VN chuẩn bị cho kỳ thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 48

12/07/2007 22:48 GMT+7

Kỳ thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 48 (IMO 2007) sẽ được tổ chức tại Việt Nam từ ngày 19 - 31.7. Sau nhiều năm "mang chuông đi đánh xứ người", đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai sự kiện lớn này.

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Phó trưởng ban tổ chức IMO 2007 cho biết: Đến ngày 3.7, có 93 đoàn đăng ký tham dự IMO 2007 (kể cả đoàn Việt Nam) với tổng số 520 thí sinh và 261 cán bộ. Năm nay, có một số nước mới đăng ký tham dự với tư cách quan sát viên.

* Thưa ông, theo thông lệ nước chủ nhà không được ra đề thi cũng như đề xuất đề thi?

Lễ khai mạc IMO 2007 sẽ được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội), các thí sinh sẽ dự thi trong 2 ngày 25 và 26.7 tại đây. Lễ bế mạc và trao giải cũng được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. Trong thời gian tham gia IMO 2007, cán bộ, học sinh các nước sẽ được đi tham quan các địa danh ở Hà Nội, Hà Tây và vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).

- Đúng vậy, theo điều lệ IMO, đề thi được Hội đồng các trưởng đoàn xây dựng trên cơ sở ngân hàng các bài toán đề xuất từ các nước trên thế giới gửi đến. Nước chủ nhà phải có trách nhiệm thành lập tiểu ban tuyển chọn. Ban tổ chức đã mời hai giáo sư nước ngoài tham gia tiểu ban tuyển chọn các bài toán đề xuất để chọn đề thi giai đoạn 1. Cái khó của tiểu ban này là phải tìm trong hàng trăm đề thi gửi đến để chọn những đề thi hay, không trùng lắp (hoặc gần giống) với những đề thi đã ra trước đó trên khắp thế giới. Đồng thời, tiểu ban này phải nghĩ ra nhiều đáp án khác nhau của bài thi, giúp người chấm có căn cứ xác định điểm cho thí sinh...

Sau khi tiểu ban xây dựng được một danh sách đề nghị, các trưởng đoàn sẽ tiếp tục lựa chọn đề, sau đó đưa ra thảo luận, lấy ý kiến và biểu quyết 6 bài toán hay nhất (mỗi ngày thi 3 bài toán). Công việc này kéo dài từ 19 - 24.7. Nước chủ nhà Việt Nam sẽ chấm bài thi cho tất cả các nước, nhưng riêng bài của đoàn Việt Nam sẽ do các nước ra đề thi chấm. Khó khăn của người chấm thi là học sinh làm bài bằng tiếng mẹ đẻ.

Do đó, yêu cầu đối với giáo viên chấm phải có ít nhất 1 trong 6 ngoại ngữ cơ bản. Số giáo viên được huy động tham gia chấm IMO khoảng 80 người, trong đó 29 người đi học ở nước ngoài về hoặc đang công tác ở nước ngoài, bản thân họ đã từng đoạt các giải thưởng Olympic quốc tế. Số còn lại là giáo sư các trường ĐH, Viện Toán học, một số cán bộ giỏi toán sơ cấp được điều động từ các sở GD-ĐT. Sau khi chấm xong, người chấm sẽ tiếp xúc với các trưởng đoàn để trao đổi về kết quả từng bài thi. Tâm lý chung, trưởng đoàn nào cũng muốn thí sinh của họ đạt điểm cao, vì vậy người chấm phải bảo vệ được quan điểm chấm của họ, bài thi của thí sinh đúng, sai như thế nào. Trong trường hợp hai bên vẫn còn tranh cãi thì đưa ra Ban tư vấn các kỳ thi Olympic Toán học quốc tế (IMOAB) giải quyết xem ai đúng ai sai.

* Ông có thể cho biết kinh phí tổ chức sự kiện này?

- Theo tham khảo của chúng tôi, kinh phí tổ chức sự kiện này ở các nước khoảng 3 triệu USD. Kinh phí của chúng ta rất ngặt nghèo, Ban tổ chức IMO đã tìm kiếm tài trợ từ 5 công ty để hỗ trợ thêm nguồn ngân sách Nhà nước.

Thu Hồng
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.