơ, đã dành cho PV Báo Thanh Niên cuộc phỏng vấn xung quanh việc đi tìm nguyên nhân thảm họa.

• Trong những ngày tiếp cận với hiện trường, ông thấy phần nào của hệ thống này có thể dẫn đến sập đổ? 

- Cái nào cũng quan trọng cả, như trụ đỡ, xà đỡ, móng trụ, các thanh liên kết... Tất cả những nhận định về nguyên nhân sập đổ trong lúc này đều là võ đoán. Đánh giá sự cố thì đòi hỏi phải có thời gian. Trong một công trường như thế này có 2 tài liệu để quản lý: thứ nhất là điều kiện hợp đồng, thứ hai là chỉ dẫn kỹ thuật. Bây giờ phải đối chiếu 2 tài liệu đó xem còn sai sót ở chỗ nào. Để đi tìm nguyên nhân cũng cần rất nhiều chuyên gia. Ví dụ như nói nó bị lún thì cần có một chuyên gia về địa chất. Mà địa chất công trình thì rất phức tạp, nhiều nơi không giống nhau, phải khảo sát bản chất của lớp đất đá này như thế nào, có dòng chảy ngầm hay không... Còn sai sót ở các trụ đứng thì phải tìm nguyên nhân ở chỗ nào, phải lần lại trong quá trình làm người ta theo dõi những điều gì. Chúng ta chưa quên trong sự cố sập một tòa nhà lớn ở Pháp, người ta phải tập hợp tất cả các chuyên gia giỏi nhất của nước Pháp, nhưng phải đến một năm rưỡi sau mới công bố được nguyên nhân, mà nguyên nhân đó vẫn còn tranh luận, không thống nhất được với nhau.

* Hiện nay chúng ta đã tiến hành mời các chuyên gia giỏi để tìm nguyên nhân đổ sập tại cầu Cần Thơ chưa?

- Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang tiến hành các thủ tục ấy, bởi thủ tục ấy phải tuân thủ theo Luật Xây dựng và Nghị định 29 của Chính phủ. Riêng các công trình vay vốn nước ngoài, theo thông lệ quốc tế còn phải đối chiếu với các điều kiện hợp đồng và các chỉ dẫn kỹ thuật, coi như là hai bộ luật. Khi tranh tụng vấn đề gì thì người ta cũng dựa vào 2 cái đó.

* Công việc chính của ông trong những ngày qua tại hiện trường là gì?

- Công việc của tôi là vào quan sát các kết cấu khi người ta gỡ các phần của công trình bị sập. Ngoài ra cùng với tổ kỹ thuật lúc cần thiết thì tham mưu cho lãnh đạo Bộ và nhà thầu khi gỡ các kết cấu ra, cái nào trước, cái nào sau để cho an toàn, kẻo không khi gỡ ra nó lại sập gây tai nạn cho người phía dưới.

* Trong quá trình quan sát, ông nhận xét các kết cấu tại công trình như thế nào?

- Quan sát các xà đỡ thì chất lượng rất tốt. Kiểu thiết kế của nó là kiểu thiết kế dùng cho nhiều nơi, chứ không phải chỉ riêng ở đây.

* Có thông tin cho rằng khi thi công đóng cọc cho phần trụ tạm nhà thầu đã không thử tải?

- Cái đó không thể bắt bẻ được, vì thực chất người ta có thử tải trọng động trên phần cọc, đó cũng là một cách thử tải.

* Còn thử tải tĩnh thì sao, thưa ông?

- Cũng không thể bắt buộc được, vì người ta có biện pháp khi làm cụ thể. Không ai bắt buộc phải thử tải tĩnh hay thử tải động.

* Lẽ nào trong quy trình thi công lại không bắt buộc điều này?

- Không bắt buộc. Chỉ trong trường hợp người ta nghi ngờ người kỹ sư nào đó, nghi ngờ những thông số không đủ mới tiến hành thử. Còn ở đây đơn vị thi công đã thử tải trọng động, tức là họ đã gõ xem một nhát búa thì cái cọc đó lún bao nhiêu và tính toán ra cọc đó chịu được bao nhiêu tấn. Đó là một cách thử, không bắt bẻ được.

* Nhà thầu công trình cầu Cần Thơ đã thử bằng cách đó?

- Đúng. Còn việc trích đăng một đoạn lá thư của tư vấn trên một tờ báo cũng không đúng. Vì cái người ta (tư vấn giám sát - PV) so sánh con số 15% ấy là sau khi đã chia cho hệ số an toàn 2,5 rồi. Bản thân lá thư ấy có khi cũng chưa thuyết phục được nhà thầu. Vì theo thông lệ quốc tế thì nhà thầu chịu trách nhiệm cuối cùng.

