Công bố Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng

27/08/2007 14:42 GMT+7

Sáng 27.8, ông Nguyễn Hữu Lục, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng (LPCTN). Luật này đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ nhất, thông qua ngày 4.8.2007 và có hiệu lực kể từ ngày công bố.

Luật phòng, chống tham nhũng được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29.11.2005 và có hiệu lực từ ngày 1.6.2006. Sau thời gian triển khai, Luật PCTN đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của việc phòng, chống tham nhũng, Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ nhất đã xem xét, sửa đổi, bổ sung điều 73 và điều 74 của Luật PCTN năm 2005. Cụ thể:

Điều 73. Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng.

“1. Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước. Giúp việc cho Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng có bộ phận thường trực hoạt động chuyên trách.

2. Ban chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đứng đầu có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Ban chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phòng, chống tham nhũng có bộ phận giúp việc.

3. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ”.

Về Điều 74, quy định nhiệm vụ, quyền hạn giám sát phát hiện, xử lý tham nhũng cho Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thay cho Ủy ban Pháp luật trước đây, vì vậy Điều 74 của Luật PCTN đã sửa đổi thuật ngữ “Ủy ban Pháp luật’’ bằng thuật ngữ “Ủy ban Tư pháp’’.

Theo ông Lê Anh Hào, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ: Quốc hội đã giao Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng hướng dẫn việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh tương tự mô hình Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở Trung ương. Thành viên Ban chỉ đạo PCTN cấp tỉnh gồm các cơ quan: nội chính, tuyên truyền, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, trong đó có một thành viên chuyên trách giúp Trưởng ban chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ.

Theo TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.