Nghệ sĩ múa Tuyết Minh: 7 năm, tiên nữ hóa thành... biên đạo!

11/08/2007 20:53 GMT+7

Trong dàn diễn viên của vở ballet Kẹp hạt dẻ (biên đạo Phillip Cohen, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, công diễn năm 2000), tôi đặc biệt chú ý đến một cô gái nhỏ đóng vai tiên nữ. Khuôn mặt biểu cảm. Những động tác vô cùng mềm mại và sống động. Thấy tôi say sưa ngồi xem Tuyết Minh tập, vị biên đạo khó tính người Pháp lại gần và nói: cô ấy là một tài năng triển vọng đấy !

Vào một ngày đầu mùa mưa năm nay, tình cờ gặp lại Minh ở quán... cơm bụi. Cô đi chung với ai đó (sau này thì biết đấy là ông xã), gọi một bàn đầy đồ ăn và một... chai bia. Lúc ấy, tôi đã tưởng mình nhìn nhầm người. Diễn viên múa đâu có được phép ăn uống thoải mái thế. Tôi vẫn nhớ, lần đầu phỏng vấn Minh, cô bé đem mít ra mời khách còn mình thì thòm thèm... uống nước lọc. 7 năm không gặp, cô bé ngày nào giờ đã là một phụ nữ trưởng thành, tay đeo nhẫn cưới và hình như không còn chú ý chuyện giữ “phom” nữa.

“Em thôi biểu diễn rồi”. Minh vui vẻ giải thích còn tôi thì lặng đi mất một lúc. Trước khi đến đây, trong đầu tôi vẫn giữ nguyên hình ảnh Minh của 7 năm trước. Cô bé con nhà nòi tuồng cổ nhưng lại thích múa may. Biết mình hình thể không được “chuẩn”, dáng vóc không được thanh mảnh mềm mại, Minh đã phải tập luyện vất vả hơn các bạn rất nhiều. Ngày ấy, khi công diễn ballet Kẹp hạt dẻ, Minh là một trong những diễn viên nổi bật, dù chỉ đảm nhận một vai thứ. Đến cuộc thi Tài năng múa trẻ 2001 thì cái tên Tuyết Minh bắt đầu được người trong nghề chú ý. Trong số mấy chục thí sinh dự thi, chỉ có vài người như Minh là tự dàn dựng tiết mục mà không nhờ các biên đạo tên tuổi. Trần Quốc Toản của Minh gây ấn tượng mạnh mẽ bằng sự kết hợp giữa múa với vũ đạo tuồng cổ. Thế nhưng, Minh chỉ đứng thứ hai. Tôi nhớ mãi gương mặt buồn thiu và ánh mắt ngấn nước của Minh khi lên nhận giải nhì.

Không thể ngờ chỉ một năm sau, cô gái ấy đã bứt phá mạnh mẽ. Năm 2002, nhạc kịch Carmen ra mắt và là sự kiện của ngành múa thời điểm ấy. Hình như, tất cả các tờ báo đều viết về nó. Khen ngợi, ủng hộ, đôi chỗ góp ý. Nhưng bài viết nào cũng đi đến một kết luận chung là nể phục. Một nhóm diễn viên múa trẻ măng, chưa phải là những ngôi sao của sân khấu múa hay những biên đạo cứng nghề, vậy mà dám đụng đến một tác phẩm kinh điển của thế giới  – Carmen, thậm chí còn Việt hóa khá nhiều chi tiết, trong khi ngay những đơn vị nghệ thuật lớn của Việt Nam cũng chưa dám dàn dựng. Sau này hỏi Minh “Ngày ấy, có bị ai phản đối không?”, Minh lắc đầu “Mọi người chỉ e ngại chúng em không đảm nhận nổi thôi”. Thực ra thì e ngại cũng phải. Nhóm “Ballet trẻ” của Minh tập hợp những diễn viên vừa mới ra trường, tuổi đời, tuổi nghề đều rất mỏng. Cái bù lại chỉ là “khao khát được múa, được khẳng định và hừng hực sức trẻ”. Nhưng những người trẻ có cách nghĩ riêng. “Lâu lắm rồi Việt Nam không có vở múa nào do biên đạo Việt Nam dàn dựng cả. Các diễn viên múa cũng không có đất dụng võ. Khán giả thì thờ ơ với nghệ thuật múa. Lớp trẻ chúng em cũng muốn làm một điều gì đấy...”.

Kết quả của cuộc liều mạng vì nghệ thuật ấy là: Nhà hát lớn có 700 ghế thì chật cứng hết. Minh phải xin với Ban giám đốc cho phát hành thêm vé đứng. Sau tác phẩm trình làng, nhóm “Ballet trẻ” của Minh tiếp tục thử sức với Quan  m Thị Kính (2003), Bên trong bên ngoài (2004)... và chuyển dần qua ngôn ngữ múa đương đại.

* Nói thật là mình cảm thấy rất tiếc khi Minh rời bỏ sân khấu múa...

- Còn em thì lại không thấy tiếc. Vì ngưng biểu diễn, nhưng vẫn hoạt động trong nghề, vẫn nhận biên đạo các chương trình, vẫn tham dự các cuộc thi của ngành. Diễn viên múa, có người xác định biểu diễn cho đến khi sắc vóc không còn cho phép. Em thì chọn trở thành một giảng viên và một biên đạo múa.