* Như vậy hệ số an toàn đã sử dụng ở công trình cầu Cần Thơ là bao nhiêu?

 - Cái đó hiện nay cũng chưa biết được. Tôi chỉ biết qua đọc được một đoạn trích dẫn thì khi thử tải động xong, đơn vị thi công mới chia cho hệ số an toàn là 2,5. Đã đạt đến hệ số 2,5 rồi thì độ chịu tải còn lớn hơn 15% tải trọng cọc, chứ không phải chỉ số an toàn chỉ ở mức 1/15 như người ta nói đâu. 

* Việc sử dụng trụ đỡ cho đà giáo ở những công trình lớn như thế này, độ cao càng lớn thì độ bất ổn định càng lớn, theo ông thì sao?

- Chẳng có vấn đề gì. Tại cầu Thuận Phước, Đà Nẵng còn cao hơn thế này nhiều. 

* Một bài báo trên một tạp chí chuyên ngành cho rằng như thế là không an toàn?

- Nói như thế thì võ đoán. Phương pháp đó gọi là đà giáo đẩy... Nó xuất phát ở châu u, khi họ làm những cầu có độ dài hàng cây số thì mới "kinh tế". Còn làm cầu trên đất thì ta cứ làm đà giáo tại chỗ, rẻ hơn. 

* Thiết kế đà giáo ở công trình này ông thấy có "vấn đề" gì không?

- Thiết kế làm rất chuyên nghiệp. Cho nên tôi cho rằng sự cố này là một tai nạn nghề nghiệp.

* Kể cả vật liệu sử dụng làm hệ đà giáo?

- Vâng, rất tốt. 

* Cái mấu chốt ở đây, như ông nói thì đây là tai nạn trong quá trình thi công. Nó bắt đầu từ đâu?

- Bắt đầu từ khâu thiết kế hệ đà giáo và cả khâu theo dõi từ khi bắt đầu thi công. Bây giờ chưa thể kết luận được, cần phải lục lại hồ sơ xem trong quá trình người ta theo dõi như thế nào.

* Ông đã tiếp cận nhật ký công trường chưa?

- Tôi cũng chưa tiếp cận được. Cho đến bây giờ, tôi cũng chưa biết nguyên nhân vì cái gì. Việc này đòi hỏi phải có thời gian, phải tập hợp các nhà kỹ thuật ở các lĩnh vực kết cấu, địa chất công trình... để làm việc, thảo luận.

* Các chuyên gia trong nước có thể tìm ra nguyên nhân hay không, hay là phải nhờ các chuyên gia nước ngoài?

- Tôi nghĩ mình sẽ làm được.

* Ông dự đoán cần bao nhiêu thời gian để có kết luận về nguyên nhân?

- Nhanh thì 3-4 tháng, bởi vì nhiều khi tìm không có chứng cớ. Tất cả đều phải từ chứng cớ. Rất là khó.

* Bài học rút ra từ sự cố này là gì?

- Bây giờ chưa đánh giá được nguyên nhân, nên cũng chưa thể rút ra được bài học từ sự cố này.

Nếu như anh có nghe ai nói điều gì đó về nguyên nhân, thì đừng vội đưa thông tin đó lên, vì tất cả những điều đó là võ đoán. Bởi vì đã gọi là làm kỹ thuật thì phải tìm cho ra chứng cớ đến ngọn ngành, đến tất cả các khía cạnh rồi mới tuyên bố được. Mấy hôm nay hay nói là sập cầu. Nói như thế là hơi xui, vì đã có cầu đâu mà sập. Ở đây là sập đà giáo, vì phần này đổ chưa xong. 

* Ở nước ta có rất nhiều công trình xây dựng cầu đang được triển khai. Sự cố này có thể gọi là báo động về vấn đề an toàn trong các công trình xây dựng?

- Bấy lâu nay các anh em đều tuân thủ các quy trình về an toàn trong xây dựng. Các nguyên tắc, luật lệ trong thi công cũng đủ hết rồi. Nhưng nếu như ở khâu nào có một vài người chịu trách nhiệm chính mà để sơ suất, mà chủ quan thì có thể gây ra những sự cố đáng tiếc. Qua sự cố này, các anh em làm kỹ thuật xây dựng phải tự xem lại mình từ bấy lâu nay đã làm có chắc chắn đến nơi đến chốn hay chưa. Ở nước ngoài, người ta coi sự cố như thế này là tai nạn nghề nghiệp. Mà phải nói dân mình rất bao dung. Con người gây thảm họa, bây giờ chưa biết là ai, thế nhưng người dân mình không tỏ ra giận dữ, chỉ tiếc thương cho những người bị nạn. Thứ hai, các vị lãnh đạo Nhà nước mình cũng rất quan tâm. 

* Xin cám ơn ông.

Mai Vọng - Tiến Trình (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.