Hàn Quốc mạnh tay truy quét lao động bất hợp pháp

19/08/2007 22:29 GMT+7

Trong khi người dân Hàn Quốc đang chăm chú theo dõi vụ Taliban bắt cóc con tin thì những người lao động nhập cư trên đất nước nhân sâm đang có một sự quan tâm khác: Đợt truy quét lao động bất hợp pháp của Chính phủ Hàn Quốc kéo dài từ đầu tháng 8 đến cuối năm 2007.

Trước đây, việc truy quét thường do Cơ quan di trú Hàn Quốc tiến hành. Nhưng lần này Hàn Quốc tỏ ra mạnh tay hơn với sự phối hợp của cơ quan di trú, cảnh sát và Bộ Tư pháp cùng phối hợp thực hiện. Không chỉ dừng lại ở các khâu kiểm tra, triển khai cảnh sát "chìm" để phát hiện người lao động bất hợp pháp..., gần đây, cảnh sát còn ập vào các công xưởng, nhà trọ... của người lao động nhập cư để tiến hành bắt giữ.  Lý do khiến giới chủ Hàn Quốc vẫn sử dụng lao động bất hợp pháp là vì họ không phải tốn phí cho những khoản phúc lợi xã hội của người lao động. Còn người lao động bất hợp pháp thường được trả lương cao, từ 1.000 USD đến 1.500 USD/tháng, nhưng luôn đối diện với nguy cơ bị lừa gạt, quỵt tiền; sự truy quét của cảnh sát; bị xâm hại nặng nề về nhân phẩm và sức khỏe trong những lần bị bắt giữ...

Theo số liệu của Nghiệp đoàn Người nhập cư Hàn Quốc, hiện có khoảng 224.000 người nhập cư từ Trung Quốc, Philippines, Bangladesh, Việt Nam, Nepal, Indonesia, Myanmar, Thái Lan... là lao động bất hợp pháp. Trong đó, thống kê năm 2006 của Hàn Quốc cho biết lao động bất hợp pháp Việt Nam có khoảng 10.548 người, xếp thứ 4 sau các nước Trung Quốc, Philippines, Bangladesh. Những đợt truy quét đầu tiên của tháng 8 này cũng đã bắt đầu ảnh hưởng đến người lao động bất hợp pháp Việt Nam. 

Chị Sonhan Phương, một người Việt ở khu Ansan gần Seoul nói rằng có nhiều lao động bất hợp pháp đến nhờ chị tìm việc, nhưng chị khó có thể giúp đỡ vì hiện Hàn Quốc có các hình phạt rất nặng khiến giới chủ phải dè chừng. Những công ty, công xưởng... sử dụng lao động bất hợp pháp bị phạt từ 20 đến 50 triệu won (khoảng hơn 20.000 USD đến 55.000 USD) hoặc có thể bị truy tố. Còn lại quán ăn, nhà hàng và các hoạt động dịch vụ tương tự sẽ bị phạt từ 2 đến 5 triệu won. Chị Phương cho biết thời gian này người lao động thường xin phép giới chủ cho nghỉ qua đợt kiểm tra, hoặc tìm cách lẩn tránh.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Châu làm trong một trung tâm tư vấn ở Seoul cho biết đã có ba người bạn của chị bị bắt. Một người đang làm trong xưởng thì bị cảnh sát ập vào bắt giữ. Hai người khác đang ở nhà cũng bị bắt, sau khi cảnh sát đã dò la xung quanh về tung tích hai người này.

Một nhóm người lao động trong ngành xây dựng quê ở Hải Dương mà người viết bài gặp ở Seoul thì nói rằng cảnh sát sẽ không ập vào công trường bắt giữ vì ngại sẽ xảy ra những vụ lộn xộn dẫn đến tai nạn đáng tiếc. Tuy nhiên, họ nói rằng cũng có thể cảnh sát canh giờ họ ăn cơm để ập vào bắt. Một lao động khác là anh Phan Minh Tiến - 28 tuổi, quê ở Quy Nhơn - nói rằng xưởng anh có trên 200 người thì đã gần 50 người là lao động bất hợp pháp. Trước đợt truy quét, chủ lao động đã cho thôi việc hai người Việt và ba người Bangladesh. Tiến là lao động chủ chốt nên vẫn được giữ lại, nhưng ban giám đốc cũng họp bàn rằng khi cảnh sát ập đến sẽ có chuông báo động, mọi người nên chạy trốn vào ngọn núi gần đó. Tiến cho biết anh đã quen với việc chạy trốn như vậy.


Khẩu hiệu của Nghiệp đoàn Người nhập cư Hàn Quốc: "Không có ai là bất hợp pháp", "Người nhập cư không phải là tội phạm", "Hãy ngừng truy quét"

Những người bị bắt sẽ bị trục xuất về nước. Điều lo ngại là người lao động bất hợp pháp khi bị bắt giữ thường bị xâm hại nhân phẩm, sức khỏe... Nhiều tai nạn thương tâm cũng đã xảy ra trong các đợt truy quét. Có trường hợp khi cảnh sát ập đến, một phụ nữ Việt Nam sợ quá nhảy từ lầu cao xuống, nằm trên nền xi măng hấp hối 6 giờ liền nhưng cảnh sát không mảy may can thiệp. Có một nhóm công nhân xây dựng Trung Quốc, khi cảnh sát xông vào công trường, đã nhảy từ giàn giáo cao xuống, có người bị cọc sắt đâm xuyên qua chân nhưng cảnh sát cũng không giúp đỡ gì. Hoặc gần đây, một số công nhân Trung Quốc đã thiệt mạng do hỏa hoạn trong lúc đang bị giam giữ. 

Để đối phó đợt truy quét tháng 8 này, Nghiệp đoàn Người nhập cư Hàn Quốc cho biết họ sẽ kháng nghị bằng mọi cách. Một mặt, tổ chức này khuyến cáo những người lao động nhập cư phải nhớ thời giờ, địa điểm bị bắt giữ, giam giữ, phải luôn mang trong mình số điện thoại của người quen, bạn bè... để kịp thời thông báo những trường hợp bị xâm hại. Mặt khác, họ phản đối việc Bộ Tư pháp Hàn Quốc cho rằng việc bắt giữ đúng thủ tục luật pháp sẽ giúp ngăn ngừa những trường hợp xâm hại, nhưng thực chất nhiều vụ bắt bớ đã xảy ra mà không có giấy phép. Họ cho rằng chính việc bắt bớ những người lao động nhập cư làm cho họ bị xem như những tội phạm hình sự. 

Chính phủ Hàn Quốc cho rằng việc truy quét là để củng cố hơn nữa hình thức cấp phép lao động EPS - một hệ thống được ban hành từ năm 2004 cho phép người lao động nhập cư được hưởng những chế độ tương tự như lao động Hàn Quốc. Tuy nhiên, Nghiệp đoàn Người nhập cư cho rằng EPS sẽ khiến người lao động bị lệ thuộc vào lòng thương hại của giới chủ, những quyết định về việc làm, chuyển xưởng... của họ đều do giới chủ định đoạt. Cho nên, họ nói rằng để đối phó với đợt truy quét trên họ sẽ không lẩn tránh mà sẽ đấu tranh để được tôn trọng, để những quyền cơ bản của con người, của người lao động không bị xâm hại. Mặt khác, họ cũng đòi hỏi một chính sách lao động mới công bằng và phù hợp quyền lợi của người lao động nhập cư hơn.

Quang Thi (từ Seoul)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.