* Trong ngành múa, biên đạo thường phải cứng tuổi một chút mới được thừa nhận. Một biên đạo trẻ có gặp nhiều khó khăn không, khi mà diễn viên cũng đều ở lứa ương ương dễ “bùng nổ”?

- Em lại nghĩ khác. Khi cùng là những người trẻ và bình đẳng với nhau như những người bạn thì rất dễ “nói chuyện”. Dựång Carmen, em và anh Hồng Phong (thành viên nhóm “Ballet trẻ”) thống nhất với nhau là, có những đoạn biên đạo chỉ trao đổi ý tưởng với diễn viên, còn diễn viên sẽ được ngẫu hứng và sáng tạo theo cảm nhận riêng. Mọi việc rất suôn sẻ. Hình như, bản thân các diễn viên trẻ cũng tin tưởng rằng, biên đạo trẻ với suy nghĩ trẻ hẳn sẽ đem đến những điều mới mẻ. 

* Nếu nhớ không nhầm thì mơ ước ngày nhỏ của Minh là dàn dựng một vở Việt Nam. Vì sao lại mở màn cho sự nghiệp biên đạo bằng một vở kinh điển của thế giới?

- Thực ra, dựng vở Việt Nam mới là mục tiêu của chúng em. Quan m Thị Kính nằm trong kế hoạch dàn dựng của nhóm. Nhưng chúng em muốn đi một cách cẩn trọng. Nếu như ra mắt ngay một vở Việt Nam, có lẽ sẽ gây sốc cho người trong giới và khó được đón nhận hơn. Vì vậy, nhóm quyết định bắt đầu từ kinh điển. Sau đấy mới tới Quan  m Thị Kính, hướng đến ngôn ngữ múa đương đại. Không dùng múa dân gian nữa mà kết hợp giữa múa dân gian Việt Nam với kỹ thuật châu  u.

* Chuyển sang múa đương đại nhưng luận án thạc sĩ lại là: Múa truyền thống Việt Nam trong các tác phẩm đương đại. Có vẻ như Minh vẫn rất nặng lòng với các điệu múa dân gian Việt Nam?


Vở múa Suối tóc do Tuyết Minh làm biên đạo

- Theo quan điểm của em thì cần phải giữ gìn múa truyền thống Việt Nam. Giữ bằng hai cách. Một là bảo lưu nguyên trạng và hai là phát triển. Từ những trích đoạn gốc mình phát triển theo ngôn ngữ và kỹ thuật của ngày hôm nay. Có thế mới thể hiện được những tác phẩm mang nội dung “đương đại”. Đó cũng là một hướng đi cho sân khấu múa. Hiện nay, đi đến đâu người ta cũng nghe nói đến múa đương đại. Nhưng có điều, không ít người nhầm lẫn khi cho rằng, múa đương đại tức là phủ định cái cũ, hoặc gán cho nó những đặc tính kỳ quặc, những động tác lăn lê, bò toài, giật cục... Múa đương đại thực ra cũng bắt đầu từ một cái gốc nào đấy, trong nó có một phần của quá khứ, một phần của hiện tại và một chút dự báo cho tương lai. Em thấy lạ là trong khi những biên đạo nước ngoài và biên đạo quốc tế gốc Việt rất chú trọng đến yếu tố “gốc” đó thì các nghệ sĩ Việt Nam nhiều khi lại xem nhẹ. Phillip Cohen dựng Kẹp hạt dẻ, Ea Sola Thủy dựng Hạn hán và cơn mưa..., họ sống ở nước ngoài, nhưng khi đến Việt Nam, họ lại biết cách “nhập gia tùy tục” và tìm hiểu rất kỹ về văn hóa truyền thống của Việt Nam để áp dụng vào vở. Thế nên, vở diễn mới gần gũi với khán giả Việt đến thế. Đấy là cái mà lớp trẻ chúng em cần phải học.

   Hiện đang là thời điểm Minh chạy đua với công việc. Vừa giảng dạy, vừa chuẩn bị bảo vệ luận án thạc sĩ, vừa chăm chút cho cửa hàng áo cưới mới khai trương. Để có thể bảo vệ được luận án thạc sĩ này, Minh đã phải đi một con đường vòng. Cấp thạc sĩ không có chuyên ngành múa. Minh phải theo học ngành sân khấu. Tức là phải học một cách tổng thể về sân khấu Việt Nam cái đã, rồi mới được bảo vệ luận án thạc sĩ về sân khấu múa. Có thể, khi quyết định ngưng biểu diễn, Minh đã rẽ sang một lối khiến tôi và nhiều khán giả yêu thích nghệ thuật múa tiếc nuối. Nhưng ở lối rẽ ấy, Minh có cơ hội thực hiện những hoài bão lớn của mình.

 Nghệ sĩ múa, biên đạo Tuyết Minh

Năm 2000: Tham gia vở ballet Kẹp hạt dẻ (Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam)

Năm 2001: Giải nhì cuộc thi Tài năng múa trẻ

Năm 2002: Dàn dựng và tham gia biểu diễn trong nhạc kịch Carmen

Năm 2002: Ra mắt vở múa Quan m Thị Kính

Năm 2005: Ra mắt vở múa Bên trong bên ngoài

Năm 2007: Giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi Biên đạo trẻ (dành cho các tác phẩm múa ít người) với tác phẩm Suối tóc

Hương Lan (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.