Cơ hội cho du lịch Sơn Mỹ

08/09/2007 23:39 GMT+7

Khi đạo diễn lừng danh Oliver Stone về Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) để khảo sát thực địa, chuẩn bị cho bộ phim về vụ thảm sát Mỹ Lai (Sơn Mỹ) sắp được bấm máy, điều tôi nghĩ tới đầu tiên không phải là Oliver Stone sẽ làm phim về Sơn Mỹ như thế nào, mà là ngành du lịch Quảng Ngãi nói riêng, Việt Nam nói chung sẽ chuẩn bị đón sự kiện này - nếu đoàn làm phim quyết định quay ngoại cảnh tại Sơn Mỹ - ra sao?

Sơn Mỹ là một “Pinkville” - “làng Hồng” - với quân đội Mỹ trong chiến tranh, nhưng từ 39 năm nay đã được biết đến trên toàn thế giới như nơi đã xảy ra vụ thảm sát kinh hoàng với 504 người dân vô tội bị quân Mỹ sát hại chỉ trong một buổi sáng ngày 16.3.1968. Về vụ thảm sát này, đã có rất nhiều bức ảnh, nhiều bài báo, nhiều cuốn sách, nhiều bộ phim tài liệu do chính người Mỹ làm từ mấy chục năm qua. Nhưng bây giờ là Oliver Stone - người đã từng đoạt 3 giải Oscar điện ảnh, trong đó có những phim về đề tài chiến tranh Việt Nam nổi tiếng toàn thế giới như Trung đội, Sinh ngày 4 tháng 7 - trực tiếp vào cuộc! Từ nay tới ngày kỷ niệm 40 năm vụ thảm sát Sơn Mỹ cũng chỉ còn 6 tháng nữa. Nhiều năm nay, Sơn Mỹ đã là một địa chỉ khá quen thuộc với khách du lịch trong và ngoài nước. Nhưng để có thể đón ngày càng nhiều hơn khách du lịch đến với Sơn Mỹ nói riêng, Quảng Ngãi nói chung, thì một sự kiện thu hút chú ý của truyền thông toàn thế giới như sự kiện Oliver Stone tới Sơn Mỹ và làm phim về vụ thảm sát Sơn Mỹ nhất định phải được ngành du lịch coi là một “sự kiện nóng”. Để có thể nhân sự kiện này chuẩn bị và quảng bá cho những chương trình du lịch “Về Sơn Mỹ” hay “To Pinkville” (đến với Làng Hồng).

Còn nhớ, cách đây 2 năm, nhân sự kiện quyển sách Nhật ký Đặng Thùy Trâm trở thành sự kiện lớn trong nước và quốc tế, địa danh Phổ Cường -một xã anh hùng nơi chị Trâm đã chiến đấu và hy sinh - đã trở nên thân thuộc với rất nhiều người cả trong và ngoài nước. Lúc ấy, đã có những dự định đưa tour “Du lịch Đặng Thùy Trâm” vào hoạt động thường xuyên. Nhưng rồi, do chuẩn bị không tốt cả về nội dung, địa điểm lẫn hành trình tour, mà chỉ sau vài ba lần đưa khách về Phổ Cường, những tour du lịch này đã âm thầm... mất hút. Đó là điều thật đáng tiếc cho ngành du lịch. Không dễ để có những cơ may như thế, nhưng biến nó thành cơ hội lại cần rất nhiều đầu tư, và để cơ hội ở một thời điểm hay trong thời gian ngắn thành lợi thế kinh doanh du lịch trong chặng đường dài thì lại cần rất nhiều yếu tố chủ quan của ngành du lịch không chỉ ở một địa phương. Khả năng liên kết du lịch, làm tour và liên kết tour,  “nuôi tour” trong ngành du lịch nước ta vẫn còn quá nhiều bất cập. Sự nhạy cảm trước những sự kiện, những cơ hội có thể thu hút khách du lịch cũng rất hạn chế.

Trong khi, kinh doanh du lịch là một ngành kinh doanh nhạy cảm, cần một năng lực nắm bắt nhanh cơ hội và cần một “cái nền” văn hóa đủ sâu rộng để thấu hiểu và chuyển hóa những sự kiện, nhất là những sự kiện mang sức thu hút văn hóa, thành cơ hội “hái ra tiền”. Du lịch, không chỉ là xây dựng khách sạn, nhà hàng hay resort, mà còn biết mở những “links” văn hóa, nghệ thuật, tâm linh kết nối với du khách bốn phương nữa. Khi du khách về thăm Sơn Mỹ là để vợi bớt nỗi lòng mình, để chia sẻ, đồng cảm, để sám hối hay cầu nguyện cho hòa bình, cho tình người, cho nhân ái... thì một sự kiện lớn như sự kiện Oliver Stone về Sơn Mỹ làm phim Pinkville chắc chắn phải là sự kiện mà ngành du lịch Việt Nam không thể bỏ trôi qua một cách uổng phí. Như đã từng bỏ trôi qua sự kiện Nhật ký Đặng Thùy Trâm với Phổ Cường và Đức Phổ.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.